Đà Nẵng: Tiến tới xây dựng hệ thống quản lý môi trường thông minh

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/11/2016

(TN&MT) - Được mệnh danh là thành phố đáng sống, trong những năm qua, TP. Đà Nẵng luôn cố gắng đưa thành phố ngày càng phát triển với các tiêu chí cao về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, với áp lực về phát triển kinh tế đô thị, tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, việc đảm bảo môi trường càng trở nên khó khăn khi cơ chế quản lý còn nhiều lỗ hổng.

Cơ chế quản lý môi trường truyền thống còn nhiều tồn tại

So với các địa phương khác của Việt Nam, Đà Nẵng được xem là thành phố có môi trường trong lành và an toàn nhất. Nhưng xét về công tác quản lý môi trường, Đà Nẵng cũng như các đô thị khác ở Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu so với các nước phát triển. Trong tương lai, nếu không có hệ thống quản lý môi trường hiện đại thì Đà Nẵng rất khó để đảm bảo được tiêu chí về môi trường. 

Công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải tại TP. Đà Nẵng vẫn chủ yếu là công nghệ truyền thống chưa được giám sát, quản lý thường xuyên
Công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải tại TP. Đà Nẵng vẫn chủ yếu là công nghệ truyền thống chưa được giám sát, quản lý thường xuyên

Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải tại TP. Đà Nẵng vẫn chủ yếu là công nghệ truyền thống chưa được giám sát, quản lý thường xuyên, nước thải tập trung đô thị và công nghiệp tại các hệ thống xử lý vẫn chưa được quan trắc liên tục. Các dữ liệu quan trắc đã được các cơ quan chuyên môn thu thập và cập nhật quản lý nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc. Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nhà nước và môi trường chưa được đầu tư toàn diện. Toàn thành phố chỉ có 01 trạm quan trắc môi trường nước mặt, 01 trạm quan trắc môi trường không khí. Việc biên chế thanh tra viên lĩnh vực môi trường chỉ có 03 người. Một số tiêu chuẩn về xả thải quá cao, không đảm bảo khả năng xử lý của các chủ doanh nghiệp trong điều kiện thực tế.

Việc phát triển ngành công nghiệp du lịch với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát tập trung đang làm tăng áp lực về môi trường trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, cơ sở dữ liệu môi trường của TP. Đà Nẵng chưa được chuẩn hóa đồng bộ, chưa có sự đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trên máy tính và hồ sơ giấy dẫn đến khả năng báo cáo, cảnh báo sớm, xử lý thông tin và chia sẻ thông tin chưa tốt. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp chưa có, chưa có đầu mối rõ ràng và thông tin về chất lượng môi trường chính xác, kịp thời để nắm bắt tình hình và tham mưu kịp thời cho UBND thành phố.

Với xu thế phát triển trong tương lai, Đà Nẵng sẽ thiếu hạ tầng quản lý môi trường, các thông tin môi trường không đảm bảo tính đại diện và phản ánh kịp thời, nhằm hỗ trợ các công cụ trong quản lý môi trường. Do vậy, cần phải có một giải pháp đồng bộ, thông minh và hiệu quả hơn nhằm kiện toàn, tổ chức và làm chủ cũng như định hướng với một tầm nhìn và kế hoạch rõ ràng, cụ thể tương ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hệ thống quản lý môi trường thông minh - giải pháp tối ưu

Với những đòi hỏi ở thực tế và hiểm họa môi trường ở tương lai, TP. Đà Nẵng đang từng bước tiến hành triển khai mô hình quản lý môi trường theo hướng thông minh nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát và giám sát hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải ; hoàn thành mạng lưới quan trắc môi trường tự động, quản lý tập trung.

Theo đó, việc thu gom và xử lý rác thải sẽ thực hiện qua thùng rác thông minh được quản lý và kết nối qua mạng internet, cho phép giám sát từ xa và nhận thông báo khi chúng cần được thu gom xử lý. Hệ thống sẽ thông báo và hướng dẫn cho các xe thu gom rác một lịch trình thu gom tối ưu, làm giảm thời gian di chuyển của xe. Các nhà quản lý có thể cắt giảm nguồn lực thu gom khoảng 20%, tần suất xe thu gom cũng ít hơn.

Cùng với mục tiêu đến năm 2020 đưa Đà Nẵng thành Thành phố môi trường, hệ thống quản lý môi trường thông minh chính là giải pháp tối ưu cho thành phố Đà Nẵng
Cùng với mục tiêu đến năm 2020 đưa Đà Nẵng thành Thành phố môi trường, hệ thống quản lý môi trường thông minh chính là giải pháp tối ưu cho thành phố Đà Nẵng

Rác thải sau khi thu gom sẽ được đưa vào nhà máy tái chế để thu hồi vật liệu có giá trị sử dụng lại, rác thải  không được tái chế sẽ xử lý bằng công nghệ xử lý cơ sinh học. Với giải pháp này vừa giảm thiểu tối đa các giải pháp đốt, chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế tái sử dụng vật liệu.

Cùng với việc đổi mới công nghệ thu gom, hệ thống quản lý môi trường thông minh còn tiến tới  giải pháp quan trắc môi trường tự động. Giải pháp quan trắc môi trường tự động sẽ có trạm điều hành trung tâm bao gồm thiết bị phần cứng và phần mềm với nhiệm vụ ghi nhận, lưu trữ và xử lý số liệu được truyền về từ trạm cơ sở. Các thông tin về chất lượng môi trường sẽ được cập nhật và chia sẻ liên tục lên website cho các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, công chúng...

Cùng với mục tiêu đến năm 2020 đưa Đà Nẵng thành Thành phố môi trường, hệ thống quản lý môi trường thông minh chính là giải pháp tối ưu cho thành phố Đà Nẵng và trong tương lai, hệ thống này sẽ được nhân rộng cho các thành phố khác ở Việt Nam.

Bài & ảnh: Yến Nhi - Anh Dũng