Hệ lụy khai thác khoáng sản ở miền Trung: Tàn phá môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/11/2016
“Chảy máu” tài nguyên
Những năm gần đây, miền núi Quảng Nam liên tục tái diễn nạn tận thu khoáng sản trái phép. Nhiều “điểm nóng” quen thuộc như khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh... Ngoài các điểm mỏ nhỏ lẻ, giới thổ phỉ vẫn ngang nhiên tấn công đến sát địa bàn thuộc quyền quản lý, khai thác của doanh nghiệp. Các đơn vị hết giấy phép hoạt động cũng tranh thủ vơ vét tài nguyên.
Tan nát những dòng sông do khai thác vàng ở Quảng Nam |
Mới đây, trên địa bàn các xã Phước Hiệp, Phước Thành (Phước Sơn), lực lượng chức năng đã phát hiện có ít nhất 5 doanh nghiệp đã hết thời gian tổ chức khai thác vẫn tổ chức cho công nhân khai thác vàng trái phép. Qua tìm hiểu của PV, được biết, cơ quan có thẩm quyền chỉ cho phép thăm dò, chưa cấp phép mới cho những đơn vị này. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, hầu hết doanh nghiệp khai khoáng đều kết hợp thăm dò với khai thác. Trong khi đó, nguồn thu thuế từ lĩnh vực khai khoáng là rất thấp so với nguồn thu chung của tỉnh Quảng Nam.
Trong khi đó, dù chính quyền tỉnh Quảng Trị thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khai thác titan nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vùng cát bãi ngang của tỉnh này đã trở thành những hoang mạc nham nhở. Trên vùng cát ven biển của 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh với hàng trăm ha rừng phòng hộ lâu năm đã bị đốn hạ, trơ lại toàn gốc cây khô quắt chổng ngược lên trời và ngàn vạn hồ nước sâu hoắm.
Con đê chắn cát ven biển của thôn Tân Thuận vốn tồn tại qua hàng trăm năm với những cánh rừng phi lao cắm rễ vào cát, giờ trở thành một bãi cát nham nhở. Hay như cả vùng cát của thôn Thủy Khê, xã Gio Mỹ (Gio Linh) cũng đã nhiều lần bị các doanh nghiệp khai thác ti tan cày xới, lọc lấy thứ "vàng đen" để mặc sức thải ra hóa chất, dầu mỡ và tàn sát toàn bộ màu xanh trên vùng cát bạc màu này.
Khai thác titan đã biến những rừng phi lau thành ngàn vạn hồ nước sâu hoắm ở Quảng Trị |
Và cơn sốt đào, đãi vàng ở huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) dường như chưa bao giờ có hồi kết. Bắt đầu rộ lên từ năm 2007, suốt gần 10 năm qua, dù cơ quan chức năng Quảng Ngãi nhiều lần truy quét, đẩy đuổi thế nhưng đến nay vẫn chưa dẹp dứt điểm. Cả huyện vùng cao rộng hàng chục hecta bị đào bới nham nhở như chiến địa, đất đai lở lói, cây rừng khô khốc dưới nắng chói chang. Ở lưng đồi, các ngách đào ăn sát vào chân đường dẫn vào mỏ, để lộ ra các mảng đất đá dốc đứng sựng.
Bên dưới, dòng nước đỏ ngầu từ các máng tuyển quặng xuôi theo triền dốc nhập vào con mương lớn trước khi chảy vào các hồ lớn. Trên những triền đồi, những người đàn ông vẫn hì hục xúc đất đổ vào máng đãi. Phía hạ nguồn những dòng sông đục ngầu thôi ngừng chảy, những vết đục như cắt ra từ lòng núi cứ bám lấy con nước chảy về xuôi. Các lán trại dựng san sát trên lưng chừng núi. Bên trong, nhiều bao tải chứa quặng vàng để la liệt san sát bên cạnh những nồi niêu, chén đũa chỏng chơ.
Còn lỗ hổng trong quản lý
Hiện theo báo cáo về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của các tỉnh miền Trung, dù đã nỗ lực thu thuế tài nguyên, nhưng do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý như đánh giá chưa đúng, chưa đủ, thiếu khách quan về trữ lượng, dẫn đến có nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản. Trong khi đó, Nhà nước chưa đủ công cụ để quản lý khai thác khoáng sản, nên việc quản lý hiện chủ yếu chỉ dựa vào báo cáo của các doanh nghiệp và đánh thuế trên bản báo cáo tự nguyện đó. Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp có thể khai nhiều hoặc ít theo tính toán có lợi nhất cho mình.
Khai thác đất làm tan hoang núi đồi ở Quảng Ngãi |
Mặt khác, việc đánh giá trữ lượng khoáng sản cũng được giao cho các doanh nghiệp đảm nhiệm, UBND các tỉnh, thành ở miền Trung quyết định về trữ lượng khoáng sản trước khi cấp phép thì cũng dựa vào báo cáo của doanh nghiệp để đưa ra quyết định. Vì thế, khả năng báo cáo đưa ra trữ lượng thấp hơn trữ lượng thật khi khai thác là điều khó tránh khỏi.
Việc thiếu những chế tài và biện pháp quản lý, kiểm soát chặt lĩnh vực khai thác khoáng sản và thu thuế đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, khiến nguồn tài nguyên khoáng sản vẫn “chảy” đi. Theo ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là khai thác vàng, nhưng nguồn thu ngân sách từ đây rất ít. Nguyên nhân chính dẫn đến thất thu thuế khoáng sản là do cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng để nộp thuế. Việc này đã vô tình “giúp” doanh nghiệp báo cáo giảm sản lượng trên hồ sơ so với khai thác thực tế để né, trốn thuế phí, khiến thất thu thuế.
Cạnh đó, qua tìm hiểu PV được biết, nhiều phòng TN&MT ở các huyện thuộc các tỉnh miền Trung đang gặp khó khâu kinh phí truy quét bởi địa điểm khai thác thường xa, đi lại khó khăn, cơ quan chức năng không đủ người để làm hết các điểm, làm dứt điểm điểm này thì lại phát sinh điểm khác. Về việc này, ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vùng giáp ranh các xã Phước Đức, Phước Kim, Phước Thành rất phức tạp. Chính quyền huyện Phước Sơn thừa nhận, khai thác vàng trái phép rất nhức nhối, có thời điểm “đuối sức”.
Dòng sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) nham nhở bởi nạn khai thác cát ồ ạt ngày đêm ở đây |
Trong khi đó, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, vai trò của chính quyền sở tại, lực lượng công an tại các “điểm nóng” chưa thường xuyên, không loại trừ có việc bao che cho khai thác trái phép. Hệ lụy khai thác khoáng sản trái phép là ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phá rừng, mất đất sản xuất, gây cả chết người. “Một số loại khoáng sản, Nhà nước không quản lý hết được, cũng không có điều kiện kiểm tra, kiểm soát được sản lượng thực khai thác. Một vài đơn vị Sở TN&MT ở miền Trung cũng đã kiến nghị với UBND các tỉnh là có cơ chế đưa thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng, để chống thất thoát” - ông Viễn nói.
Bài & ảnh: Xuân Lam