Cần có cơ chế giải quyết vấn đề môi trường liên tỉnh lưu vực sông Cầu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/11/2016

​(TN&MT) - Ngày 4/11/2016, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu đã tổ chức phiên họp lần thứ 12 nhằm đánh giá các kết quả thực hiện Đề án BVMT LVS...
(TN&MT) - Ngày 4/11/2016, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu đã tổ chức phiên họp lần thứ 12 nhằm đánh giá các kết quả thực hiện Đề án BVMT LVS Cầu năm 2015 - 2016, những tồn tại, hạn chế và Kế hoạch triển khai Đề án trong thời gian tới. 
 
Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành và lãnh đạo các tỉnh trong LVS Cầu, cùng đại diện các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 
 
Các đồng chí chủ trì Phiên họp
Các đồng chí chủ trì Phiên họp
 
Báo cáo Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu cho thấy, từ năm 2015 đến nay Tổng cục Môi trường đã tiến hành quan trắc 42 điểm trên lưu vực sông cầu với tần suất 5 lần/năm. Theo đánh giá chung, chất lượng nước các lưu vực sông Cầu năm 2016 đã có sự cải thiện so với năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm ô nhiễm trên lưu vực sông Cầu bị ô nhiễm bởi các thông số FE, Nitrit, Amoni. Ở ngã ba sông trước khi lưu hợp với sông Cầu tại điểm cầu Đa Phúc đang xuất hiện dấu hiệu rõ rệt của sự ô nhiễm do đây là địa điểm vận chuyển, neo đậu hàng hóa, chủ yếu là cát sỏi và vật liệu xây dựng.
 
Thay mặt cho Chủ tịch UBLVS Cầu, ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã phối hợp với Bộ TN&MT và 6 tỉnh trên địa bàn lưu vực tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh, đánh giá kiểm soát các nguồn thải và xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn thải trên LVS… Tuy nhiên, do thiếu cơ chế về tài chính, quy định về việc tổ chức thực hiện Đề án nên chưa tạo được cơ chế đột phá để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; Hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Cầu còn hạn chế, nhất là việc giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh; Quyết định của Ủy ban chỉ mang tính đồng thuận, không có tính ràng buộc pháp lý, không có nguồn lực để điều phối… Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực chưa đạt được mục tiêu do Đề án đề ra, mới xử lý được 43/52 cơ sở (82,7%). 
 
Toàn cảnh Phiện họp lần thứ 12 UBBVMT LVS Cầu
Toàn cảnh Phiện họp lần thứ 12 UBBVMT LVS Cầu
 
Tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Đề án BVMT LVS Cầu trong thời gian tới, các Bộ, ngành và các địa phương trên lưu vực cần có những hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm soát các nguồn thải trên LVS Cầu; triển khai Quy hoạch quản lý chất thải, Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các khu dân cư, khu công nghiệp trên LVS Cầu. Ủy ban BVMT LVS cần sớm xây dựng cơ chế tài chính phục vụ triển khai thực hiện Đề án và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệc triển khai Đề án tổng thể LVS tại các địa phương thuộc lưu vực. 
Bên cạnh đó, vấn đề BVMT LVS Cầu không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một địa phương mà phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong LVS. Vì thế, Ủy ban cần sớm xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; tăng cường triển khai các chương trình phối hợp liên tỉnh về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng ô nhiễm. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành phát biểu tại Phiên họp
 
Kết luận phiên họp Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự quyết tâm của các bộ, ngành đặc biệt là UBLVS Cầu. Đồng thời thứ trưởng nhấn mạnh: Thời gian qua, các địa phương đã thống kê nguồn thải nhưng việc này không thực hiện liên tục nên chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường, cập nhật thông tin chưa thường xuyên. Hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm ô nhiễm trên lưu trên vực sông Cầu, dấu hiệu ô nhiễm gia tăng. Vì vậy, các đơn vị cần phải phát huy các hoạt động kiểm soát hạn chế ô nhiễm; phối hợp chặt chẽ công tác thanh tra giữa các bộ, ngành và địa phương để tránh chồng chéo, gây phiền hà tới hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, lãnh đạo các tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, sâu sắc, hơn đối với việc bảo vệ môi trường lưu vực sông.
 
Mai Chi