Công nghệ vũ trụ: Sẽ có sản phẩm "made in Vietnam"
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/04/2017
Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang được Trung tâm Vũ trụ quốc gia (TTVTQG) thực hiện là một trong những dự án KH&CN lớn nhất từ trước đến nay được Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, tập trung vào 3 thành phần đồng bộ, đó là: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, triển khai và ứng dụng CNVT ở Việt Nam; chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất sử dụng công nghệ cảm biến radar (SAR) có độ phân giải cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ứng dụng trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng công nghệ tiên tiến chuyển giao từ Nhật Bản để có thể tự phát triển vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất tại Việt Nam, từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh.
Vệ tinh quan sát Trái đất “Made in Vietnam” đã được phóng thành công. Ảnh: MH |
Mặc dù là một đơn vị còn non trẻ về tuổi đời, song đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học trẻ của TTVTQG đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để từng bước đạt được mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh. Hiện, TTVTQG đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon, đang và sẽ triển khai các dự án vệ tinh NanoDragon, MicroDragon, LOTUSat theo đúng kế hoạch phát triển vệ tinh đã đặt ra.
Song song với nghiên cứu khoa học vũ trụ, một Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 với các hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho việc tự thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm và vận hành vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất. Bên cạnh đó, TTVTQG còn đồng thời xây dựng các hạng mục bổ trợ khác như Trung tâm Ứng dụng CNVT tại TP. Hồ Chí Minh (năm 2019), Trung tâm Phát triển nhân lực và Chuyển giao CNVT tại Hà Nội (năm 2016), Đài Thiên văn Nha Trang (năm 2016).
Sau thời gian nghiên cứu, ngày 19/10/2013, vệ tinh siêu nhỏ “Made in Vietnam” mang tên PicoDragon có khối lượng 1 kg, được phát triển bởi các nghiên cứu viên và kỹ sư trẻ của TTVTQG, đã được phóng thành công vào quỹ đạo từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Sau đó, trạm mặt đất TTVTQG và các nơi trên thế giới cũng đã ghi nhận thành công tín hiệu liên lạc. Đây có thể coi là cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian. Trên cơ sở thành công của dự án vệ tinh PicoDragon, một dự án phát triển vệ tinh NanoDragon đang được đề xuất triển khai trong vòng 3 năm (2017 - 2019), có khối lượng từ 4 - 6 kg với nhiệm vụ chính là xác định vị trí tàu biển ứng dụng hệ thống tự động nhận diện tàu thủy AIS.
Bên cạnh đó, TTVTQG đã hợp tác với các trường đại học của Nhật Bản triển khai dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon với khối lượng khoảng 50 kg tại Nhật Bản theo hợp phần đào tạo cơ bản của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Tại đây, 36 kỹ sư của TTVTQG được cử đến 5 trường đại học của Nhật Bản tham gia khóa học thạc sỹ CNVT, đồng thời, cùng tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Thông qua dự án mang tính đột phá này, các kỹ sư Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh Micro, tích lũy kinh nghiệm trong quy trình phát triển vệ tinh. Nhiệm vụ chính của vệ tinh MicroDragon là quan sát vùng bờ biển của Việt Nam nhằm xác định chất lượng nước biển, dự báo những vùng nước thích hợp nhất cho việc nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, vệ tinh đang trong giai đoạn thiết kế tích hợp và sẽ được hoàn thành theo kế hoạch vào tháng 9/2017. Dự kiến vào đầu năm 2018, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Epsilon của Nhật Bản.
Cuối cùng, hai vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến SAR (radar khẩu độ tổng hợp) có độ phân giải cao và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, LOTUSat-1&2 có khối lượng khoảng 600 kg, sẽ được phát triển trong khuôn khổ của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Kế hoạch phát triển của LOTUSat-1&2 được chia thành hai giai đoạn, cụ thể: LOTUSat-1 sẽ được sản xuất ở Nhật Bản với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam, LOTUSat-2 sẽ được đội ngũ kỹ sư TTVTQG lắp ráp và thử nghiệm tại Trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh (AIT) tại Hòa Lạc, đánh dấu khả năng tự phát triển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất của Việt Nam. Hiện nay, vệ tinh LOTUSat-1 đang ở giai đoạn lựa chọn nhà thầu và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2017.
Trong tương lai gần, 2 vệ tinh công nghệ cảm biến radar (SAR) thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ đảm bảo quan sát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và vùng biển xung quanh trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao. Các vệ tinh quan sát Trái đất và hạ tầng kỹ thuật mặt đất sẽ góp phần: hỗ trợ giảm thiểu 10% thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu tác động đến Việt Nam, tương đương 0,15% GDP hàng năm của Việt Nam (khoảng 200 triệu USD); hỗ trợ việc tìm kiếm cứu nạn trên biển cũng như đóng góp vào việc phát triển kinh tế biển; tham gia bảo vệ lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường của Việt Nam trên không gian biển và đất liền.
Minh Thư