Thanh tra môi trường: Nhiều thành tích... lắm gian nan

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/02/2017

(TN&MT) - Hoạt động thanh, kiểm tra được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, khắc phục các vi phạm, chấn chỉnh yếu kém về quản lý môi trường tại các địa phương. 

70% cơ sở kiểm tra có vi phạm

Báo cáo của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho thấy, trong năm 2016, Cục Kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường, đơn vị được giao nhiệm vụ thanh, kiểm tra đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục ban hành 426 kết luận thanh tra tại 11 tỉnh, thành. Qua đó, Tổng cục Môi trường đã ban hành 138 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 21.933 triệu đồng. Đồng thời, Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra trên địa bàn 13 tỉnh như: Hà Tĩnh, Gia Lai, An Giang, Vĩnh Long… đối với các dự án có xả thải 200 m3 ngày/đêm trở lên. Kết quả kiểm tra bước đầu đối với 910 cơ sở cho thấy, có 637/910 cơ sở (chiếm 70%) có vi phạm trong công tác BVMT. Hiện, Tổng cục Môi trường đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến sẽ ban hành quyết định xử phạt với số tiền trên 132 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Tổng cục Môi trường cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất đối với 11 cơ sở được xem là điểm nóng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường. Điển hình là việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BVMT tại 3 cơ sở thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh; kiểm tra tại 3 cơ sở hoạt động tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình xả thải đầu độc sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt; thanh tra diện rộng đối với Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên… Căn cứ vào các kết quả thanh tra, Tổng cục Môi trường đã trình Bộ TN&MT ban hành các quyết định xử phạt với số tiền gần 10 tỷ đồng và buộc bồi thường hơn 1.4 tỷ đồng và 500 triệu đô la.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty dệt Hopex Hải Dương qua nhiều lần thanh, kiểm tra vẫn ngang nhiên xả thải
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty dệt Hopex Hải Dương qua nhiều lần thanh, kiểm tra vẫn ngang nhiên xả thải

Việc để hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường diễn ra tại nhiều địa phương, theo đại diện Cục Kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường cho biết: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương hiện vẫn còn chung chung khiến chất lượng không cao. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình BVMT sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt chưa hiệu quả. Một số địa phương chưa tính đến nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình xem xét cấp giấy phép đầu tư. Nhiều tỉnh, thành chưa đầu tư thiết bị kết nối trạm quan trắc tự động, liên tục của cơ sở về Sở TN&MT khiến việc theo dõi, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra cũng cho thấy, các vi phạm về bảo vệ môi trường của cơ sở dịch vụ công ích là khá phổ biến, bao gồm: bệnh viện, công ty môi trường đô thị, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Hầu như những cơ sở này không thực hiện các quy định về BVMT, mặc dù, đã được nhắc nhở, yêu cầu nhiều lần. Thêm vào đó, nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm, thậm chí, có trường hợp UBND cấp tỉnh có văn bản xin không xử phạt dẫn tới tình trạng nhờn luật, trông chờ, ỷ lại, không quan tâm đầu tư xử lý môi trường của các cơ sở.

Nhiều "lỗ hổng"

Cục Kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường cho rằng, Thanh tra Bộ TN&MT không tổng hợp nội dung và bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm tra về môi trường dẫn đến việc các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường đã đề xuất đối tượng thanh tra nhưng không đủ kinh phí để thực hiện. Bên cạnh đó, việc lồng ghép kế hoạch thanh tra của Tổng cục và Đoàn thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước do Thanh tra Bộ chủ trì đã phát sinh một số bất cập trong việc phối hợp thực hiện.

Theo ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường, việc điều chỉnh đối tượng thanh tra được thực hiện vào tháng 6 hàng năm, trong khi dự toán kinh phí phải trình trong quý I dẫn đến việc thống nhất dự toán tương ứng với số lượng thanh tra (sau điều chỉnh) không cùng thời điểm. Các Sở TN&MT đề xuất giảm đối tượng thanh tra theo kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt là không phù hợp với quy định của Luật Thanh tra.

Thanh, kiểm tra tại Công ty CP thuộc da Hào Dương, TP Hồ Chí Minh (ảnh Tân Châu)
Thanh, kiểm tra tại Công ty CP thuộc da Hào Dương, TP Hồ Chí Minh (ảnh Tân Châu)

Việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo phê duyệt đánh giá tác động môi trường cũng đang là vấn đề bất cập khiến công tác thanh, kiểm tra gặp không ít khó khăn. Những năm qua, số hồ sơ phải kiểm tra, xác nhận tăng lên cả số lượng và chất lượng. Các quy định hậu kiểm tại Nghị định 18/2015/NĐ – CP và Thông tư 27/2015/TT- BTNMT còn chung chung, chưa cụ thể nên các báo cáo hoàn thành công trình BVMT của các dự án còn sơ sài.

Các nội dung hướng dẫn về hậu kiểm quy định tại các văn bản pháp luật lại xây dựng theo hướng đẩy hết trách nhiệm cho chủ dự án tự thực hiện và cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ biết được dự án đã xây xong sau khi nhận được báo cáo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường của chủ dự án. Thậm chí, đa số dự án đi vào hoạt động trong thời gian dài, chủ dự án mới thông báo tới cơ quan phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Chính điều này đã tạo “kẽ hở” cho các chủ dự án trốn tránh trách nhiệm trong công tác quản lý và xử lý chất thải. Đặc biệt, khi vận hành dự án gặp sự cố, các chủ đầu tư thường “núp bóng” dưới chiêu trò vận hành thử để đùn đẩy trách nhiệm khiến công tác thanh, kiểm tra gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động thanh tra chuyên ngành về môi trường còn bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính và chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời như: Phải thông báo trước, chỉ được thực hiện trong giờ hành chính, việc thanh tra theo chế độ đột xuất còn bị hạn chế… Điều này đã khiến nhiều vụ việc vi phạm bị bỏ lọt gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

 Thái Bình