63% tổng lượng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ nước ngoài

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/04/2017

(TN&MT) - Tại hội thảo quốc tế “An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” diễn ra sáng ngày 19/4, các chuyên gia nhận định, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cần tính đến các yếu tố nội hàm về suy giảm nguồn nước và ô nhiễm môi trường.

Tham gia hội thảo có đại diện Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Tổ chức hợp tác ngành nước CHLB Đức, Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức và Viện Khoa học Thủy lợi cùng nhiều đơn vị cùng lĩnh vực.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo


Nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng

Tại hội thảo, nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Trên 60% tổng lượng dòng chảy xuất phát từ Trung Quốc, Thái Lan, Myanma, Lào và Campuchia với 126/208 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được được khoảng 3.370 m3/năm từ nguồn nước nội sinh. Dự báo tổng nhu cầu nước toàn quốc năm 2020 là 80 tỉ mét khối/năm.

Nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu, nhưng vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, đe dọa cán cân nguồn nước. Thực tế những năm gần đây cho thấy, hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, dư lượng thuốc hóa nông; rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước.

Dự báo, Đồng bằng sông Cửu Long có 828.000 héc ta đất bị nhiễm mặn, Vùng trung du và miền núi Bắc bộ có gần 2,3 triệu héc ta bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung bộ có gần 56.000 héc ta đất bị nhiễm mặn, 759.000 héc ta bị hoang hóa, sa mạc hóa.

. Bão lũ gây thiệt hại lớn nhất về người và tài sản, làm sạt đất, lở núi, xói bờ và xâm thực ven biển. Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa các vùng trong cả nước. 

GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi nhận định: An ninh nguồn nước ở Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ những thách thức mang tính khách quan và chủ quan. Một phần là do người dân Việt Nam vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước. Nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không chỉ còn là dự báo mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Thu hút khối tư nhân đầu tư bảo vệ nguồn nước

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về tìm cách tiếp cận mới và giải pháp ứng phó với thực trạng BĐKH để bảo đảm an ninh nguồn nước. Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Đảng và Nhà nước đã có Chiến lược phát triển bền vững gắn với ứng phó BĐKH. Thế giới đánh giá Việt Nam có nhiều thành công và kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai.

Tuy vậy, những dự báo khoa học cho thấy rằng, nếu nồng độ khí CO2 gia tăng gấp đôi hiện nay, lượng mưa ở Việt Nam sẽ biến động nhiều, mùa khô khốc liệt hơn và lượng mưa sẽ giảm vào đầu mùa nhưng gia tăng vào cuối mùa. Chính vì vậy, an ninh nguồn nước trở thành vấn đề có tính chiến lược, đồng thời là vấn đề thời sự cần được lưu ý.

TS. Dirk Pauschert, Giám đốc Chương trình Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết, qua thực tế khảo sát nhiều khu vực tại Việt Nam, GIZ nhận thấy vấn đề cấp bách với Việt Nam hiện nay là thích ứng với ngập úng và xử lý ô nhiễm nước. Chính vì vậy, GIZ đã và đang triển khai hỗ trợ Việt Nam về quản lý nước thải tránh ô nhiễm từ hộ gia đình và các ngành công nghiệp, hạ tầng thoát nước xanh ở các đô thị, bảo vệ nhà ở và sinh kế cho các hộ dân trong vùng ngập.

Theo bà Diệu Trinh, đại diện Bộ KH&ĐT, đã có khá nhiều dự án hợp tác giữa chính phủ các nước với Việt Nam, và tham vọng của Bộ KH&ĐT là thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực bảo đảm an ninh nguồn nước nói riêng và ứng phó với BĐKH nói chung. Để làm được điều này cần đảm bảo 3 yếu tố: Chia sẻ thông tin, tạo thị trường sinh lợi nhuận và tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tiềm năng của lĩnh vực này.

Đồng quan điểm này, GS. TS Trần Đình Hòa nhận định, quá trình chuyển giao khoa học công nghệ đang tạo ra tiềm năng to lớn mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của Việt Nam cũng đang hướng đến trả phí sử dụng nước và mời doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo an ninh nguồn nước theo hình thức TPP.

Khánh Ly