Gian nan xóa lò vôi thủ công
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/03/2017
Nhiều rủi ro về môi trường - lao động
Hiện tại, ở Việt Nam, có tới 1.000 lò vôi sản xuất theo phương pháp thủ công với công nghệ sản xuất gián đoạn hoặc liên hoàn. Các lò kiểu này thường có công suất nhỏ chủ yếu từ 6 - 7 tấn sản phẩm/mẻ hoặc từ 10 - 35 tấn sản phẩm/ngày. Các địa phương có nhiều lò thủ công nhất là thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang với tổng công suất khoảng 2.000.000 tấn/năm.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, các lò vôi thủ công vận hành sẽ tạo ra các loại khí độc và cực độc như: Bụi, bụi siêu mịn… ảnh hưởng trực tiếp đến cả người lao động tại khu vực sản xuất và cộng đồng dân cư vùng lân cận. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Thái Bình tại 2 cơ sở sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn cũng cho thấy, chỉ số bụi đã vượt từ 1,6 - 1,8 lần, chỉ số CO vượt 4,0 - 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Mẫu không khí xung quanh khu vực ở cả vị trí đầu và cuối hướng gió chỉ số bụi vượt 1,97 - 3,17 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ở các địa phương có lò vôi thủ công hoạt đã xảy ra không ít cái chết thương tâm. Cách đây không lâu (1/1/2016), tại khu vực núi đá Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa xảy ra một vụ ngạt khí tại lò nung vôi khiến 8 người chết và 1 người bị thương nặng. Hơn nửa năm sau, vào ngày 3/7, tại khu vực lò vôi của gia đình ông Nguyễn Văn Văn (khu 6 Vạn Chánh, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương 5 công nhân thiệt mạng do sập lò…
Những vụ tai nạn này đều được xác định nguyên nhân chính do các lò vôi không đảm bảo độ an toàn trong công tác xử lý khí thải sinh ra trong quá trình nung vôi. Ngoài ra, do khai thác kiểu tận thu, ảnh hưởng đến kết cấu hầm lò nên dẫn đến sập hầm. Điều đáng nói là những lao động làm việc tại các lò vôi này thường không được đào tạo, trang bị bảo hộ an toàn trong quá trình lao động, không được trang bị kiến thức cũng như các phương pháp ứng cứu kịp thời khi có sự cố. Mặc dù, biết được những nguy hiểm luôn xảy đến bất cứ lúc nào, vì mục tiêu lợi nhuận, các chủ lò vôi vẫn lén lút hoạt động bất chấp sự ngăn cản của các lực lượng chức năng và xem thường tính mạng của người lao động.
Không ít gian nan
Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014. Theo đó, các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công và thủ công cải tiến, chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục.
Thời hạn xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công đã được xác định, các địa phương cũng đang gấp rút triển khai thế nhưng thực tế cho thấy, việc loại bỏ lò vôi thủ công không hề dễ dàng bởi nó liên quan đến đời sống mưu sinh của hàng nghìn người lao động. Trong khi đó, không ít địa phương còn chưa thực sự làm quyết liệt do nể nang và lúng túng vì không lấy đâu ra kinh phí để chuyển đổi việc làm, mưu sinh cho người lao động.
Đơn cử như ở tại Thanh Hóa, qua phản ánh của các chủ lò và người lao động, chúng tôi được biết, mặc dù, mỗi lò nung vôi chỉ có công suất khoảng 10 - 12 tấn, thu nhập hơn 10 triệu đồng và lợi nhuận mang lại cho chủ lò khoảng 2 - 3 triệu/lò, người lao động có thu nhập từ 140.000 - 270.000 đồng/ngày. Tuy vậy, với một bộ phận người dân nơi đây đất sản xuất nông nghiệp ít, tuổi cao, trình độ học vấn thấp, lò vôi chấm dứt hoạt động không biết họ sẽ làm nghề gì để mưu sinh.
Còn tại Hải Phòng, ông Vũ Văn Cảnh - Phó phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Thủy Nguyên cho rằng, để bảo đảm lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công nói trên cũng còn không ít gian nan. Trên thực tế, có những lò vôi thủ công liên hoàn, giá trị đầu tư chỉ từ hai đến năm trăm triệu đồng, có thể sớm thu hồi vốn. Song cũng có lò vôi thủ công gián đoạn, chủ lò đầu tư lên tới 1,8 - 2 tỷ đồng, khi cán bộ quản lý xuống vận động, các chủ lò đều không mặn mà.
Được biết, để thay thế các cơ sở sản xuất vôi thủ công, TP. Hải Phòng đã có định hướng đầu tư, phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chỉ rõ các dự án đầu tư mới phải gắn với nguồn nguyên liệu đá vôi, quy mô, công suất đầu tư phù hợp với trữ lượng khai thác. Thành phố chỉ xem xét, chấp thuận đầu tư các dây chuyền mới có công suất lò lớn hơn hoặc bằng 200 tấn/ngày, tương đương khoảng 60.000 tấn/năm, đồng thời, phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa cao để bảo đảm môi trường. Tuy vậy, hiện, nhiều chủ lò vôi là lao động trung niên, không có trình độ tiếp cận công nghệ, việc chuyển đổi không hề dễ dàng.
Dung Hà