Thừa Thiên Huế: Ô nhiễm đe dọa cảng cá Thuận An
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/04/2017
Được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2002, cảng cá Thuận An là nơi tập trung lưu lượng tàu, thuyền lớn đánh bắt gần và xa bờ, không chỉ riêng tỉnh TT-Huế mà còn từ các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quãng Ngãi, Bình Định... Hằng này, lưu lượng người và xe cộ ở đây tấp nập vào cảng cá giao dịch, mua bán. Cùng với đó, lượng rác thải, nước bẩn xả ra cảng gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường ngày càng tiếp tục gia tăng, nếu không có biện pháp chấn chỉnh.
Người dân nơi đây cho biết, hiện nay hệ thống thoát nước của cảng cá đã dừng hoạt động từ lâu nên các dòng chảy từ các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản trong cảng cũng chảy tự phát ra phá. Mùi hôi nồng nặc của nước thải hải sản tích tụ lâu ngày cùng rác thải vứt dày đặt trên phá Tam Giang lan ra, khiến các hộ dân sống gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Như được giải tỏa bức xúc kìm nén bấy lâu nay, ông Hoàng Văn Ngợi, một hộ dân ở tổ dân phố Tân Lập, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự ô nhiễm môi trường từ cảng cá nói: “Mùa hè nhà tôi đóng kín cửa mà vẫn không hết mùi hôi, đêm ngủ có khi phải bịt cả khẩu trang. Sợ nhất là đang bữa ăn có cơn gió nồm thổi vào, người thì bỏ bữa, người cố ăn cho xong”.
Nhiều hàng xóm của ông Ngợi thở dài, họ sinh ra và lớn lên ở vùng biển, sống cũng bằng nghề biển nên không thể nghĩ đến chuyện chuyển nơi khác để sống, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì không thể chịu đựng nỗi. Vì thường xuyên ngửi mùi hôi nên ở tổ dân phố Tân Lập nhiều người mắc các bệnh giống nhau như: đau đầu, viêm đường hô hấp, trẻ em thường bị viêm xoang.
Cùng chung bức xúc ông Đặng Văn Danh một hộ dân sống gần cảng cá cho biết: Gia đình tôi bao đời sinh sống trên sông nước, luôn dựa vào nghề đánh bắt thủy hải sản để mưu sinh. Được nhà nước quan tâm, xây dựng khu tái định cư tập trung dành cho dân vạn đò,vì thế đời sống đỡ vất vả, lênh đênh hơn. Tuy nhiên, khi cảng cá vừa đưa vào hoạt động, chưa có tình trạng ô nhiễm, không khí cuộc sống thông thoáng, nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm khu vực quanh cầu cảng đang ngày một nghiêm trọng. Hằng ngày, khi gặp những cơn gió nồm, mùi hôi thối thổi vào nồng nặc. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, mùi thối bốc lên nặng hơn, không chịu nổi.
“Mặc dù, chúng tôi là dân vạn đò, sống bằng nghề chài lưới bên sông nước cùng với cá, tôm, nên mùi hôi tanh của thủy hải sản cũng quen nhưng mùi thối của nước thải từ cống thải của cảng cá quả thật không thể chịu nổi, khiến nhiều người dân sống quanh đây thường bị những chứng bệnh như đau đầu, viêm đường hô hấp, viêm xoang…về lâu về dài lo sợ con cháu ảnh hưởng nhiều hơn” ông Danh chia sẽ.
Được biết, vấn đề ô nhiễm môi trường tại Cảng cá Thuận An đã được người dân kiến nghị nhiều lần lên chính quyền sở tại. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành địa phươngvẫn chưa có những giải pháp quyết liệt để khắc phục triệt để và dứt điểm tình trạng này.
Ông Ngô Văn Đủ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, chính quyền đã nhận được phản ánh của người dân. “Vừa qua, chúng tôi đã có cho người đi khảo sát và làm việc với phía ban quản lý cảng cá để bàn phương hướng khắc phục. Tuy nhiên, do hệ thống xử lý nước thải tại đây đã bị hư hỏng một thời gian dài, đồng thời nơi đây vẫn chưa có bộ phận thu gom rác thải đã khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đề nghị các ban ngành huyện và tỉnh sớm quan tâm, khắc phục”, ông Đủ trình bày.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Vang, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá Thuận An, trước mắt cần xem lại năng lực hệ thống xử lý nước thải tại cảng cá theo quy định. Đồng thời, ban quản lý cảng cá phải có chế tài nghiêm với các hộ dân không tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường ở cảng cá.
Hơn bao giờ hết, những người dân ở gần cảng cá rất mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường và có những biện pháp đồng bộ, cứng rắn để xử lý triệt để tình trạng trên. Đồng thời, các cơ sở chế biến hải sản và ngư dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình về bảo vệ môi trường.
Bài & ảnh:Đức Linh