Đà Nẵng: Tăng trưởng không tác động đến môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/12/2016

(TN&MT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1/1/1997 – 1/1/2017), chiều nay (30/12), UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Đà Nẵng – 20 năm xây dựng, phát triển và định hướng tương lai” với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tâm huyết với sự phát triển của thành phố.
Hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm xây dựng, phát triển và định hướng tương lai”
Hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm xây dựng, phát triển và định hướng tương lai”

Hội thảo là diễn đàn, chia sẻ một cách khoa học về những thành tựu đã đạt được, cũng như những tồn tại hạn chế trong quá trình phát triển TP. Đà Nẵng 20 năm qua. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp đột phá thúc đẩy Đà Nẵng phát triển trong thời gian đến, góp phần mục tiêu xây dựng TP. Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, động lực của khu vực miền Trung. Hơn 20 tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung vào các thành tựu nổi bật của TP. Đà Nẵng thời gian qua như phát triển kinh tế; quy hoạch và phát triển đô thị; bảo vệ môi trường và ứng phó Biến đổi khí hậu (BĐKH)… cùng những định hướng thời gian tới…

20 năm xây dựng và phát triển

20 năm qua, kể từ ngày TP. Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, với sự phấn đấu liên tục, năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng, một thành phố trẻ của dải đất miền Trung đầy thiên tai khắc nghiệt đã trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trên lĩnh vực kinh tế, giai đoạn 1997 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng liên tục với tốc độ tăng bình quân 10,47% năm, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu ngành kinh tế của TP đã có sự chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh các ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản. Du lịch phát triển nhanh từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, giai đoạn 2011- 2016, tổng lượng khách đến thành phố đạt 21,9 triệu lượt, tăng 20,1%/ năm. Thu nhập từ du lịch tăng 30,6%/năm. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ cao đạt hiệu quả, định hình được một số ngành có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, làm động lực phát triển kinh tế thành phố.

TP đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng từ chỗ diện tích vùng nội ô chật hẹp đã mở rộng lên đến 21.300 ha, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997.

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước kiên trì định hướng và lồng ghép công tác bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH trong các hoạt động kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển đô thị. Điều này thể hiện trong các quyết sách của TP như: Chiến lược bảo vệ môi trường; Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ; Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; Đề án xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường…

Đồng chí Võ Công Trí- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, sự phát triển của Đà Nẵng hôm nay khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Việc tái lập Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính thuộc Trung ương đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Những thành tựu đó là sự kết tinh của trí tuệ, công sức tâm huyết, sự trăn trở, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ và nhân viên thành phố với mục tiêu chung vì tương lai tươi sáng, vì ấm no cuộc sống nhân dân”.

Đến năm 2037, Đà Nẵng phấn đấu là nền kinh tế phát triển bền vững
Đến năm 2037, Đà Nẵng phấn đấu là nền kinh tế phát triển bền vững

Định hướng tăng trưởng xanh và bền vững

Định hướng đến năm 2037, nền kinh tế Đà Nẵng phải là nền kinh tế phát triển bền vững, đảm bảo các nội dung tăng trưởng không tác động xấu đến môi trường mà con góp phần cải thiện môi trường. Cơ cấu ngành kinh tế không chỉ phù hợp với lợi thế của thành phố mà còn ít ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, chất thải của các cơ sở sản xuất phải được xử lý triệt để. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ đạo trong các ngành dịch vụ. Tập trung phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin với hàm lượng tri thức cao. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tạo giá trị gia tăng lớn vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho người dân Đà Nẵng, khách du lịch trong và ngoài nước.

Để đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững, TP tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng Thành phố môi trường đã theo đuổi từ năm 2008, trong đó chất lượng và số lượng về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất được đảm bảo; nước thải trong sinh hoạt và sản xuất được thu gom hoàn toàn; xử lý nước thải công nghiệp đạt 100%; mức sử dụng năng lượng tái tạo dẫn đầu Việt Nam với tỷ lệ đạt trên 10%; ứng phó thông minh với BĐKH một cách an bình – năng động – hiện đại – thông minh.

Ông Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình UN – Habitat Việt Nam đề xuất: “Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự đô thị mới, có thể nói hướng đi của Đà Nẵng đang bắt kịp với xu thế chung. Các chiến lược và sáng kiến tăng trưởng xanh sẽ góp phần thay đổi thương hiệu Đà Nẵng như một thành phố đi đầu ở Việt Nam về lồng ghép tăng trưởng xanh vào định hướng phát triển chung để tăng cường khả năng cạnh tranh về kinh tế xã hội cũng như cung cấp một cuộc sống chất lượng cao. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía chính quyền thành phố, đặc biệt cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cộng đồng, các đối tác phát triển, tham gia vào lĩnh vực tăng trưởng xanh để giúp Đà Nẵng ngày càng tăng trưởng xanh và bền vững”.

Bài & ảnh:Lan Anh – Quỳnh Anh