Sông suy kiệt… hủy diệt sinh thái
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 28/11/2016
Đây là nhận định của các chuyên gia đầu ngành về môi trường tại Đối thoại bàn tròn cấp cao về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây.
Ngổn ngang mối lo
Việt Nam có hơn 2.360 con sông, suối. Nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người. Tuy vậy, các LVS đang suy thoái và phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái do khai thác quá mức và ô nhiễm với mức độ khác nhau.
Sông ngòi ô nhiễm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái quanh lưu vực |
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện, có tới 50 - 60% số lượng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam đều nằm trên LVS.
Đáng ngại là các LVS ở Việt Nam đã và đang bị khai thác quá mức, đe dọa nghiêm trọng do các dự án phát triển hạ tầng lớn nhỏ như: ngăn đập phục vụ nhu cầu thủy lợi, thủy điện, khai thác cát, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nước, cạn kiệt nguồn nước hạ lưu… tác động xấu đến hệ sinh thái nhân tạo và tự nhiên hai bờ của LVS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, làm thay đổi hiện trạng ĐDSH, mất môi trường sống của nhiều loại động vật, thực vật, thủy sinh vật, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật ngoại lai xâm hại vào hệ sinh thái sông như: Cây mai dương, cây cỏ lào, rùa tai đỏ…
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do công tác quản lý theo địa giới hành chính đã bỏ qua điều kiện tự nhiên, đặc điểm tài nguyên ĐDSH mang tính liên vùng kết nối hành lang, quản lý thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ, thiếu kiểm tra, thiếu kiên quyết xử lý các vụ vi phạm LVS.
Đồng thời, chưa coi trọng đánh giá dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về TNN, ĐDSH và các giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái ở các LVS; chưa có cơ chế phù hợp dựa vào cộng đồng, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng các LVS…
Kết quả rà soát của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, hiện nay, trên cả nước, có 306 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp máy Nlm=15.474,3 MW đang vận hành phát điện; 193 DA (5.662,66 MW) đang thi công xây dựng; 245 DA (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 DA (421,88 MW) có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát.
Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, đã vận hành phát điện 61 DA (13.101,10 MW); đang thi công xây dựng 31 DA (3.580,50 MW); đang nghiên cứu đầu tư 15 DA (730, 50 MW); có 03 DA (128 MW) chưa cho phép nghiên cứu đầu tư.
Phát triển thủy điện là cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, dưới góc độ sinh thái và bảo tồn ÐDSH, các nghiên cứu đều cho thấy, tác động của việc xây đập, hồ chứa ảnh hưởng tới vùng sông hạ lưu sau đập là khá lớn, làm thay đổi các kiểu nơi cư trú như vực sông, suối, ghềnh, bãi cát trên sông dẫn đến thay đổi cấu trúc thành phần các loài thủy sinh.
Ðáng lo ngại, ÐDSH thường bị xem nhẹ trong đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của từng dự án.
Hồi sinh môi trường 3 LVS
Hiện nay, Luật BVMT năm 2014 đã quy định rõ về kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến BVMT LVS; quy định các nguồn thải vào LVS phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông, chất lượng nước sông và trầm tích phải được theo dõi và đánh giá; BVMT nước LVS phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng nguồn nước sông.
Luật BVMT năm 2014 giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, trong đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước LVS nội tỉnh, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức BVMT nước LVS liên tỉnh và sông xuyên biên giới. Bộ TN&MT có trách nhiệm tổng hợp thông tin về chất lượng môi trường nước, trầm tích các LVS, hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án BVMT LVS liên tỉnh.
Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ban ngành và địa phương cùng nâng cao trách nhiệm, chung tiếng nói trong việc quản lý và bảo vệ LVS, trong đó, có yếu tố về đa dạng sinh học trên các lưu vực.
Công nhân môi trường vớt rác làm sạch dòng sông. |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa có Quyết định thành lâp Ban Chỉ đạo Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS nhằm cải thiện chất lượng nước sông đang có xu hướng diễn biến phức tạp, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng.
Quyết định chỉ rõ, Ban Chỉ đạo dự án có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông” bảo đảm mục tiêu, tiến độ, chất lượng và nguồn lực quy định tại văn kiện dự án đã được phê duyệt.
Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông" hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản được xây dựng và triển khai trong 3 năm, từ năm 2016 đến 2018. Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Bộ TN&MT và năng lực thực thi công tác bảo vệ môi trường LVS của các Sở TN&MT tham gia dự án. Qua đó, hướng tới từng bước cải thiện chất lượng môi trường nước LVS, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường tại 3 lưu vực sông chính như: Sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.
Các chuyên gia đánh giá, Quyết định này được ban hành thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước góp phần tích cực cải thiện và hồi sinh những dòng sông ô nhiễm, bảo vệ cảnh quan sinh thái, phòng chống tác động xấu đến các LVS.
Phương Anh