Tăng sức chống chịu BĐKH ở các đô thị miền núi

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 09/02/2017

(TN&MT) - Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), trong số hơn 800 đô thị của Việt Nam hiện nay, có khoảng 140 - 150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán.
Các đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Ảnh: MH
Các đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Ảnh: MH

Lâu nay, vấn đề BĐKH thể hiện khá rõ nét ở các đô thị vùng đồng bằng ven sông, ven biển. Tuy vậy, hệ thống các đô thị miền núi khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ không kém, dễ thấy nhất là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, hạn hán và sự suy giảm nguồn nước ngầm. Những tai biến thiên nhiên này đang trở thành mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sản xuất của con người, cũng như sự sinh trưởng, phát triển của các loài cây, con mà người dân nuôi trồng, gây sức ép lên sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Khảo sát về khả năng chống chịu BĐKH tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho thấy, do đặc điểm địa hình vùng núi cao nên cơ sở hạ tầng giao thông thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm các thiệt hại về sụt lún, sạt lở đất gây chia cắt đường giao thông, hư hỏng đường sá khi ngập úng kéo dài, ách tắc giao thông và các hệ quả đi kèm. Tiếp đến là thiệt hại các công trình thủy lợi như gãy hỏng cầu, cống, hệ thống kênh mương và các công trình cấp nước sinh hoạt, sạt lở bờ sông, hư hỏng đê kè, tắc nghẽn và bồi lắng tại các cống tiêu thoát nước… Bên cạnh đó là thiệt hại không nhỏ về nhà ở dân sinh và công trình công cộng.

Theo nhóm khảo sát, hiện các công trình hạ tầng cơ sở hỗ trợ phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai của thành phố Lào Cai mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và bão chưa hoàn thiện, độ chính xác và sẵn có của thông tin khí hậu còn hạn chế, sự phối hợp giữa các bên liên quan còn mờ nhạt là những khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH tại đây.

Trong khi đó, đối với đô thị vùng cao nguyên Tây Nguyên như thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông), khó khăn lớn nhất hiện nay là hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Đầu năm 2016, hạn hán kéo dài đã gây thiệt hại hơn 22.000 ha cây cà phê, hạt tiêu, hơn 7.000 hộ với 25.000 cư dân thiếu nước sinh hoạt. Dòng chảy các sông giảm mạnh, nhiều sông nhỏ và suối, thậm chí hồ thủy lợi cũng cạn khô. Là một đô thị mới ở miền núi, xuất phát điểm thấp và tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp chiếm trên 50% GDP nên thị xã Gia Nghĩa có khả năng chống chịu với BĐKH thấp. Công tác phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH tại đây chưa đạt được kết quả như mong đợi, nguyên nhân là do chính quyền địa phương chưa có cơ chế giám sát đánh giá về hiệu quả của các hoạt động chống chịu với BĐKH, đặc biệt là lồng ghép BĐKH vào kế hoạch/quy hoạch phát triển đô thị. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển không theo đúng, quy hoạch, kế hoạch đề ra, triển khai chậm tiến độ, thiếu kinh phí cũng là những trở ngại trong công tác nâng cao năng lực ứng phó BĐKH.

Trong tương lai, các tác động của BĐKH đến cơ sở hạ tầng sẽ không khác nhiều so với hiện nay, nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là khoảng thời gian tác động sẽ dài hơn. Một vấn đề xảy ra với hầu hết các công trình hạ tầng đô thị là việc thiết kế và xây dựng mới chỉ căn cứ vào các sự kiện thiên tai lịch sử. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia khí tượng, những năm tới đây sẽ liên tục ghi nhận những kỉ lục mới về nhiệt độ, lượng mưa, cường độ hay thời gian diễn ra… của các loại hình thiên tai, cùng với đó là mức độ thiệt hại có thể sẽ tăng lên nếu các địa phương không kịp chuẩn bị các giải pháp phòng chống. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các đô thị miền núi là cần phải chủ động tính đến các tình huống cực đoan và nguy cơ tiềm tàng xảy ra, góp phần làm giảm nguy cơ của BĐKH.

Để phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Bộ Xây dựng, các đô thị cần tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị. Chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, khung chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với BĐKH, đồng thời, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh...

Khánh Ly