Dân "gánh" hậu quả ô nhiễm sông Chà Và

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/04/2017

(TN&MT) - Thời gian gần đây, liên tiếp những đợt cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chết hàng loạt gây thiệt hại năng nề...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, liên tiếp những đợt cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chết hàng loạt gây thiệt hại năng nề về tài sản cho người dân. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến hải sản tại xả Tân Hải huyện Tân Thành đã làm ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, việc xử lý nguồn nước bị ô nhiễm còn chậm, chưa đạt hiệu quả nên người dân không yên tâm để đầu tư nuôi, trồng hải sản.

Cá lồng bè chết nổi trắng mặt nước khiến người dân bị thiệt hại nặng nề
Cá lồng bè chết nổi trắng mặt nước khiến người dân bị thiệt hại nặng nề

Trắng tay vì cá, tôm chết

Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và trong những năm qua cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân trong tỉnh và xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng cá chết hàng loạt  trên sông Chà Và liên tiếp xảy ra, khiến người dân nuôi cá lao đao, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh tắng tay, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải huyện Tân Thành. Cụ thể, là một số cơ sở chế biến hải sản dù đã xây khu xử lý nước thải nhưng lại không vận hành, vẫn lén lút xả thải ra khu vực cống số 6, nguồn nước  ô nhiễm theo đó chảy  về xã Long Sơn, phường 12, thành phố Vũng Tàu, đây là khu vực đầu nguồn phải hứng chịu hậu quả của nguồn nước bị ô nhiễm .

Hàng trăm hộ dân nuôi cá trên sông Chà Và bị thiệt hại nặng nề
Hàng trăm hộ dân nuôi cá trên sông Chà Và bị thiệt hại nặng nề

Bà Nguyễn Thị Lùng, ngụ ở Thôn 6, xã Long Sơn kể trong nước mắt: “Gia đình tôi nuôi cá lồng bè nhiều năm nay, bao nhiêu tiền bạc đều đổ vào lồng bè cá hết cả.Thế nhưng, đến lúc chuẩn bị được thu thì cá chết hết, hiện gia đình tôi đang mang nợ tổng cộng 500 triệu đồng của ngân hàng và bên ngoài, có bán nhà đi cũng không đủ trả nợ”.  Gia đình tôi làm bè cá ở thượng nguồn – nơi chịu tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm đầu tiên của hoạt động xả thải của từ khu chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Nhưng khi chính quyền công bố danh sách hỗ trợ bồi thường thì gia đình tôi không có tên trong danh sách đó. Theo giải thích của chính quyền thì lúc cá chết gia đình tôi không thông báo để được khảo sát, đánh giá hiện trạng…Tôi là nông dân, chữ nghĩa không có, suốt ngày ngoài bè cá, lúc cá chết thì lo thu gom, chẳng nghe thông báo phải kê khai thiệt hại như thế nào cả nên giờ lâm vào cảnh trắng tay, kêu ai bây giờ?”.

3. Bà Lê Thị Mảnh, ngụ ở thôn 2, xã Long Sơn phải đi làm thuê vì không còn tiền để đầu tư nuôi thủy sản
Bà Lê Thị Mảnh, ngụ ở thôn 2, xã Long Sơn phải đi làm thuê vì không còn tiền để đầu tư nuôi thủy sản

Cùng chung hoàn cảnh là bà Lê Thị Mảnh, ngụ ở thôn 2, xã Long Sơn cho biết: “Người dân Long Sơn chúng tôi từ xưa tới nay sống nhờ vào nguồn nước sông Chà Và này, nhưng việc nuôi cá lồng bè mấy năm nay thường hay bị chết,  chúng tôi vẫn quyết tâm quyết tâm phát triển nuôi con tôm, hàu… thế nhưng công sức, tiền bạc bỏ ra đều đổ xuống sông cả. Tôm, hàu nuôi cứ gần được thu hoạch lại bị chết hàng loạt. Chúng tôi đau khổ lắm. Nhà cửa đều đem cầm cho ngân hàng. Tán gia bại sản nhiều lắm rồi. Hiện giờ tôi phải đi làm thuê làm mướn thôi, tiền đâu ra nữa mà đâu tư nuôi tiếp. Tôi chẳng hiểu nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng đến mức nào mà nuôi trồng con gì cũng chết hết cả. Rất mong chính quyền sớm có giải pháp khắc phục triệt để ô nhiễm nguồn nước để cho người dân chúng tôi bớt bị thiệt hại, bớt khổ đi”.

Việc xử lý nguồn nước bị ô nhiễm là việc làm hết sức cấp thiết, nếu không xử lý ngay thì bà con nuôi trồng thủy sản sẽ còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại
Việc xử lý nguồn nước bị ô nhiễm là việc làm hết sức cấp thiết, nếu không xử lý ngay thì bà con nuôi trồng thủy sản sẽ còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại

Phải cô lập hoàn toàn vùng nước ô nhiễm

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với lãnh đạo các sở, ngành mới đây, các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã đề nghị tỉnh sớm giải quyết các vấn đề vướng mắc ô nhiễm môi trường tại cống số 6 làm cho cá, tôm chết hàng loạt. Cụ thế, các hộ cho biết, hiện nay họ rất muốn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi cá lồng bè trên sông, bởi đây vẫn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau mấy vụ thất bát do môi trường nước bị ô nhiễm họ không còn dám đầu tư nữa.

“Vẫn biết đầu vào nuôi trồng thủy sản tại sông Chà Và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, chúng tôi không dám đầu tư nữa, mà thật ra cũng không còn vốn đâu để tái đầu tư vì nợ cũ chưa thể trả thì làm sao vay thêm vốn ngân hàng được nữa”, ông Nguyễn Công Biên , xã Long Sơn - một trong những hộ thiệt hại nặng trong đợt cá chết mới đây (ngày 6/4) chia sẻ.

Cũng theo ông Biên, sau nhiều đợt cá chết hàng loạt, chúng tôi được “trấn an” bằng việc hứa sẽ di dời tất cả các nhà máy chế biến hải sản ở Tân Hải, huyện Tân Thành về khu chế biến hải sản tập trung, nhưng đến nay đã là quý 2 của năm 2017 mà việc di dời chưa được thực hiện.  Hiện nay nguồn nước vẫn bị ô nhiễm, cá nuôi lồng bè của bà con ở Long Sơn vẫn còn chết.

Cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và hồi năm ngoái
Cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và hồi năm ngoái

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm ở sông Chà Và, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhiều biện pháp thực hiện. Theo đó, giải pháp sửa chữa cống số 6 đang được gấp rút triển khai nhằm ngăn chặn nguồn nước ô nhiễm từ các đầm chứa nước phát tán ra ngoài sông.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Việc xử lý nguồn nước bị ô nhiễm là việc làm hết sức cấp thiết, nếu không xử lý ngay thì bà con nuôi trồng thủy sản sẽ còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Do vậy, dứt khoát sắp tới làm sao cô lập hoàn toàn vùng nước ô nhiễm không được phép ra sông, nếu nước trong này mà thoát ra sông thì kỷ luật Giám đốc Sở Nông nghiệp. “Mùa mưa đến rồi, nước tràn ra thì quyết liệt sửa chữa đập này, mục tiêu là không được phát tán nước ra sông, việc này không được chần chừ mà phải triển khai thực hiện gấp”, ông Lĩnh quyết liệt chỉ đạo./.

Linh Nga