Giải pháp BVMT các khu, điểm tái định cư Thủy điện Sơn La

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/12/2016

(TN&MT) – Sở TN&MT Sơn La vừa công bố hoàn thành và bàn giao dự án “Đánh giá tác động môi trường và xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường các khu, điểm tái định cư (TĐC) công trình thủy điện Sơn La”.
Điểm tái định cư Trại Dê, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, Sơn La
Điểm tái định cư Trại Dê, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, Sơn La

Công trình thủy điện Sơn La là một dự án có quy mô lớn với 06 tổ máy, công suất 2.400MW, được khởi công xây dựng năm 2005, đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012. Đây cũng là dự án có tác động rất lớn đến môi trường cả về mức độ, cường độ, phạm vi và thời gian của tác động.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, vấn đề môi trường tại các khu, điểm TĐC là vấn đề rất lớn, đa dạng, diễn ra ở phạm vi rộng, thời gian kéo dài, đối tượng tác động lớn, tác động lên tất cả các thành phần môi trường. Đến nay, tỉnh Sơn La đã hoàn thành công tác di dân tái định cư, bước đầu ổn định được đời sống dân cư. Tuy nhiên, vấn đề môi trường trong di dân TĐC của dự án chưa được đề cập đến nhiều. Các khu, điểm di dân TĐC chưa được đánh giá về môi trường, chưa xây dựng và thực thi các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng cũng như định cư lâu dài.

Do đó, việc xác định các đặc trưng về hiện trạng môi trường và đánh giá tác động môi trường tới dân cư tại các điểm TĐC; đề xuất các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch quản lý môi trường cho từng điểm TĐC là rất cần thiết. Đây là một công cụ hữu hiệu giúp cho việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần ổn định đời sống dân cư và phát triển bền vững.

Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện dự án: Đánh giá tác động môi trường và xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường các khu, điểm TĐC công trình thủy điện Sơn La là công cụ hữu hiệu giúp các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, giúp cộng đồng dân cư nhận biết được những tác động môi trường ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, văn hóa của người dân như thế nào. Từ đó, tìm ra giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác động đó góp phần bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, ổn định đời sống dân cư và hướng tới sự phát triển bền vững.

Dự án do Sở TN&MT Sơn La là chủ đầu tư; Cơ quan tư vấn là Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường (Tổng Cục Môi trường). Dự án được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề cương – dự toán tại Quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày 03/9/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương – dự toán “Nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường và xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường các khu, điểm tái định cư công trình thủy điện Sơn La”.

Mục đích dự án là đánh giá tác động môi trường tới các khu, điểm TĐC công trình thủy điện Sơn La. Xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm hạn chế, giảm thiểu tác động  môi trường tới cộng đồng dân cư khu vực TĐC nhằm góp phần ổn định đời sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Dự án đã được triển khai lựa chọn đánh giá tại 04 vùng đại diện có đặc thù riêng, gồm điểm TĐC nông thôn; điểm TĐC tập trung đô thị; điểm TĐC xen ghép và điểm TĐC các xã biên giới vói tổng cộng 10 điểm TĐC, trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Sản phẩm của dự án được công bố công khai, rộng rãi và gửi trực tiếp tới các đơn vị có liên quan để sử dụng như một tài liệu tham khảo chuyên ngành.

Vấn đề môi trường, ứng phó với BĐKH và PTBV ở các khu/điểm TĐC vẫn còn rất nhiều những vấn đề bất cập chung cần giải quyết Nước thải ra rãnh thoát nước tại một số khu TĐC
Vấn đề môi trường ở các khu, điểm TĐC còn nhiều bất cập cần giải quyết (Ảnh: Nước thải ra rãnh thoát nước tại một số khu TĐC)

Về kết quả thực hiện dự án, qua quá trình khảo sát, đánh giá, có thể thấy, nhận thức về môi trường của đồng bào các dân tộc thiểu số có nơi rất thấp. Tuy có nhiều sự khác biệt giữa các kiểu vùng TĐC với nhau (kiểu vùng đô thị, nông thôn, xen ghép, biên giới...), song nhìn chung vấn đề môi trường, ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ở các khu, điểm TĐC vẫn còn rất nhiều những vấn đề bất cập chung cần giải quyết, như vấn đề về ô nhiễm môi trường nước do nước thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, tai biến thiên nhiên, sạt lở đất và BĐKH.

Hiện nay, tất cả các khu TĐC tập trung (bố trí dân liền kề) đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung. Rác thải của các hộ gia đình được xử lý tại chỗ hoặc đem đổ bừa bãi ở ven ao, vườn, ven mương, ven các tuyến đường, trên dọc các tuyến đường đi trong bản..., không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan nơi ở mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó, các công trình vệ sinh của các hộ TĐC tuy đã được xây dựng nhưng trong quá trình sử dụng không được bảo dưỡng thường xuyên đã xuống cấp, hiện tại chưa đảm bảo hợp vệ sinh, hầu như các hộ gia đình đều không có kênh rãnh thoát nước từ các công trình vệ sinh, ở chỗ nào thì thải ngay chỗ ra chỗ đó, mặc dù rãnh thoát nước của cả khu thì đã có, đây cũng chính là nguyên nhân làm cho dịch bệnh vật nuôi, cây trồng có điều kiện phát triển và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Từ thực tế trên, trong khuôn khổ, phạm vi nghiên cứu, Sở TN&MT Sơn La đã đề xuất các nhóm giải pháp về mặt chính sách, thể chế, luật pháp liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường; giải pháp về tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường; giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường; đặc biệt là nhóm các giải pháp công nghệ và kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn, ứng phó BĐKH... 

Trong thời gian tới, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Sơn La cần sớm xây dựng Chiến lược Bảo vệ tài nguyên, môi trường và khai thác hồ chứa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các điểm TĐC. Bổ sung chính sách về vấn đề môi trường vào dự án TĐC, xây dựng một chương trình giáo dục truyền thông cho cộng đồng TĐC nhằm nâng cao nhận thức về môi trường ở nông thôn và thành thị.

Đồng thời, bên cạnh việc tập trung giải quyết ổn định nguồn nước sinh họat và sản xuất cho các điểm, Ban quản lý Dự án TĐC cần lưu ý khai thác nguồn cung cấp nước đa dạng hơn; đầu tư phương tiện dự trữ nước vào các tháng mùa khô kéo dài tại các điểm công cộng hoặc hộ gia đình TĐC, đặc biệt là các điểm TĐC rừng bị suy thoái nghiêm trọng và có độ che phủ thấp; ít các nguồn nước tự chảy.

Nguyễn Nga