Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ứng phó sự cố tràn dầu
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/01/2017
Ứng phó thụ động
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty SOS môi trường – một trong những đơn vị điển hình trong hoạt động ứng phó với sự cố tràn dầu cho biết: Với tốc độ dòng chảy trung bình 1 mét/giây, nếu không có lực lượng ứng phó đến kịp thời, thì chỉ sau 1 giờ xảy ra sự cố, vệt dầu tràn đã lan xa trên mặt biển tới 3,6km và loang rộng trên biển. Dù lực lượng và trang bị ứng phó hiện đại nhưng nếu sau một vài giờ đồng hồ mới có mặt tại hiện trường thì dầu đã lan loang quá xa và rộng không thể ứng phó khẩn cấp. Dầu tràn theo sóng nước xâm nhập vào khu vực nuôi trồng thủy sản, bãi tắm và các khu vực nhạy cảm khác sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thực tế trong vòng 20 năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ thu gom thành công lượng dầu tràn thoát ra môi trường ở các vùng ven biển, cửa sông của Việt Nam là rất thấp. Mặc dù hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển đã xây dựng xong “Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu” và đã được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt, nhưng phần lớn các địa phương đều chưa đầu tư nguồn lực thích đáng cho kế hoạch này.
Làm sạch đường bờ khắc phục sự cố tràn dầu |
Theo ông Phạm Văn Sơn, trong kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thường chỉ thấy sơ đồ tổ chức, thông báo, báo động, phối hợp các lực lượng… trong khi vấn đề đầu tư trang thiết bị như thế nào, bố trí ở đâu, giao cho lực lượng nào sử dụng và quản lý?… thì hầu như chưa có. Do vậy, khi xảy ra sự cố tràn dầu thật các địa phương thường lúng túng, huy động các nguồn lực một cách thụ động.
Hơn nữa, ngoài một số thành phố như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, các địa phương ven biển khác trên cả nước hầu như chưa quan tâm đến đầu tư nguồn lực về cả con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ sở. Khi xảy ra sự cố tràn dầu, việc huy động nguồn lực cách xa khiến mất nhiều thời gian di chuyển và không phát huy hiệu quả trong ứng phó.
Mặt khác, việc khắc phục hậu quả sự cố dầu tràn vào đường bờ tại các địa phương tại các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam trong những năm vừa qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Chính quyền địa phương chỉ biết huy động lực lượng thu gom dầu vón cục trên cá, mà “bỏ quên” một lượng dầu ở dạng lỏng ngấm xuống đất cát, đặc biệt là dầu bị khuyếch tán chìm trong nước và trôi dạt vào các khu vực nuôi trồng thủy sản nên đã gây thiệt hại to lớn cho người dân, cũng như kinh tế của địa phương.
Chú trọng đào tạo nhân lực
Trước thực tế đó, để nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường nói chung và sự cố tràn dầu nói riêng, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, triển khai những hoạt động thiết thực. Trước hết, phải tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó lấy thực hành và rèn luyện kỹ năng làm trọng yếu.
Thu gom rác thải nhiễm dầu |
Theo Giám đốc Công ty SOS môi trường, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất đã xây dựng thường vượt quá khả năng tự làm của cơ sở. Một số đơn vị cơ sở thuê dịch vụ của đơn vị tư vấn, nhưng chính các đơn vị tư vấn lại chỉ có các chuyên gia môi trường (xử lý nước thải, quan trắc, phân tích mẫu…) mà chưa được đào tạo kiến thức chuyên sâu về ứng phó sự cố tràn dầu dẫn đến các văn bản Kế hoạch của cơ sở thường thiếu tính khả thi. Nguồn nhân lực ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở không chỉ thiếu, mà còn yếu về chuyên môn, mặc dù đã được đào tạo. Thời gian qua, cán bộ quản lý an toàn môi trường của một số doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp…do chưa có kỹ năng và kinh nghiệm kiểm soát cũng như ứng phó sự cố tràn dầu đã đưa ra quyết định sai, làm cho sự cố diễn biến xấu hơn gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế, từ các thành viên Hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu/sự cố hóa chất, các cán bộ nhân viên quản lý an toàn môi trường các khu công nghiệp, nhà máy, dự án... liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh, lưu chứa dầu/hóa chất, đến các thành viên đội ứng phó sự cố tràn dầu/sự cố hóa chất cấp cơ sở ... đều phải được đào tạo, thực hành kỹ năng về lĩnh vực này.
Tuyết Chinh