Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ môi trường tại các KCN còn nhiều bất cập
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/12/2016
(TN&MT) – Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có số lượng các khu công nghiệp (KCN) nhiều nhất cả nước. Bên cạnh những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, các KCN đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do hạ tầng kỹ thuật ở một số KCN thiếu đồng bộ và công tác quản lý còn hạn chế...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong năm 2016, hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, tích cực. Cụ thể, đã có 9/10 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào vận hành ổn định ( đạt khoảng 95,3%). Riêng KCN Cái Mép đang xây dựng hệ thống nước thải tập trung với công suất 4.000 m³/ngày đêm (hiện trong KCN Cái Mép cơ bản đã có hệ thống xử lý nước thải riêng). Có 05 KCN đã lắp đạt hệ thống quan trắc tự động nước thải; Hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đã hoàn thiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của KCN. Việc quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thương và chất thải nguy hại dần đi vào nền nếp, đúng các quy định hiện hành...
Tuy nhiên, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, qua kết quả giám sát của HĐND cho thấy: hiện nay, toàn tỉnh có 10 KCN đi vào hoạt động, các KCN phát triển sản xuất mang tính đa ngành, đa lĩnh vực và có tính phức tạp về môi trường. Do vậy, trong quá trình hoạt động các KCN cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; tình trạng vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường ở các KCN vẫn còn thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sự phát triển bền vững, sức khỏe của người.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tập trung tại một KCN |
Cụ thể, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN thực hiện còn chậm, chưa hoàn thành tiến độ đề ra do năng lực tài chính của một số chủ đầu tư hạn chế. Tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp. Một số KCN chưa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhiều KCN mặc dù quy hoạch có vành đai an toàn đối với khu dân cư, trong thực tế hiện nay nhiều KCN không có vùng đệm, hoặc có nhưng bị người dân lấn chiếm, hoặc cấp phép đầu tư chồng vào vùng đệm đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phản ánh, khiếu kiện của dân (do quy chuẩn môi trường trong KCN khác với quy chuẩn trong khu dân cư).
Bên cạnh đó, do các nhà máy trong KCN, hoạt động sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực nên nước thải có thành phần đa dạng, trộn lẫn, tạo nên các hợp chất mới rất nguy hại đến môi trường. Hơn nữa, công nghệ xử lý nước thải của các nhà máy xử lý nước thải tập trung, cũng như các hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp được miễn trừ đấu nối, công nghệ xử lý không đồng nhất, đầu ra nước thải cũng không cùng tiêu chuẩn (nơi xử lý đạt loại A, nơi xử lý đạt loại B). Tuy nhiên, tất cả đều thải trực tiếp ra sông Thị Vải, thông qua các hệ thống suối tự nhiên quanh KCN. Vì vậy, lượng nước thải này khuếch tán ra môi trường xung quanh, trước khi ra sông. Điều này dẫn đến nguy cơ sông Thị Vải càng lúc, càng ô nhiễm nặng. Trong khi đó, việc quan trắc thường xuyên, đầu ra các nguồn thải không được thực hiện chủ động, chỉ giám sát thông qua báo cáo của các nhà máy xử lý nước thải.
Khu lưu giữ chất thải nguy hại tại một KCN |
Ngoài ra, theo báo cáo và khảo sát tại một số nhà máy, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc thu gom, quản lý chất thải; đã đầu tư trang thiết bị thu gom, thực hiện dán nhãn ghi chú, bố trí đầu tư khu vực lưu chứa chất thải riêng biệt, được Sở TN&MT cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. Tuy nhiên, qua báo cáo việc phân loại chất thải tại nguồn thì một số doanh nghiệp chưa chú trọng; một số Công ty khoán việc phân loại chất thải cho đơn vị đã ký hợp đồng. Việc thực hiện mã hóa chất thải nguy hại, dán biển ký hiệu đặc trưng, xây dựng phương án phòng ngừa rò rỉ, sự cố trong quá trình lưu chứa, tạm giữ chất thải còn thực hiện chưa đúng và sơ sài.
Đặc biệt, tại các nhà máy thép, việc lưu giữ chất thải là bụi lò, đất phế, nguyên liệu là chất thải, chưa đảm bảo quy định. Công tác giám sát việc chuyển giao bụi lò ra ngoài tỉnh chưa được chặt chẽ, các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh và của Bộ TNMT tuy có kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng chưa thật kiên quyết. Vì vậy, các biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy này chưa được thực hiện đúng quy định.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Đình Khoa, nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN còn diễn bức phức tạp là do công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập và yếu kém, do hệ thống văn bản pháp luật chưa đầy đủ, việc phân cấp trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan trong bảo vệ môi trường KCN còn chồng chéo. Đồng thời, chế tài xử lý vi phạm về môi trường còn chưa đủ mạnh, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường rất khó khăn, chủ yếu là xử phạt hành chính.
Linh Nga