Bình Thuận: Hải cẩu lên bờ đùa giỡn bị đánh chết

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/01/2017

  (TN&MT) - Mới đây, người dân địa phương đã phát hiện một con hải cẩu chết tại bãi biển Đồi Dương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (Bình Thuận),...

 

(TN&MT) - Mới đây, người dân địa phương đã phát hiện một con hải cẩu chết tại bãi biển Đồi Dương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), nguyên nhân chết do bị đánh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lộc Quân, trú tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong ( Bình Thuận ) cho biết: Gần đây, con hải cẩu này thường lên bờ biển đùa giỡn với người dân, gần đây nhất là vào chiều ngày 1/1/2017 ông đi tắm biển ở bãi biển Đồi Dương (thị trấn Phan Rí Cửa) và chơi đùa với chú hải cẩu này.

Đến khoảng 18 giờ khi ông về vẫn còn nhìn thấy hải cẩu trên bờ biển. Nhưng đến khoảng 21 giờ cùng ngày ông bất ngờ nghe tin hải cẩu đã bị đánh chết. Ngay sau đó ông Quân chạy ra bờ biển thì nhìn thấy chú hải cẩu đã chết nằm trên bờ biển, trên đầu có vết thương, mắt bị lồi ra ngoài, máu từ miệng chảy ra rất nhiều. Là người thường xuyên đùa vui với chú hải cẩu này nên khi nhìn hải cẩu bị chết như vậy ông đã rất đau lòng và thông tin cho một số người thân đưa chú hải cẩu tội nghiệp vào sâu trong bờ biển gần nhà hàng Việt Hương và đào lỗ để chôn.

Con hải cẩu bị đánh chết
Con hải cẩu bị đánh chết

Cũng theo một số người dân, có thể do hải cẩu thường xuyên phá, cắn rách lưới và ăn cá của ngư dân thả lưới ven bờ nên một vài ngư dân thiếu ý thức đã đánh chết hải cẩu.

Chú hải cẩu này xuất hiện tại khu vực bãi biển Đồi Dương thuộc thị trấn Phan Rí Cửa từ đầu tháng 12/2016. Hải cẩu dài hơn 1m, nặng khoảng 50kg, trên lưng bám đầy rong biển, thường lên bờ vào buổi trưa khi có nắng và nằm phơi mình trên cát. Khi có người xuất hiện thì chú hải cẩu thường làm trò, đặc biệt khi người dân vỗ tay khuyến khích thì hải cẩu tỏ vẻ thích thú và bò đến gần người xem hơn. Từ khi hải cẩu xuất hiện, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân không xâm hại đến hải cẩu.

Tuy nhiên, có vài trường hợp người dân do thiếu ý thức đã đùa giỡn mạnh bạo, có người còn dùng cát ném vào mặt hải cẩu khiến hải cẩu hoảng sợ bỏ chạy ra biển. Trước đó, cách đây khoảng 5 tháng tại xã Chí Công, cách thị trấn Phan Rí Cửa khoảng 10km, cũng đã xuất hiện 2 chú hải cẩu tại rạn đá ven biển có kích thước nhỏ hơn chú hải cẩu này rất nhiều. Tuy nhiên gần đây cũng xuất hiện tin đồn 1 con đã bị người khác bắt đem bán.

Được biết trước đây hải cẩu cũng đã từng xuất hiện ở các tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Hầu hết những con hải cẩu này đều còn nhỏ thuộc loại hải cẩu đốm (tên khoa học là Phoca largha) sống ở vùng biển xứ lạnh nhiều khả năng bị lạc đàn, rồi trôi dạt xuống vùng biển nhiệt đới ở miền Trung Việt Nam.

Người dân đào lỗ chôn con hải cẩu bị chết
Người dân đào lỗ chôn con hải cẩu bị chết

Thiết nghĩ, việc bảo vệ động là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung đang được thế giới và Việt Nam ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về vấn đề này. Có thể thấy rằng, động vật không chỉ đơn giản là những loài sinh vật sinh sống trong tự nhiên mà đó còn là hệ sinh thái sống của toàn nhân loài. Do vậy, chúng ta có cần phải bảo vệ những loài động vật trước những hiểm họa đe dọa sự tồn tại của chúng. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng hơn để nâng cao ý thức mọi người nhằm hạn chế dần sự mua bán động vật trái phép qua đó bảo vệ chúng, hãy tạo một môi trường bình đẳng để những loài động vật có thể được hòa nhập tốt nhất.

                                                                                         Lê Huân – Linh Nga