Đà Nẵng: Quy hoạch hợp lý để ứng phó lũ lụt

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/12/2016

(TN&MT) - Do vị trí địa lý, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai và thời tiết khắc nghiệt. Trung bình hàng năm có 1 - 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào TP và 2 -3 đợt lũ ở mức báo động 3 hoặc cao hơn. Tần suất và cường độ lũ ở Đà Nẵng đang gia tăng. Nguyên nhân được xác định là do BĐKH làm cho tần suất và lượng mưa tăng. Ngoài ra, việc quy hoạch đô thị, giao thông và các cơ sở hạ tầng khác làm cản trở hoặc lệch đường thoát nước ra những khu vực trước đây không có nguy cơ ngập lụt.
Lũ gây ngập các cánh đồng ở Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng)
Lũ gây ngập các cánh đồng ở Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng)

Thiên tai và BĐKH ngày càng nguy hiểm

Lũ lụt thường xảy ra ở sông Cu Đê, Túy Loan do mưa lớn tập trung và cơn mưa kéo dài. Ngoài ra, do sự thay đổi lượng mưa và sự phát triển ở khu vực thượng nguồn trong 10 năm qua khiến lũ lụt xảy ra đột ngột và không thể đoán trước với tần suất cao hơn, cường độ cực đoan hơn.

Dưới tác động của việc tăng nhiệt độ và sự thay đổi của lượng mưa, hạn hán ở Đà Nẵng đã trở nên kéo dài với cường độ nặng hơn. Đợt hạn hán năm 2002 được xem là tồi tệ nhất trong 20 năm, kéo dài từ tháng 5 đến giữa tháng 8 dẫn đến sự xâm nhập của nước mặn lên các con sông như Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện và Cu Đê, làm khô cạn hàng chục hồ xung quanh thành phố. Những năm gần đây, trong suốt 9 tháng mùa khô, đã có 7 tháng mà xâm nhập mặn vào các khu vực như đập An Trạch (Hòa Tiến – Hòa Vang) và Nhà máy nước Cầu Đỏ với độ mặn trên 10%.

Trong số ba yếu tố khí hậu liên quan đến BĐKH (thay đổi lượng mưa, mực nước biển dâng, tăng nhiệt độ) tại TP. Đà Nẵng, thì thay đổi lượng mưa là yếu tố có tác động lớn nhất. Theo dự báo, BĐKH sẽ tác động và gây gia tăng mức độ ngập lụt ở Đà Nẵng. Rủi ro về lũ lụt trong những năm tới cần xem xét tới các mối đe dọa từ nước dâng do bão xảy ra cùng thời điểm với mưa lớn và các thách thức từ việc quản lý các hồ chứa ở thượng lưu.

Trước đây, phần lớn diện tích ngập lụt tập trung ở khu vực phía Bắc trung tâm thành phố theo dọc sông Cu Đê và vùng phía nam giữa sông Cẩm Lệ và sông Qúa Giáng. Theo tính toán của các chuyên gia ARUP (2012), khả năng thoát lũ của hạ du hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn thấp hơn 20 lần so với khả năng cần thiết để giảm thiểu các tác động của các đợt lũ có thể xảy ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn trong tình trạng san lấp ở khu vực thấp trũng.

Hầu hết thủy điện trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn đều không có dung tích phòng lũ hoặc có nhưng không đáng kể
Hầu hết thủy điện trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn đều không có dung tích phòng lũ hoặc có nhưng không đáng kể

Tại khu vực phường Hòa Xuân, xã Hòa Tiến, xã Hòa Châu, người dân cho biết, hướng lũ không thay đổi, hướng chính từ phía Tây sang Đông, nước chảy tràn từ huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) xuống do điạ hình giảm dần và nước từ sông dâng lên nhưng ngập lụt cục bộ sâu hơn và thời gian kéo dài hơn.

Quy hoạch chưa hợp lý

Theo quy hoạch TP. Đà Nẵng, cốt nền xây dựng tối thiểu bằng tần suất lũ 1 – 5% (lũ 20 – 100 năm một lần) tùy theo vị trí dựa trên số liệu mức ngập lụt quá khứ. Cốt nền xây dựng ở khu đô thị mới phía Nam thành phố tương ứng với tần suất lũ 5% (20 năm xuất hiện 1 lần). Do đó, cốt nền ở các khu dân cư mới đã được nâng lên so với cốt nền hiện tại tùy từng địa điểm.

Việc xây cốt nền xây dựng được xem là nguyên nhân gia tăng mức độ thiệt hại khi lũ lụt xảy ra. Tăng cốt nền tức là càn đường nước thoát, lấy đi khu vực trữ lũ để nước có thể tràn ra rộng và và chảy chậm lại, khiến nước sông chảy xiết hơn khi chảy về trung tâm thành phố. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường – Đại học Đà Nẵng thực hiện, BĐKH sẽ làm tăng mực nước ở trạm Cẩm Lệ lên 0,105m vào năm 2030, như vậy là nhỏ hơn rất nhiều so với tác động của phát triển đô thị. Cụ thể, khi khu vực Hòa Xuân và các khu vực khác được để nguyên trạng, mực nước ở trạm Cẩm Lệ là 3,98m. Khi các khu vực này được san lấp, mực nước ở khu vực Cẩm Lệ là 4,6m. Đây là một vấn đề lớn cần xét tới trong quá trình xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị.

Ngoài ra, việc nâng cấp các tuyến giao thông cũ, san nền và xây dựng mới một số công trình ở những vùng trũng thấp và đặc biệt ngay trên hướng thoát lũ của dòng chảy đã làm gia tăng thêm mức ngập cục bộ trong khu vực. Đồng thời, việc phối hợp quản lý liên vùng còn hạn chế, vận hành các hồ thủy điện ở thượng nguồn gây trầm trọng thêm mức ngập lụt cho khu vực hạ du. Về nguyên tắc, các hồ chứa thủy điện trong mùa lũ có nhiệm vụ cắt lũ, làm chậm lũ cho hạ du do các hồ này khi thiết kế đã dành một phần dung tích để chứa lũ. Tuy nhiên hầu hết thủy điện trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn đều không có dung tích phòng lũ hoặc có nhưng không đáng kể.

Cần hỗ trợ các mẫu nhà ở thích nghi với ngập lụt cho người dân vùng lũ lụt
Cần hỗ trợ các mẫu nhà ở thích nghi với ngập lụt cho người dân vùng lũ lụt

Giải pháp ứng phó rủi ro ngập lụt

Với những nguyên nhân và cảnh báo về thiên tai bão lũ như trên, để giảm bớt rủi ro, Đà Nẵng cần ưu tiên triển khai sớm các giải pháp mở rộng hành lang thoát lũ, các vùng đệm, duy trì các vùng trũng thấp để tham gia chứa lũ tự nhiên, hạn chế các giải pháp công trình cưỡng bức dòng chảy trên sông. Thành phố hạn chế việc phát triển đô thị ở những vị trí trũng thấp để hạn chế việc nâng cao độ nền các công trình góp phần giảm tải dòng chảy trên sông. Việc lựa chọn cao độ nền dựa trên cơ sở điều tra các trận lũ quá khứ là chưa an toàn, cần có thêm các phương án mới, phù hợp hơn.

Trước tình hình BĐKH và mực nước biển dâng diễn biến phúc tạp, lượng mưa tăng mực nước lũ sẽ tiếp tục gia tăng, những khu vực thường xuyên ngập lụt cần có những giải pháp thích ứng để góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Ngoài ra, để thúc đẩy, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong công tác giảm rủi ro ngập lụt nên xây dựng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các công trình sử dụng đất theo hướng giảm rủi ro ngập lụt; xác định các khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên chịu tác động do ngập lụt, từ đó xác định khu vực tái định cư; bổ sung, điều chỉnh chiến lược về nhà ở xã hội có tính đến nhu cầu tái định cư do bị tác động ngập lụt; xây dựng và cung cấp mẫu nhà ở thích nghi với ngập lụt; hỗ trợ việc thành lập các nhóm hành động, hỗ trợ phòng chống rủi ro và cứu trợ khi có ngập lụt trong cộng đồng.

 Bài & ảnh:Yến Nhi– Anh Dũng