Kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu): Hơn 20 năm, oằn mình chịu ô nhiễm
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 18/11/2016
Đó là nguyên nhân chính khiến hơn 20 năm qua, mỗi ngày dòng kênh này phải oằn mình hứng chịu hàng chục tấn chất thải dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù, thành phố đã thực hiện thu gom rác trên kênh nhưng việc làm này cũng chỉ như “muối đổ bể” nếu giải pháp cải tạo và khôi phục môi trường trên kênh Bến Đình chưa được triển khai.
Thành phố cứ thu gom, người dân cứ xả thải
13 giờ 30 phút chiều một ngày trong tuần, anh Nguyễn Viết Tình và chị Trịnh Thị Thoa (nhân viên đội vệ sinh môi trường thuộc Công ty CP dịch vụ môi trường và công trình đô thị TP. Vũng Tàu) mặc áo phao, chèo chiếc ghe nhỏ dọc kênh Bến Đình để vớt rác trôi lềnh bềnh trên kênh với đủ thứ loại: nào rau rác, nào túi ni –lông, nào ruột gà, cá thối... Anh Tình cho biết, mỗi ngày chiếc ghe của anh phải đi vớt rác 8 tiếng đồng hồ trên kênh Bến Đình. “Rác nhiều kinh khủng, tôi đứng vớt trên chiếc ghe chòng chành này, mỏi cả lưng, rã rời cả tay mà vẫn không hết”, anh Tình nói.
Cách chiếc ghe chèo bộ của anh Tình – chị Thoa không xa, 2 chiếc ghe máy cũng của Công ty CP dịch vụ môi trường và công trình đô thị có gắn thêm loa phát thanh trên ghe vừa chạy dọc kênh vừa phát thông báo tuyên truyền yêu cầu người dân sống ven kênh và sống trên ghe tàu hãy đưa rác lên các bãi thu gom trên bờ. Vậy nhưng phía bên trong những chiếc ghe, tàu, người dân sinh sống ở đây cũng chỉ coi những đoạn phát thanh đó như “đàn gãy tai trâu” và mặc nhiên thải rác xuống biển.
Kênh Bến Đình "ngập" rác |
Phía trước mui của chiếc tàu đánh cá gần bờ công suất 63 CV, vợ chồng anh Võ Văn Chiến và Trần Thị Mười đang ngồi vá lưới. Anh Chiến cho biết, vợ chồng anh quê ở Bến Tre giong ghe lên kênh Bến Đình làm nghề thả lưới rập đã 4 năm qua. Cứ 1-2 giờ sáng, anh cho ghe ra biển Ba Hàng thả lưới rồi 4 giờ sáng kéo lưới vào và neo ghe ở giữa kênh cho yên gió để phân loại cá, tôm, hải sản bán cho các vựa hải sản ở phường 5, phường 6. Theo anh Chiến, gia đình anh có 4 người, việc ăn uống tắm rửa, nấu nướng sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc ghe này hết. Qua quan sát, trên ghe không có nhà vệ sinh; toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày của gia đình anh Chiến đều thải trực tiếp xuống sông. Chị Mười, vợ anh Chiến nói: “Ngày nào cũng thấy loa phát thông báo đó nhưng có thấy ai vào tận ghe hướng dẫn đặng còn biết cách bỏ rác ra sao cho đúng. Mà lượng rác thải ra cũng không nhiêu hết á, nên cứ xả xuống sông cho tiện”.
Cách ghe anh Chiến – chị Mười không xa, ba cha con anh Trịnh Văn Hùng cũng làm nghề lưới rập, sống trên chiếc ghe công suất 30CV đang nghỉ tay sau một ngày làm việc. Anh Hùng cho biết, gia đình anh mỗi ngày thải ra khoảng 10kg rác thải chưa kể việc súc rửa ghe tàu; giặt lưới… anh đều xả thẳng xuống sông. Anh Hùng nói: “Ghe nào cũng thả rác xuống sông, một mình nhà tui thu gom làm gì cho mệt”.
Tất cả rác thải, chất thải của người dân của hàng trăm hộ dân sinh sống trên ghe thuyền xả thẳng xuống kênh |
Tình trạng xả rác bừa bãi này cũng diễn ra đối với khoảng gần 600 hộ dân sống ven kênh Bến Đình. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nhuồn (195/12/13A đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) cho biết, nhà chị sống ở đây từ năm 1991. Toàn bộ diện tích 80m2 ven kênh là do gia đình chị “khai phá” và cơi nới một phần ra ngoài kênh nên đến nay vẫn chưa có giấy tờ chủ quyền nhà đất. Nhà chị Nhuồn hiện có 4 người đang sinh sống trong nhà, trong đó nhà chị có nuôi 10 con heo đang ở tầm 16-17kg/con. Toàn bộ lượng nước thải từ hoạt động chăn nuôi heo của gia đình chị được thải xuống hố ga. Tuy nhiên, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày chị vẫn thả xuống kênh, nắng lên khô thì mang lên nhóm lửa nấu cám heo.
Cách nhà chị Nhuồn 2 con hẻm là căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 12m2 của anh Lưu Thanh Phong và 2 đứa con đang sinh sống. Anh Phong cho biết, toàn bộ việc sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ và vệ sinh của gia đình anh đang thải trực tiếp ra sông. Khi được hỏi “rác thì bỏ đâu?”, cậu con trai anh Phong tên Lưu Minh Phương nhanh nhảu: “Vứt bên hông này nè cô”. Tôi ghé xuống nhìn sang bên hông, quả nhiên dưới đó là bờ sông, cũng ngập ngụa rác. Những chú chuột còn lúc nhúc đào bới, ruồi nhặng và muỗi bay vo ve.
Bao giờ dòng kênh được hồi sinh?
Theo đánh giá của Phòng quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, ô nhiễm ở kênh Bến Đình đã tồn tại khoảng 20 năm qua. Nguyên nhân là nhà vệ sinh, nước thải từ các dịch vụ hậu cần nghề cá và nước súc rửa từ các tàu thuyền đánh bắt hải sản trong khu vực được đổ thẳng xuống kênh. Dọc hai bên kênh lại có nhiều cơ sở kinh doanh đang hoạt động khá nhộn nhịp như nhà máy nước đá, đại lý xăng dầu, cơ sở đóng sửa tàu thuyền nên cặn dầu, cặn nhớt, rửa xe, rửa tàu cũng được thải trực tiếp ra kênh.
Hàng trăm hộ dân sống hai bên kênh Bến Định cũng xả thẳng trực tiếp các loại chất thải xuống kênh |
Ông Thái Doãn Chính, Trưởng phòng kế hoạch Công ty CP dịch vụ môi trường và công trình đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, để khắc phục một phần ô nhiễm trên kênh Bến Đình, năm 2012, UBND TP. Vũng Tàu đã giao cho công ty thực hiện việc thu gom rác trên kênh với kinh phí khoảng 3,4 tỷ đồng/năm. Theo đó, công ty đã đầu tư 6 ghe nhỏ chèo bộ thu, 2 ghe máy và 1 tàu lớn công suất 70 CV làm nhiệm vụ trung chuyển toàn bộ rác thu gom được từ các ghe nhỏ trên kênh Bến Đình, sau đó đưa vào tập kết trên bờ, chờ ráo nước thì hốt lên xe chuyên dụng chở về xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina. Theo ước tính, lượng rác thải thu gom được trên kênh trung bình 7-8 tấn/ngày; tuy nhiên từ mùng 9 đến 18 (âm lịch) ghe không đi đánh bắt hoặc những thời điểm ghe vào tránh trú bão thì lượng ghe tàu có khi lên đến cả ngàn chiếc nên lượng rác thải phát sinh cũng đăng đột biến, khoảng 10-12 tấn/ngày.
Tại buổi làm việc về thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác BVMT, ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, hiện nay TP. Vũng Tàu còn một số dự án trọng điểm về BVMT chậm triển khai trong đó có dự án nạo vét kênh Bến Đình. Nguyên nhân chậm triển khai là do chưa có ngân sách. Hiện nay, TP. Vũng Tàu đã đề xuất 38 dự án BVMT ưu tiên triển khai đến năm 2020 trong đó có dự án nạo vét, xây kè kênh Bến Đình.
Trao đổi về dự án này, ông Nguyễn Tiến Trung, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp Ban Quản lý dự án chuyên ngành Giao thông (Sở GT-VT) cho biết, ban mới tiếp nhận dự án này từ TP. Vũng Tàu để làm chủ đầu tư từ ngày 28/9/2016. Theo đó, chủ trương của UBND tỉnh là chuyển dự án nạo vét kênh Bến Đình từ hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh thành dự án đầu tư bằng hình thức BT. Nghĩa là Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông phải lập một dự án hoàn toàn mới so với dự án mà năm 2002 UBND tỉnh đã phê duyệt.
“Hiện nay Ban đang báo cáo với Sở KH-ĐT để đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Sau đó, chúng tôi sẽ lập các bước tư vấn, khảo sát đánh giá tác động môi trường, lập báo cáo chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công trước khi thông qua UBND tỉnh”, ông Trung nói. Như vậy, việc trả lại dòng kênh Bến Đình vẻ xanh trong sẽ còn phải chờ đợi và kéo dài trong nhiều năm nữa.
Kênh Bến Đình có chiều dài khoảng 2,6km, chỗ rộng nhất là 500m nối liền 3 phường (phường 5, phường 6 và phường 9, TP. Vũng Tàu). Năm 1991, kênh Bến Đình đã được nạo vét một lần, qua thời gian bồi lắng kênh Bến Đình đã trở nên chật chội và ô nhiễm. Năm 2002, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt dự án nạo vét kênh Bến Đình đó có kết hợp nạo vét, xây kè, làm đường vành đai với tổng mức đầu tư ban đầu là 51,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, với nguồn kinh phí dự toán được điều chỉnh lên đến hơn 1.200 tỷ đồng nên dự án càng rơi vào bế tắc vì không có kinh phí thực hiện. Đến tháng 9-2016, toàn bộ dự án này được chuyển giao về cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông để lập lại dự án và làm chủ đầu tư.
Bài và ảnh: Minh Tâm - Linh Nga