Bộ trưởng Công Thương: "Hủy hoại môi trường là tội ác"

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/10/2016

(TN&MT) -  Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tập đoàn lớn, yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản… Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

“Các đồng chí nghĩ gì khi đọc các bài báo phản ánh hiện trạng 14 nhà máy nhiệt điện vây Đồng bằng sông Cửu Long hay Nhiệt điện than "bao vây" đồng bằng: Lay lắt điện sạch, cá nhân tôi thấy rất đau lòng. Là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn. Các đồng chí đừng để người dân cứ nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, là ô nhiễm là ung thư… chua xót lắm” - Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, thời gian qua, đọc các bài báo, ý kiến trên trang tin chính thông cũng như mạng xã hội, ông cảm thấy rất bất ngờ khi thấy các ý kiến nhắc đi nhắc lại chuyện chọn thép hay chọn cá.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

“Chúng ta bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về điều này. Chúng ta không đánh đổi cái gì cả. Giữ môi trường cũng là giữ sự sống cho chúng ta và tương lai con cháu chúng ta sau này. Khi một số dự án mới chỉ là quy hoạch, từ khi quy hoạch đến lúc triển khai là cả một chặng đường dài có thể 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng người dân bày tỏ lo ngại về công nghệ, về vấn nạn môi trường điều này có phần trách nhiệm của chúng ta khi chưa giải thích, cung cấp thông tin đầy và đủ cho người dân hiểu”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, sáng 7/10, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ tham gia đoàn công tác của Bộ TN&MT mở đầu cho đợt thanh tra tổng thể các nhà máy xi măng, nhiệt điện… được phản ánh là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, Formosa cần được coi là bài học để các đơn vị ngành tập đoàn, tổng công ty cần rà soát thận trọng một lần nữa các dự án, nhà máy.

“Đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật với nhau xem chúng ta còn bỏ sót quy trình nào, cái gì chưa hoàn thiện cần khắc phục ngay, tốn kém cũng phải làm. Sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhưng không phải bằng mọi giá, không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác”, ông nhấn mạnh.

Đồng thời, yêu cầu ngay sau cuộc họp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải ký cam kết giải quyết triệt để những bức xúc mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua. “Lời hứa cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nếu chúng ta không làm, không thực hiện lời hứa chúng ta sẽ mất niềm tin trong dân chúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường như: khai thác và chế biến khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất, các doanh nghiệp có hoạt động xả thải ra sông, ven biển, nhà máy đặt tại khu vực nhạy cảm và có nhiều dư luận xã hội về công tác bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở kết quả rà soát và kiểm tra trực tiếp tại 29 cơ sở, kết quả cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp đã chấp hành các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, Giấy phép xả thải.

P.V (tổng hợp)