Miền Trung: Chủ động thích ứng với thiên tai khốc liệt
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/12/2016
Ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng nên đã giảm đáng kể thiệt hại |
Thiên tai khốc liệt
“Ông tha mà bà chẳng tha
Hành cho cái lụt hăm ba tháng mười (Âm lịch)”
Ngàn đời nay, theo kinh nghiệm của người Trung bộ, sau ngày 23/10 âm lịch hằng năm không còn lũ. Năm nay, giờ đã qua nửa tháng 11 của năm âm lịch, miền Trung vẫn phải hứng chịu nhiều đợt mưa lũ liên tiếp, thiệt hại về tài sản ước tính hàng ngàn tỉ đồng, nhân dân kiệt sức. Chỉ riêng tại tỉnh Bình Định, 4 trận lũ liên tiếp làm 16 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương, tổng thiệt hại vật chất gần 800 tỷ đồng. Với người dân Bình Định, sống chung với lũ nhiều, thế nhưng, chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh mưa lũ trái mùa như thế. Anh Lê Đức Lâm (29 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) cho biết: “Chưa bao giờ người dân phải chịu cảnh chống chọi 4 cơn lũ liên tiếp mà nước ngập tương tự nhau như vậy. Người trồng mai năm nay thất bại nặng nề. Riêng gia đình tôi hơn 6.000 gốc mai lớn nhỏ, nhưng bị thiệt hại cả ngàn cây”.
Với người dân Quảng Ngãi, 3 năm rồi mới có lũ lớn như vậy. Cơn lũ đầu nước chưa kịp rút trời lại mưa và lũ lại tiếp nối nhau, lũ lại chồng lên lũ. Các hồ chứa nước ở phía Nam của tỉnh như Diên Trường, Liệt Sơn rồi đến Núi Ngang đầy nước phải mở cống điều tiết xả lũ. Rồi tiếp theo thủy điện Đăk drinh, hồ chứa nước Nước Trong cũng đầy phải xả nước về hạ du. Lũ chồng lên lũ nên thiệt hại ngày càng lớn hơn. Những hôm mưa lớn, nước sông Vệ (huyện Tư Nghĩa) lên cao, người dân lại phải trắng đêm, dầm mình trong nước lũ hàng giờ liền để cứu hoa trồng bán Tết. 100.000 chậu hoa cúc bị thiệt hại, đó là con số mà chính quyền huyện Tư Nghĩa thống kê trong đợt lũ đầu tiên (từ ngày 30/11 đến 4/12). Hết lũ, người dân đưa hoa về lại nơi cũ, tiếp tục chăm sóc để vớt vát chút ít cho vụ tết. Tưởng rằng đợt lũ muộn đã kết thúc, có ai ngờ, chỉ sau mấy ngày, mưa lại tiếp tục trút xuống, nước lũ lên, những chậu hoa kịp “chạy lũ” đợt trước nay lại không thoát khỏi được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Theo ghi nhận của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu từ Quảng Nam đến Bình Định đã có những trận mưa lớn điển hình với cường suất lớn. Hình thái mưa lớn có tính chất dị thường này còn tiếp diễn khiến mưa ở các tỉnh miền Trung trong tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 diễn biến rất phức tạp, lượng mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. BĐKH đã làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan, cường độ lũ lụt ngày càng tăng.
Lực lượng xung kích đến từng nhà di dời người dân đến nơi an toàn |
Chủ động ứng phó dựa vào cộng đồng
Chủ động ứng phó với mưa lũ bất thường dựa vào cộng đồng là kinh nghiệm quý giá của người dân miền Trung trong thời điểm này. Thực tế cho thấy, trong các đợt mưa lũ vừa qua nhờ sự chủ động của người dân trong việc ứng phó đã hạn chế được phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra. Dự án quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ được triển khai tại 10 tỉnh, thành khu vực miền Trung đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Ngoài việc giúp người dân xây dựng nhà phòng tránh lũ bão bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, dự án cũng xây dựng những nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã và các nhóm cộng đồng. Đây là lực lượng chủ lực cung cấp thông tin cho người dân để cộng đồng hiểu rõ giải pháp cần ứng phó thiên tai.
Tỉnh Bình Định hiện có 10 xã được triển khai Dự án phòng tránh thiên tai dựa vào cộng đồng. Dự án này đã giúp người dân nhận diện rõ hơn tình hình thiên tai hiện nay để từ đó, cùng nhau chủ động ứng phó. Ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng, lực lượng tại chỗ đã giúp chính quyền địa phương và hàng trăm hộ dân xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn hay phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn chủ động hơn khi xảy ra lũ lớn. Tại mỗi thôn, mỗi phường đều có một đội xung kích. Họ là những người hiểu rõ nhất người dân trong thôn mình cần gì khi có lũ xảy ra. Trước khi có mưa to, và nhận được các bản tin thời tiết, thành viên đội xung kích đã thông báo đến người dân các thôn về tình mưa lũ. Vì thế, vào thời điểm xảy ra lũ, những hộ dân ở trong xã đều dự trữ lương thực. Hộ nào cũng có mì, bánh hoặc cá khô trong nhà đủ ăn ít nhất trong 2 ngày. Đêm thứ 2 từ khi lũ về, nước ở khu vực này vẫn còn ngập và chia cắt, thế nhưng tài sản của người dân vẫn được đảm bảo an toàn. Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Đợt mưa lũ này, người dân an tâm hơn vì được dự án trang bị kiến thức chủ động phòng tránh. Xã cùng Ban Nhân dân các thôn đã xây dựng bản đồ ngập lụt, vùng nhạy cảm dễ bị tổn thương để chủ động đề ra kế hoạch ứng phó, cứu hộ, di dời, ứng cứu kịp thời khi thiên tai xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Trong đợt mưa lũ tại Quảng Ngãi vừa qua, khi người dân còn say giấc, nước cuồn cuộn đổ về giữa đêm. Bất ngờ, nhưng người dân nơi đây vẫn rất bình tĩnh và thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả. Ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng, người dân chủ động kê gác tài sản, đồng thời sơ tán, di dời đến nơi an toàn theo sự hướng dẫn của lực lượng xung kích và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Vì vậy, dù nước lũ đột ngột dâng trong đêm, nhưng không xảy ra thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản cũng giảm đáng kể.
Ông Huỳnh Quang Quyền - Đội phó Đội PCTT&TKCN xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ cho biết: “Mỗi khi có mưa lũ, anh em trong đội túc trực 24/24 giờ để hỗ trợ người dân vùng ngập lụt trong việc sơ tán, di dời, cũng như cung ứng lương thực, thực phẩm. Nhờ sự chủ động của người dân trong việc phối hợp nhịp nhàng với lực lượng xung kích đã giảm phần nào thiệt hại”.
Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, từ chỗ lo sợ bản năng và phải chống lại thiên tai, bây giờ người dân miền Trung đang tìm cách thích ứng, sống chung với nó bởi không có sự lựa chọn nào khác.
Lan Anh