Cần siết chặt khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng ở Bình Định

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/03/2017

(TN&MT) - Gần đây, việc trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai, bạch đàn) ồ ạt, thiếu quy trình kỹ thuật khai thác hoặc tự ý mở đường ở các khu rừng trồng để dễ...

 

(TN&MT) - Gần đây, việc trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai, bạch đàn) ồ ạt, thiếu quy trình kỹ thuật khai thác hoặc tự ý mở đường ở các khu rừng trồng để dễ dàng trong việc khai thác, vận chuyển gỗ tại các địa phương trong tỉnh Bình Định đã gây tình trạng sạt lở đất, đá, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Đáng tiếc là việc kiểm tra, xử lý hoạt động này chưa được ngành chức năng và cấp chính quyền quan tâm đúng mức.

Tình hình vi phạm các thủ tục về điều kiện khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra khá phổ biến. Trong ảnh: Khai thác, vận chuyển gỗ keo ở xã Canh Thuận (Vân Canh).
Tình hình vi phạm các thủ tục về điều kiện khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra khá phổ biến. Trong ảnh: Khai thác, vận chuyển gỗ keo ở xã Canh Thuận (Vân Canh).

Nhiều vi phạm

Theo Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT Bình Định), quá trình khai thác gỗ rừng trồng của công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng thực hiện bài bản; thì hộ gia đình thường làm tự phát, không có kế hoạch, vi phạm các thủ tục về điều kiện khai thác, vận chuyển gỗ diễn ra khá phổ biến.

Tại huyện Hoài Ân, đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản xử lý 16 trường hợp vận chuyển gỗ keo không rõ nguồn gốc, vi phạm thủ tục hành chính trong khai thác, vận chuyển lâm sản, với số tiền xử phạt 12 triệu đồng. Tuy vậy, số vụ vi phạm bị xử phạt so với thực tế vẫn rất ít.

Một khu vực đất sản xuất bị đất đá trên núi đổ xuống vùi lấp ở nơi giáp ranh giữa xã Tây Thuận (Tây Sơn) và xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh).
Một khu vực đất sản xuất bị đất đá trên núi đổ xuống vùi lấp ở nơi giáp ranh giữa xã Tây Thuận (Tây Sơn) và xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh).

Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, cho biết: Người trồng rừng khi khai thác gỗ thường “quên” lập các thủ tục hồ sơ có liên quan để báo cáo chính quyền cấp xã theo dõi, giám sát. Còn chính quyền địa phương chưa quan tâm đến quy định này. Do vậy, việc khai thác rừng trồng chủ yếu là do sự thỏa thuận giữa chủ rừng và lái buôn gỗ. Khi phát hiện hoặc nghi vấn sai phạm, lực lượng kiểm lâm phải mất thời gian để xác minh quá trình khai thác, nguồn gốc gỗ. Việc này cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Tại huyện Vân Canh, các chủ rừng là hộ gia đình tại các xã thực hiện việc báo cáo với chính quyền địa phương về khai thác rừng trồng là rất ít. Việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm khai thác rừng trồng trên địa bàn cũng chưa có. Hiện tượng khai thác “chui” gỗ rừng trồng đang có chiều hướng gia tăng.

Những đồi núi trơ đá, đường vận chuyển lâm sản giữa triền núi là “tuyến đường” dẫn nước về hạ du gây lũ lụt, xói lở đồi núi. Trong ảnh: Một con đường giữa núi được mở để xe vận chuyển gỗ keo đi qua ở xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh). A4- Phương tiện cơ giới được đưa vào rừng để mở đường. Ảnh chụp tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh).
Những đồi núi trơ đá, đường vận chuyển lâm sản giữa triền núi là “tuyến đường” dẫn nước về hạ du gây lũ lụt, xói lở đồi núi. Trong ảnh: Một con đường giữa núi được mở để xe vận chuyển gỗ keo đi qua ở xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh). A4- Phương tiện cơ giới được đưa vào rừng để mở đường. Ảnh chụp tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh).

Theo ông Lơ O Hòa, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, đầu năm 2017 đến nay, chưa có cá nhân nào lập hồ sơ xin khai thác rừng gửi lên UBND xã. Chính quyền địa phương cũng chưa xử lý trường hợp nào khai thác rừng gỗ trồng không khai báo. “Theo chỉ thị 18 của UBND tỉnh quy định: diện tích cây trồng trước năm 2014 và những diện tích cây trồng đã thành rừng trên diện tích phá rừng, lấn chiếm đất trái phép do Ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng quản lý thì tổ chức quản lý, khoanh nuôi bảo vệ và khai thác theo quy định. Trong khi đa phần đất trồng cây lâm nghiệp ở địa phương chủ yếu được người dân lấn chiếm trái phép, nên người khai thác không đến làm hồ sơ vì sợ xử lý”, ông Lơ O Hòa lý giải.

Các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng để trồng rừng nguyên liệu giấy ở huyện Vân Canh, tất cả khai thác “chui”. Những đối tượng này, chọn khung giờ ngoài giờ hành chính, hoặc trời sẩm tối hoặc sáng sớm để khai thác nhằm qua mặt lực lượng tuần tra, kiểm soát. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, cho biết đã nắm bắt được. Song khó khăn hiện nay, các địa phương chưa xử lý triệt để việc lấn chiếm đất, phá rừng để trồng keo, bạch đàn của người dân. Vì thế, khi phát hiện trường hợp khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng trái phép, lực lượng kiểm lâm gặp nhiều khó khăn để xác định tính hợp pháp về nguồn gốc đất, cây lâm nghiệp gắn liền trên đất để có hướng xử lý. Để hạn chế vi phạm, đơn vị lập các chốt kiểm tra tại khoảnh 3, tiểu khu 351, xã Canh Hiệp; bố trí lực lượng tuần lưu trên các tuyến đường liên xã, liên huyện mà phương tiện vận chuyển gỗ thường xuyên qua lại; phối hợp với UBND xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) và Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn cử lực lượng mật phục để xử lý các đối tượng vi phạm.

Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp ở làng Đắk Tra (Vĩnh Kim) bị đất đá bồi lấp sau đợt lũ cuối năm 2016. Người dân cho rằng, việc khai thác gỗ rừng trồng và mở đường bừa bãi là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này.
Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp ở làng Đắk Tra (Vĩnh Kim) bị đất đá bồi lấp sau đợt lũ cuối năm 2016. Người dân cho rằng, việc khai thác gỗ rừng trồng và mở đường bừa bãi là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này.

“Đường keo” - “đường nước”

Do người khai thác gỗ rừng trồng tự liên hệ với các lái buôn gỗ, không làm hồ sơ thủ tục đăng ký khai thác theo quy định kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là đất đai bị xói mòn, gây mất cân bằng môi trường sinh thái, tạo kẽ hở cho lái buôn ép giá thu mua rừng, gây mất trật tự an ninh.

Những ngày này, về các xã Canh Thuận, Canh Liên, Canh Hiệp (Vân Canh), Ân Tín, Ân Nghĩa, Bok Tới (Hoài Ân), Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), An Nghĩa, An Quang, An Hưng, An Trung (An Lão),… không khó để nhìn thấy nhiều khu đồi keo sau thu hoạch trơ ra những mảng đồi trọc.

Một cán bộ kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: “Cây keo bây giờ không chỉ được trồng ở đồi thấp mà còn “liên thông” lên các núi cao. Đến kỳ thu hoạch, công việc đầu tiên là các chủ hộ, chủ dự án trồng keo thuê xe lên mở đường. Thế là những con đường ngang dọc trên núi hình thành. Mưa xuống, nước trên đỉnh núi chảy theo những con đường này cuốn theo đất đá đổ xuống chân núi. Mực nước đổ về các sông, suối vì thế cũng nhanh, mạnh hơn, gây lũ lớn ở vùng hạ du”.

Nói về những trận lũ lớn liên tiếp xảy ra vào cuối năm 2016, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ân Tín (Hoài Ân), cho rằng: “Mưa to, lũ lớn nhưng thiệt hại cũng hạn chế. Nay, mưa lớn trong một hoặc hai ngày là nước sông lên rất nhanh, chảy rất xiết. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một tác nhân quan trọng là trồng và khai thác gỗ rừng trồng thiếu quy hoạch, trong đó có nạn mở đường vận chuyển lâm sản”.

Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, nhìn nhận: “Hạt cũng thường xuyên yêu cầu các xã thông báo cho những hộ dân, tổ chức khai thác rừng keo không được mở đường tràn lan, chia cắt quả đồi, ảnh hưởng môi trường. Tuy vậy, đó cũng là nhắc nhở chứ chưa có biện pháp xử lý “mạnh tay””.

Cũng theo ông Lộc, cuối năm 2016 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện cùng chính quyền các xã đã lập biên bản xử lý 7 trường hợp đưa phương tiện cơ giới vào mở đường vận chuyển lâm sản trái phép; mức phạt từ 1-1,5 triệu đồng. Nhưng xem ra chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ, nên chưa đủ tính răn đe.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, đánh giá: Việc trồng keo ồ ạt thiếu quy hoạch, thiếu quy trình kỹ thuật khai thác; đặc biệt tình trạng xẻ ngang, xẻ dọc núi để mở đường vận chuyển lâm sản đang có chiều hướng phức tạp, gây xói mòn, sạt lở đất. Điều này rất nguy hại, bởi mưa lớn xảy ra, nước từ đỉnh núi theo các con đường chảy dồn xuống hạ du với lưu lượng lớn khiến mực nước lên nhanh, gây ngập úng; thậm chí, sinh ra lũ ống, lũ quét. Song, cái khó lúc này hiện chưa có văn bản, quy định nào cấm các hộ trồng rừng mở đường để vận chuyển lâm sản trong không phận mà họ có đầy đủ giấy tờ. Trường hợp khai thác “chui” thì việc xử lý gặp không ít khó khăn; phần vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng, hoạt động của đối tượng tinh vi, liều lĩnh.

“Hiện nay, tôi đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm yêu cầu lực lượng, cán bộ bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra nguồn gốc gỗ rừng trồng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cá nhân khai thác; đưa trái phép vào rừng các phương tiện, công cụ cơ giới đào bới, san ủi, mở đường hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc được phép nhưng không thực hiện đúng quy định cho phép thì kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật” - ông Dũng cho biết về hướng xử lý sắp tới.

Theo Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28-6-2016 của Bộ NN&PTNT thì hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng trong rừng sản xuất phải báo cáo bằng văn bản với cấp thẩm quyền biết về địa danh, khối lượng gỗ khai thác để tổng hợp báo cáo, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác nhận nguồn gốc gỗ khi lưu thông tiêu thụ. Song, hầu hết các địa phương không quan tâm đến quy định này, việc khai thác rừng trồng là do sự thỏa thuận giữa chủ rừng và lái buôn gỗ.

 

Hoàng Nguyên