Nâng cao việc chấp hành pháp luật môi trường tại cụm công nghiệp

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/02/2017

 Các cụm công nghiệp tại Hà Nội hiện có nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong khi đó diện tích dành cho xây dựng các công trình xử lý môi trường,...

 

 Các cụm công nghiệp tại Hà Nội hiện có nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong khi đó diện tích dành cho xây dựng các công trình xử lý môi trường, thu gom xử lý chất thải còn hạn chế nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường

Hà Nội hiện có 107 cụm công nghiệp (CCN) và tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 48 CCN với tổng diện tích trên 2 nghìn ha và có 684 doanh nghiệp đang vận hành sản xuất, kinh doanh. Trong số 48 CCN có 18 CCN đã lấp đầy 100% diện tích, 21 CCN đang xây dựng cơ sở hạ tầng, 9 CCN chưa triển khai xây dựng.

Do chưa có quy hoạch cụ thể về quy mô, tính chất hoạt động của các CCN nên trong các CCN có nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau như: Gia công cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, giết mổ gia súc, gia cầm… Hiện nay 18/18 CCN đi vào hoạt động đã xây dựng, đăng ký hoặc được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, do muốn tận dụng mặt bằng để phát triển sản xuất kinh doanh nên diện tích đất dành cho xây dựng các công trình xử lý môi trường, thu gom xử lý chất thải còn hạn chế.

Theo Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, công tác thu gom, xử lý chất thải công nghiệp tại các CCN còn nhiều bất cập tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, mới chỉ có 8 CCN xây dựng trạm xử lý nước thải; 5 CCN đã xây dựng trạm xử lý nước thải đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, còn lại các CCN khác chưa xây dựng trạm xử lý nước thải.

Qua số liệu thống kê của Công an Thành phố cho thấy, phần lớn các CCN không bố trí điểm tập kết chất thải tập trung nên việc quản lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh thường do các doanh nghiệp tự thu gom và xử lý nên nhiều khi không triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, việc xử lý còn nhiều bất cập; công nghệ xử lý không đồng bộ, một số chủ nguồn thải mặc dù đã nhận thức được tính nguy hại của chất thải nguy hại song do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, sản xuất khó khăn nên đã cắt giảm chi phí về môi trường dẫn đến chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất không được quản lý theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

 Thực tiễn cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 3.250 doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải nguy hại. Số doanh nghiệp đăng ký Sổ chủ nguồn chất thải nguy hại những năm gần đây đã tăng đáng kể nhưng phần lớn số doanh nghiệp đã đăng ký tập trung trong các khu công nghiệp, CCN, các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp lớn của Nhà nước... Số doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh phát sinh chất thải nguy hại nhưng chưa đăng ký và quản lý theo quy định phần lớn nằm trong các CCN vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống.

Tiếp tục nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp

Theo Thiếu tướng Bạch Thành Định, Công an TP. Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch hướng dẫn công an các quận, huyện, thị xã tham mưu cho ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền sâu rộng cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về pháp luật bảo vệ môi trường. Qua đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để các tổ chức, cá nhân tự giác chấp hành.

Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ cũng tiến hành điều tra cơ bản đã xác định được một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, các cá nhân, tổ chức đang hoạt động có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải nguy hại. Đặc biệt là các doanh nghiệp còn thiếu các thủ tục về pháp lý quy định trong Luật Bảo vệ môi trường liên đều được hướng dẫn cụ thể và yêu cầu sớm khắc phục vi phạm. Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý thì kiên quyết phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm tra xử lý.

Trong 6 năm qua, các lực lượng Công an Thành phố đã điều tra, khám phá 35 vụ vi phạm pháp luật về môi trường tại các CCN. Trong đó các lỗi vi phạm chủ yếu là không có cam kết bảo vệ môi trường; không thực hiện đúng các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường; xả nước thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường; không thực hiện đúng các quy định về thu gom, xử lý chất thải nguy hại...

Tuy nhiên, hiện nay, việc tuyên truyền hướng dẫn pháp luật bảo vệ môi trường của cơ quan chuyên ngành còn nhiều hạn chế chưa phát huy được vai trò, chức năng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Ý thức của một số cơ quan doanh nghiệp, ban quản lý cụm công nghiệp, khu công nghiệp còn thấp; công tác phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm, tội phạm về môi trường trong lĩnh vực quản lý còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian tới Công an Thành phố tiếp tục phối hợp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Công an thành phố trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường tại các CCN.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Tổ chức khảo sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật môi trường tại các CCN đã hoạt động, phát hiện những tồn tại, hạn chế, hành vi vi phạm pháp luật môi trường để xử lý, đồng thời có chủ trương, biện pháp nhằm khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường ở các CCN.

Theo Chinhphu.vn