TP. Hồ Chí Minh: Chấn chỉnh công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/05/2017
Trên địa bàn TP. HCM hiện đang hoạt động song song 2 hệ thống tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, gồm: hệ thống thu gom công lập do lực lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích của các quận huyện thực hiện với 3.712 phương tiện thu gom (thùng 660 lít, xe tải, xe ép nhỏ...)
Và khoảng 2.500 nhân công (thu gom khoảng 40% khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các hộ mặt tiền đường); hệ thống thu gom dân lập do các cá nhân thu gom rác tự do, các nghiệp đoàn thu gom và các hợp tác xã vệ sinh môi trường thực hiện với 2.160 phương tiện thu gom (xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế…) và khoảng 4.000 nhân công (thu gom khoảng 60% khối lượng chất thải rắn phát sinh chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư).
Công tác quản lý lực lượng thu gom dân lập đang được giao cho UBND phường, xã, thị trấn thông qua Quyết định số 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT ngày 15/10/1998 về quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập và Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND ngày 20/12/2008 về việc thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP. HCM.
Lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn quận Bình Tân |
Theo Sở TN&MT TP. HCM, trong quá trình thực hiện, công tác thu gom tại nguồn còn tồn tại một số nội dung như: Phần lớn người dân có thói quen bỏ CTRSH trước cửa nhà, trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, vẫn còn một bộ phận người dân không ký hợp đồng thu gom CTRSH và thải bỏ bừa bãi ra các khu công cộng hoặc kênh rạch. Lực lượng thu gom dân lập hoạt động theo tính chất tự phát, cá nhân nhỏ lẽ với ý thức chưa cao dẫn đến đôi khi không hợp tác với chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách quản lý (thu phí vệ sinh, phân loại chất thải rắn tại nguồn, không thu đúng thời gian quy định, không thu gom đúng tần suất dẫn đến CTRSH tồn đọng trên đường phố, ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh môi trường).
Một số trang thiết bị của lực lượng thu gom dân lập cũ, không đồng bộ, còn sử dụng các phương tiện thô sơ, cơi nới làm rơi vãi, rò rỉ nước rỉ rác gây mất mỹ quan. Sự phân chia địa bàn thu gom của lực lượng dân lập không đồng đều dẫn đến tình trạng thu gom “da báo”, không thống nhất tần suất, thời gian thu gom ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh trong khu vực. Công tác quản lý Nhà nước chưa được thực hiện tốt; việc xử lý vi phạm hành chính hầu như chưa thực hiện tại các quận huyện; thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong quản lý và xử lý vi phạm.
Để giải quyết các vần đề tồn tại nêu trên, năm 2016, Thành ủy và UBND TP. HCM đã chỉ đạo các sở ngành, UBND 24 quận huyện chấn chỉnh lại hoạt động của lực lượng thu gom tại nguồn. Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) nghiên cứu các mẫu phương tiện thu gom tại nguồn thay thế các phương tiện hiện nay không đảm bảo yêu cầu về môi trường.
Đồng thời, UBND thành phố sẽ ban hành Quy định quản lý CTRSH thay thế Quyết định số 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT cũng như đang xem xét để ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố theo lộ trình tiến đến thu đúng, đủ để thay thế Quyết định 88/2008/QĐ-UBND.
Ngoài ra, UBND thành phố sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom dân lập sang tổ chức hoạt động có tư cách pháp nhân để quản lý hiệu quả và cơ chế tài chính để hỗ trợ lực lượng dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom phù hợp.
Đặc biệt, từ 1/5, UBND TP. HCM chính thức thực hiện phân cấp đấu thầu thu gom, quét dọn, vận chuyển rác thải về các quận, huyện. Theo đó, từ 1/7, tất cả các quận, huyện phải thực hiện đấu thầu thu gom, vận chuyển rác để lựa chọn những đơn vị có năng lực tham gia công tác này.
Nguyễn Thanh