Ngăn chặn buôn bán ĐVHD: Biến cam kết thành hành động
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/11/2016
Hiện ở Việt Nam, nhiều loài động vật đã tuyệt chủng hoặc đang trong tình trạng nguy cấp và có thể biến mất trong vài năm tới. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do hoạt động buôn bán động vật hoang dã, trong đó, rất nhiều cộng đồng địa phương tham gia vào việc săn bắt và tiêu thụ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, mạng lưới giao thông cải thiện, săn bắt động vật hoang dã đã được nâng cấp từ các hoạt động quy mô nhỏ thành một ngành công nghiệp.
Ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN khu vực Indo - Burma phát biểu tại Hội thảo |
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã, trong đó, tập trung tăng cường thực thi pháp luật. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, tịch thu rất nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Điển hình vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tiêu hủy một số lượng lớn ngà voi trị giá hàng triệu USD. Động thái này đã phát đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ về cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ các loài hoang dã quý hiếm.
Tuy vậy, ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN khu vực Indo - Burma cho rằng, các cam kết của Chính phủ chưa được chuyển thành các bản án. Báo chí Việt Nam đưa rất nhiều tin về vụ chặn bắt các cá nhân vận chuyển rùa, hổ… Thông thường xử lý hành chính phạt tiền, nhưng những người vận chuyển ít bị xử hình sự. Như vậy, sẽ không thể làm nản chí những kẻ buôn bán trái phép động vật hoang dã. Cần biến các cam kết của lãnh đạo cấp cao thành hành động cụ thể trên thực địa. Đặc biệt, cần đảm bảo rằng, những kẻ bị bắt khi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã không chỉ bị phạt, mà còn phải ngồi tù.
“Việt Nam cần có ngân sách phù hợp và phân bổ ngân sách hợp lý cho hoạt động bảo vệ động vật hoang dã cả ở cấp quốc gia và tỉnh, thành phố” – Giám đốc IUCN khu vực Indo - Burma nhấn mạnh.
Một vụ buôn bán trái phép ngà voi châu Phi bị bắt giữ. |
Theo ông Jake Brunner để ngăn chặn việc giết hại, vận chuyển động vật hoang dã xuyên biên giới cần trao quyền cho cộng đồng địa phương trong việc săn bắt, tiêu thụ đối với động vật hoang dã tại khu vực rừng thuộc lãnh địa truyền thống của họ. Điều này sẽ tạo ra sự khích lệ trực tiếp về mặt tài chính đối với người dân địa phương để đảm bảo rằng, những đối tượng bên ngoài không thể xâm nhập và các hành vi săn bắt trái phép không thể tồn tại lâu dài. Tuy vậy, Việt Nam cần có những thay đổi cơ bản về quan điểm, luật pháp để có thể trao quyền cho cộng đồng địa phương vì rừng và các động vật hoang dã ở nước ta phần lớn là tài sản của Nhà nước.
Mặt khác, phải tạo dựng lòng tin giữa người dân địa phương và cảnh sát, người dân cần được bảo vệ trước hành vi trả thù. Khi cộng đồng địa phương sẵn sàng hợp tác với cảnh sát, những kẻ buôn bán động vật hoang dã bị bắt cần phải bị kết án. Bởi trong nhiều trường hợp, sau khi người dân địa phương cung cấp thông tin, những kẻ phạm tội bị bắt giữ nhưng sau đó, lại được thả, bọn tội phạm có thể sẽ tìm ra người cung cấp thông tin.
Ngoài ra, vấn đề tăng cường năng lực, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã cần được quan tâm. Bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi về giảm nhu cầu sử dụng các loài động, thực vật hoang dã, Chính phủ có trách nhiệm nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao nhận thức để cộng đồng có thể cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã tốt hơn.
Tin và ảnh: Tuyết Chinh