Hướng tới một Quảng Ninh xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/01/2017

(TN&MT) - Với kỳ vọng của Chính phủ đưa Quảng Ninh phát triển thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời hướng đến xây dựng một Quảng Ninh xanh – sạch – đẹp. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu, PV báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TN&MT – về định hướng tương lai của ngành TN&MT của tỉnh.

PV:Thưa ông, vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Tỉnh Quảng Ninh và Thủ tướng cho rằng, những thành tựu toàn diện của Quảng Ninh trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh là rất đáng tự hào. Trong thành quả chung này, Sở TN&MT (TN&MT) đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ góp phần ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Xin ông cho biết tổng thể về những kết quả này?

Ông Nguyễn Ngọc Thu: Bước vào năm 2016, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV với quan điểm đổi mới về mô hình phát triển kinh tế cùng với đẩy mạnh xây dựng kết cầu hạ tầng, các công trình, dự án trọng điểm, do vậy việc quản lý sử dụng tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của Sở năm 2016.

Thủ tướng phát biểu trong buổi làm việc với Tỉnh Quảng Ninh
Thủ tướng phát biểu trong buổi làm việc với Tỉnh Quảng Ninh

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh 09/12/2015 về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, với chủ đề công tác năm 2016 của tỉnh Quảng Ninh là: “Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công; xây dựng thành phố du lịch Hạ Long”, Sở TN&MT đã bám sát vào từng chỉ đạo, điều hành cụ thể của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ TN&MT giao và đã tập trung triển khai từng nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ theo yêu cầu chỉ đạo các cấp ngành, nâng cao chỉ số PAR index, PAPI, SIPAS, PCI của Sở và của tỉnh Quảng Ninh, tổ chức rà soát TTHC 3 cấp trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố.

Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức đối thoại và tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp với các nội dung liên quan đến lĩnh vực TN&MT, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các đơn vị nghành Than và các doanh nghiệp do vậy trong năm 2016 Quảng Ninh đã thu hút và đàu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 548 triệu USD tăng 26% so với cùng kỳ. Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 22/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 04/CT-UBND tỉnh ngày 19/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, trong đó tập trung thanh kiểm tra các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm pháp luật đất đai; Tập trung tham mưu giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực TN&MT.

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp cùng với các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/01/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than. Triển khai theo tiến độ các dự án đầu tư công nghệ trong quản lý TN&MT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với đoàn làm việc Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với đoàn làm việc Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

PV:Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND, Sở TN&MT Quảng Ninh góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2016 và định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh. Vậy thưa ông, đâu là nét nổi bật nhất của Sở TN&MT Quảng Ninh?

Ông Nguyễn Ngọc Thu: Quảng Ninh là vùng đất có rất nhiều tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, có cơ hội lớn để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, đa dạng, phong phú, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là hội nhập với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử - Di sản văn hóa Việt Nam. Các danh lam thắng cảnh đã được quốc gia công nhận là điều kiện lớn để tỉnh phát triển du lịch và hướng đến phát triển ngành công nghiệp giải trí. Công nghiệp khai thác khoáng sản cũng phát triển mạnh, sản lượng than chiếm trên 90% của cả nước, cùng với đó là các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, cơ khí, nhiệt điện, đóng tàu...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV đã chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kĩ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững chủ quyền biên giới; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử.

Quan điểm của tỉnh trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng là giữ gìn, tôn trọng giá trị cũ để từ đó kế thừa, phát huy những sáng kiến mới để điều chỉnh hướng đến mục tiêu và cách làm mới, xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng giải pháp cơ cấu ngành và địa phương theo hướng “xanh”.

Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đồng chí Nguyễn Đức Long(bên phải), Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của Thủ tướng cho đồng chí Nguyễn Ngọc Thu(bên trái), Giám đốc Sở TN&MT đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2016
Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đồng chí Nguyễn Đức Long(bên phải), Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của Thủ tướng cho đồng chí Nguyễn Ngọc Thu(bên trái), Giám đốc Sở TN&MT đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2016

Để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh,  năm 2016 của Sở chỉ đạo và tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm là: Nâng cao chất lương công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giảm 66% thời gian thẩm định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai vận hành hoạt động của các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, mít tinh, ra quân hưởng ứng các Ngày lễ về môi trường. Tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2011 – 2015 giữa các Tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, Hội người cao tuổi Tỉnh với Sở TN&MT và Xây dựng, triển khai chương trình ký kết cho giai đoạn 2016 – 2020. Phối hợp với Hội giáo dục môi trường, Tỉnh Đoàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế và các đơn vị ngành than tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho các cán bộ, người lao động của đơn vị.

Bên cạnh đó, cũng triển khai 02 Dự án: Lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và dự án Thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui – Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đảm bảo tiến độ; Triển khai công tác chuẩn bị dự án đối với 4 dự án bảo vệ môi trường.

Triển khai 2 Dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường:  Dự án Khảo sát xác nhận khả năng phổ biến công nghệ của Công ty Nhật Bản trong lĩnh vực cải thiện môi trường sử dụng hệ thống Bio – Toilet và New Johka do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.  Triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phục hồi môi trường nước vịnh Hạ Long (do Chính phủ Bỉ tài trợ).

Ban hành Kế hoạch số 6162/KH-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về môi trường; Xây dựng dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

PV:Với tư cách là người đứng đầu ngành TN&MT của một tỉnh mà theo Thủ tướng có nói là “đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này” ông có giải pháp thiết thực gì để cho các Tỉnh – Ngành có thể học tập theo Quảng Ninh?

Ông Nguyễn Ngọc Thu: Đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Ngành TN&MT cũng đối mặt với những thách thức to lớn, nổi lên là: Hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp; suy thoái, suy kiệt các nguồn TN&MT do chậm chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ dựa vào khai thác tài nguyên, đánh đổi môi trường sang mô hình tăng trưởng “xanh”, bền vững. Các tác động mang tính cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, rõ rệt, khó lường, đe dọa đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh lương thực, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng; các rào cản thương mại, kỹ thuật mới đang và sẽ hình thành do chính sách môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, do vậy cần phải có các giải pháp cụ thể là:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong bộ chỉ số PCI; Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với người dân và doanh nghiệp; Triển khai đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi trao đổi với ông GĐ sở TN&MT Nguyễn Ngọc Thu (bên phải) trong chuyến công tác và làm việc tại Quảng Ninh
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi trao đổi với ông GĐ sở TN&MT Nguyễn Ngọc Thu (bên phải) trong chuyến công tác và làm việc tại Quảng Ninh

Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 22/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, trong đó: Đảy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và Cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Rà soát các cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập để đề xuất thay thế, sửa đổi bổ sung;

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/01/2014 của ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép; Bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030.

Tập trung triển khai Kế hoạch số 6162/KH-UBND ngày 30/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Thực hiện Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 13/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 236/2015/NQ-HĐND ngày  12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 -2020.

Rà soát kiểm tra các cơ sở xả thải có lưu lượng thải 200 m3/ngày đêm trở lên; Duy trì và hoàn thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường tự động toàn tỉnh, trong đó đưa bổ sung 05 trạm quan trắc môi trường vào hoạt động và năm 2017 toàn tỉnh sẽ đưa 31 trạm quan trắc môi trường tự động vào hoạt động. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đơn vị hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, các nhà máy xi măng, nhiệt điện, các cơ sở sản xuất ven biển. Hoàn thiện việc Lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng năm 2030. Hoàn thiện xây dựng bộ Quy chuẩn môi trường tỉnh Quảng Ninh, Dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui – Tiên Yên, đảm bảo tiến độ.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất một số dự án trong giai đoạn 2 được hỗ trợ bởi Tổ chức Đối tác về Quản lý Môi trường biển Đông Á (PEMSEA); Triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo quy định; Tăng cường giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh ven biển; Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo..

PV: Trong các giải pháp ông vừa nêu, Bộ TN&MT đóng vai trò như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thu: Là bộ quản lý nhiều lĩnh vực có liên quan mật thiết đến các hoạt sản xuất kinh doanh, do đó sự hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành đặc biệt là xây dựng ban hành các chín sách, pháp luật của Bộ TN&MT có đóng góp quan trọng trong phát trển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước nói chung và của Quảng Ninh nói riêng. Trong năm 2016, căn cứ vào chế độ chính sách của nhà nước có những vấn đề bất cập Bộ TN&MT đã trực tiếp tháo gỡ hoặc tham mưu cho Chính phủ để kịp thời tháo gỡ được những vướng mắc rào cản từ thực tiễn địa phương có liên quan đến đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản...để Quảng Ninh cũng như các địa phương khác trong cả nước thu hút đầu tư, phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.


Riêng đối với Quảng Ninh, tôi mong muốn Bộ chọn là địa bàn điểm để chỉ đạo về tăng trưởng xanh, hỗ trợ Tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục ủng hộ tỉnh Quảng Ninh xây dựng Trung tâm tăng trưởng xanh ASEAN. Hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh xây dựng bổ sung vào Bộ Quy chuẩn Môi trường Việt Nam các quy chuẩn môi trường đối với các vùng đặc thù của tỉnh Quảng Ninh áp dụng Tiêu chuẩn Châu Âu. Hỗ trợ tỉnh triển khai chương trình: “Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ công tác quản lý lãnh thổ, hỗ trợ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.Tôi mong muốn trong năm 2017, Bộ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện theo dõi sát tình hình thực tiễn phát triển năng động của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ với nhiều điểm đột phá để phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV:Mùa xuân 2017 cũng là mùa Xuân có dự báo nhiều thách thức khi Việt Nam đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường. Là người chịu trách nhiệm chính của cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT tại Quảng Ninh, ông có thông điệp gì để ngành hoạt động quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả hơn?

Ông Nguyễn Ngọc Thu: Việt Nam của chúng ta đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn của Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường, trong đó Quảng Ninh là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 10/9/2013 của Tỉnh Ủy Quảng Ninh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn  đến năm 2030, các quy hoạch và đề án khác liên quan đến ngành TN&MT cho phù hợp với tiến trình phát triển KTXH của tỉnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ trao đổi bên lề hội nghị
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng Bộ TN&MT Lào trao đổi với Lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh nhân dịp Bộ trưởng Lào Sommad Pholsena đến công tác tại tỉnh Quảng Ninh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về BVMT như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền. Xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực về môi trường; Đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng nếp sống văn hoá ở nông thôn; phát động và duy trì thường xuyên phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể , các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng đối với bảo vệ môi trường.

Thứ tư, Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường như: Đa dạng hóa việc ứng dụng các loại hình công nghệ sử dụng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của địa phương. Tổng kết, phổ biến nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả đã được ứng dụng thí điểm. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm các mô hình công nghệ sử dụng môi trường và mô hình bảo vệ môi trường.

Thứ năm, tăng cường đầu tư và đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường với các phương án: Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh, kinh phí sự nghiệp môi trường ngành than.  Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phát triển, nhân rộng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; huy động nguồn lực của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Bài và ảnh: Khương Trung