Cát bồi lấp, cửa sông Cu Đê "kêu cứu"
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/04/2017
Theo tìm hiểu của PV, khu vực này có 6 tổ dân phố, hơn 200 hộ dân đang sinh sống. Hầu hết bà con nhân dân đều làm nghề biển, nên việc cửa sông Cu Đê bị bồi lấp gây khó khăn cho việc làm ăn, nhất là việc đi lại, neo đậu của thuyền ghe mỗi khi từ sông ra biển và ngược lại. Hơn thế nữa, vào đầu mỗi mùa mưa bão, cửa sông bị vùi lấp, gây hiện tượng nước sông dâng đột ngột, gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống gần cửa sông.
“Trên thực tế, tình trạng cát bồi lấp cửa sông Cu Đê lại xảy ra theo thời tiết. Mùa khô, cửa sông bị bồi lấp dữ dội, gần như lấp hẳn cửa sông với hàng trăm nghìn m2 cát. Mùa mưa, do lượng nước sông Cu Đê chảy về mạnh, nên tình trạng bồi lấp cũng giảm hẳn” - ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết.
Việc cửa sông Cu Đê bị bồi lấp gây khó khăn cho việc làm ăn, nhất là việc đi lại, neo đậu của thuyền ghe mỗi khi từ sông ra biển và ngược lại |
Cũng theo ông Hoàng, nếu nạo vét cửa sông Cu Đê sẽ tạo nên tình trạng biển xâm thực, gây sạt lở bờ biển khu vực Thủy Tú, ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu đường sắt, đường bộ Thủy Tú - Nam Ô. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, thành phố đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống kè bờ biển từ Thủy Tú lên tận Kim Liên, sát chân đèo Hải Vân, việc nạo vét cửa sông Cu Đê là hoàn toàn có thể.
“Bởi lẽ, nếu làm được như vậy, sẽ khơi thông luồng lạch sông Cu Đê ra biển, tạo được một tuyến du lịch đường sông, từ biển ngược thượng nguồn sông Cu Đê, đầy tiềm năng và vô cùng hấp dẫn du khách” - ông Nguyễn Minh Hoàng nói thêm.
Việc nạo vét cửa sông Cu Đê để tạo thông thoáng luồng lạch, hình thành tuyến du lịch trên sông Cu Đê, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và địa phương. Tuy vậy, dù thế nào cũng cần phải được cơ quan chức năng chuyên ngành, nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường khu vực, thì những ý kiến, nên hay không nên nạo vét cửa sông Cu Đê mới thống nhất được.
Cũng liên quan đến cửa sông Cu Đê đoạn thuộc dự án đê kè biển Liên Chiểu - Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc) này, mới đây, UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản về việc đầu tư xây dựng bổ sung đoạn kè còn lại từ cầu Trắng đến kho xăng dầu K83 vào dự án Đê, kè biển Liên Chiểu - Kim Liên (đoạn từ cầu trắng đến nhà máy xi măng Hải Vân) nhằm đảm bảo tính ổn định, an toàn cho người dân và đồng nhất cảnh quan trên toàn tuyến. Tổng kinh phí thực hiện là 26 tỷ đồng.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND quận Liên Chiểu triển khai thực hiện đầy đủ các thủ tục, trình tự xây dựng cơ bản theo đúng quy định hiện hành, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo cảnh quan khớp nối hạ tầng tại khu vực.
Trước đó, Báo TN&MT đã phản ánh dự án đê kè biển Liên Chiểu - Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc - đoạn từ cầu Trắng đến cảng nhà máy xi măng Hải Vân được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt vào tháng 10/2015 với tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng; phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán vào tháng 9/2016 với tổng mức đầu tư hơn 99 tỷ đồng với tổng chiều dài tuyến là 1.500m. Tuy nhiên, như Báo TN&MT đã thông tin trước đó, đoạn xung yếu nhất khoảng 500m từ nhà máy xi măng Hải Vân đến kho xăng dầu K83 dài khoảng 2.000m thì dự án đang triển khai chỉ làm 1.500m, đoạn 500m còn lại nằm kế kho xăng dầu, là đoạn xung yếu và đang bị biển xâm thực nặng, lại không có trong dự án (thuộc tổ 4, 5, phường Hòa Hiệp Bắc).
UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản về việc đầu tư xây dựng bổ sung đoạn kè còn lại từ cầu Trắng đến kho xăng dầu K83 vào dự án Đê, kè biển Liên Chiểu - Kim Liên |
Qua tìm hiểu, PV được biết, Dự án lấy nguồn vốn từ ngân sách trung ương, chủ đầu tư kiêm điều hành dự án là UBND quận Liên Chiểu. Đơn vị thi công là liên danh Cty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Kiến Việt Hoa và Công ty TNHH MTV 532. Đơn vị đánh giá tác động môi trường là Cty CP Tư vấn môi trường và biến đổi khí hậu Trung bộ. Về vấn đề vì sao trong hệ thống đê kè biển phường Hòa Hiệp Bắc, 500m đoạn xung yếu nhất, tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 60 hộ dân tại tổ 4 và 5 của phường Hòa Hiệp Bắc lại không được triển khai đồng bộ và nằm ngoài dự án.
Trao đổi với PV, ông Trường Phúc - Trưởng BQL các dự án đầu tư và xây dựng quận Liên Chiểu cho rằng: dự án được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2015, chỉ 1.500m từ cảng nhà máy xi măng Hải Vân đến cầu Trắng. Do đó, việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để làm thiết kế dự án chỉ được làm trong phạm vi dự án. Đoạn 500m còn lại thuộc tổ 4, 5 phường Hòa Hiệp Bắc mặc dù là điểm xung yếu nhưng nằm ngoài phạm vi dự án (từ cầu Trắng đến Nhà máy xi măng Hải Vân) nên chưa được đưa vào thiết kế.
Bài và ảnh: Xuân Lam