Chính thức Khai mạc Hội nghị COP 22

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/11/2016

(TN&MT) - Ngày 7/11, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) chính thức khai mạc tại Bab Ighli, Ma-ra-ket, Ma-rốc. Trong 11 ngày diễn ra Hội nghị, đoàn đàm phán của Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới sẽ tham gia các phiên họp kỹ thuật và cấp cao, tập trung bàn thảo việc triển khai thoả thuận Paris, đồng thời, thúc đẩy các quốc gia tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Logo Hội nghị COP 22
Logo Hội nghị COP 22

Trong bối cảnh Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, COP22 được coi là COP của những hành động nhằm triển khai thực hiện Thoả thuận Paris. Ngoài các hoạt động thể hiện nỗ lực triển khai Thỏa thuận Paris của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, COP22 sẽ tập trung làm rõ việc đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Cụ thể, các bên sẽ thảo luận để làm rõ hơn nội dung đóng góp do quốc gia tự quyết định, bên cạnh giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH thì các đóng góp khác có thể là gì, đặc biệt là đóng góp về tài chính, chuyển giao công nghệ tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với BĐKH. Đồng thời, các quốc gia sẽ thống nhất thước đo chung để đánh giá được đóng góp của các quốc gia. Hiện dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định của các nước rất khác nhau. Làm thế nào để so sánh được để xem xét mức đóng góp là thoả đáng hay chưa cần có thước đo chung này. Tại đây, các quy trình, thủ tục tham vấn, trao đổi giữa các quốc gia để triển khai Thoả thuận Paris cũng sẽ được thống nhất.

Tại sự kiện này, Việt Nam sẽ thảo luận, đưa ra những sáng kiến, cũng như đề xuất trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn Việt Nam sẽ thảo luận với 3 trọng tâm chính.

Thứ nhất, cùng các quốc gia thảo luận những nội dung còn chưa rõ của Thoả thuận Paris để thống nhất triển khai thực hiện, trong đó có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thứ hai, bảo vệ các đóng góp của Việt Nam đã trình LHQ tháng 10 năm 2015 khẳng định các đóng góp này là công bằng, phù hợp với việc phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong quá khứ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện tại và đến 2030. Đồng thời yêu cầu các quốc gia khác, nhất là các quốc gia phát triển, phải nâng cao mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải, về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với viến đổi khí hậu.

Thứ ba, học tập và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu nói chung và việc triển khai Thoả thuận Paris với các nước trên thế giới. Trong đó kinh nghiệm Xây dựng kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam hiện được rất nhiều nước quan tâm và mong muốn được trao đổi với Đoàn Việt Nam.

Phạm Văn Tấn, Phó trưởng Ban thường trực Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH

(đưa tin từ Ma-rốc)