Sông An Cựu đang bị "bức tử" bởi rác thải
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/03/2017
Rác thải nổi ềnh bềnh trên bề mặt sông An Cựu |
Được ví là “lá phổi xanh” của TP. Huế, sông An Cựu có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới tiêu thường xuyên, cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng và hơn nữa, nó còn có tác dụng điều hòa khí hậu. Vì vậy, việc bảo vệ cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp” cho con sông này là hết sức cần thiết. Thế nhưng, những năm gần đây, con sông An Cựu đang bị chính người dân “bức tử”.
Dòng sông An Cựu dài khoảng 30km, bắt đầu lấy nước ở sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận TP Huế, đến huyện Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung.
Theo tài liệu ghi chẹp lại, địa danh “An Cựu” là tên một con sông nhỏ, chi lưu của sông Hương, ở phía Nam kinh thành Huế. Năm 1814, vua Gia Long đã cho đào sông An Cựu để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng trăm hecta cánh đồng lúa ở khu vực TX. Hương Thủy.
Ý thức của người dân chưa cao nên con sông này đang bị “bức tử” từng ngày |
Sông An Cựu có hiện tượng kì lạ là “nắng đục, mưa trong”. Nhiều người lý giải rằng, do sông An Cựu vốn là một chi lưu của dòng Hương. Dòng sông vốn cạn nên khi vào mùa hè thì nó quyện màu vàng đục của những lớp phù sa phía dưới đáy sông. Vào mùa mưa, nước dâng cao, dòng chảy mạnh nên nước sông trở lại trong xanh.
Đẹp và thơ mộng như vậy, thế nhưng bây giờ mùa hè hay mùa mưa, dòng sông chỉ còn là một màu nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc nồng nặc do tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi ngày trên sông An Cựu có hàng trăm loại rác thải được “tấp xuống”. Dòng nước trong xanh thủa nào đã đi vào văn chương giờ đây là một màu đen ố, vẩn đục.
Dưới chân cầu Kho Rèn, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi), bà Lê Quý Ngọc (49 tuổi) thường thả lưới bắt cá. Ông Dũng cho biết: “Cả đời tôi gắn bó với con sông ni, nó ra răng tui biết hết. Trước đây, dòng sông này sạch lắm, cả xóm ra đây tắm rửa, sinh hoạt. Thế nhưng, từ khi TP mở ra phía Nam rồi xây kè xây cống thì nó bắt đầu đen và nhiều rác như ri”.
Nước xả thải trực tiếp chưa qua xử lý của cơ sở sản xuất bún đã khiến dòng sông ngày càng ô nhiễm |
Còn ông Phạm Văn Tăng (41 tuổi) làm nghề đánh bắt cá trên sông An Cựu từ khi còn là cậu bé cho biết, gia đình có 6 người đều bám lấy dòng sông này để sinh sống. Gia đình ông vẫn lấy nước ở đây để sinh hoạt, dù biết là bẩn.
Được biết, vào năm 2000 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư dự án xây dựng bờ kè ở 2 bên bờ sông An Cựu trị giá hơn 22 tỉ đồng nhằm khắc phục tình trạng sạt lở. Thế nhưng, bờ kè vừa xây xong, 2 bên các quán nhậu đua nhau mọc, cùng với đó là lượng rác thải được xả trực tiếp xuống sông. Chưa kể, dòng sông cũng trở thành nơi tập kết rác thải từ những khu chợ An Cựu, Bến Ngự và các hộ dân thiếu ý thức ở ven sông đổ xuống.
Ngoài ra, đập Cầu Ga (đường Bùi Thị Xuân) thường xuyên đóng nhằm ngăn xâm thực mặn, đảm bảo việc cung cấp nước ngọt cho một số vùng canh tác nông nghiệp. Điều này đã làm cho sông An Cựu vốn đã nông nay càng không thông được dòng chảy, dẫn đến tình trạng rác thải bị ứ đọng nghiêm trọng.
Dù hằng ngày, công nhân của Cty Môi trường và Công trình đô thị Huế vẫn tổ chức thu gom dọn rác trên sông, nhưng vẫn như “muối bỏ bể” |
Hiện nay, hàng ngày, công nhân của Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế vẫn tổ chức thu gom dọn rác trên sông. Thế nhưng, công việc này chỉ như “muối bỏ bể” bởi những người dân thiếu ý thức hàng ngày vẫn không ngừng vứt rác xuống sông…
Việc rác thải đang ngày càng “bức tử” sông An Cựu đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền ở địa phương cần có biện pháp tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ dòng sông này, tránh tình trạng ô nhiễm như hiện nay.
Bài & ảnh:Đức Linh