Làm mưa nhân tạo - Có khả thi?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/10/2016

(TN&MT) - Theo Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu dự báo, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở miền Tây Nam Bộ là điều không thể...
(TN&MT) - Theo Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu dự báo, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở miền Tây Nam Bộ là điều không thể tránh khỏi. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2016, hạn hán đã gây ra thiệt hại lớn về tài sản tại 11 tỉnh miền Tây. Trong bối cảnh ấy, một số nhà khoa học đã đưa ra vấn đề làm mưa nhân tạo cứu hạn, tuy vậy, giải pháp này tại Việt Nam là không khả thi.
 
Vấn đề làm mưa nhân tạo cứu hạn không khả thi tại Việt Nam Ảnh: MH
Vấn đề làm mưa nhân tạo cứu hạn không khả thi tại Việt Nam Ảnh: MH
 
Ảnh hưởng đến cuộc sống từng ngày
 
Số liệu thống kê ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… cho thấy, mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm.
 
Ở Bến Tre, trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ còn 4/164 xã, phường không bị nhiễm mặn. Hạn mặn đã làm cho 13.845/14.759 ha lúa của tỉnh bị thiệt hại, diện tích còn lại cũng không trổ được, khả năng 100% diện tích lúa của tỉnh bị thiệt hại. Nước mặn cũng đang đe dọa vườn cây ăn trái 1.225ha của tỉnh, nếu thiệt hại, phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Ước tính thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp khoảng 200 tỷ đồng.
 
Tình hình hạn mặn ở tỉnh Kiên Giang cũng không kém phần khốc liệt. Tính từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành quyết định về thiên tai, với diện tích lúa bị thiệt hại là trên 34.000ha. Hiện, diện tích lúa chết đã tăng lên tới 55.000ha, ước tính thiệt hại 1.200 tỷ đồng.
 
Với tỉnh Sóc Trăng, đã có 6/11 huyện, thị xã bị mặn xâm nhập, độ mặn cao nhất hơn 10%. Hơn 10.000 ha lúa đã bị ảnh hưởng hạn, mặn trong đó có hơn 900ha bị mất trắng, thiệt hại gần 39 tỷ đồng.
 
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây gây lo lắng cho người nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi đó, tại huyện Bình Đại, Bến Tre nhiều diện tích nuôi hàu bị mất trắng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Năng suất lúa gạo ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… năm nay ảnh hưởng lớn vì hạn hán, mặn.
 
Bên cạnh nỗi lo về sản xuất nông nghiệp, tình trạng hạn hán khiến cho nguồn nước sinh hoạt của khu vực miền Tây trở nên khan hiếm nghiêm trọng.
 
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện 155.000 gia đình ở miền Tây với khoảng 575.000 người đang thiếu nước. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện chỉ còn 4 xã ở huyện Chợ Lách là nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trong đó, nguy hiểm nhất là một số nơi người dân đã phải sử dụng nước nhiễm mặn 2%.
 
Có nên làm mưa nhân tạo?
 
Việc làm mưa nhân tạo đã được Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nghiên cứu và đề xuất thử nghiệm từ năm 1998, đến năm 2005, mưa nhân tạo cũng được các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy văn và môi trường đề cập đến. Tuy vậy, đến nay, những cơn mưa nhân tạo vẫn là phương án không khả thi.
 
Tiến sĩ Vật Lý Nguyễn Văn Khải cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… đã thử nghiệm làm mưa nhân tạo thành công. Đây là những nước có nền kinh tế cao hơn Việt Nam, họ làm mưa để cứu những sản phẩm có giá trị lợi ích cao và hơn hết điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi cho việc giữ nước sau khi mưa xuống. Tiến sĩ khẳng định: “Chúng ta không thể chống lại hạn hán mà việc cần làm là phải tìm cách sống chung với nó. Ví dụ như ở vùng nước nhiễm mặn, phải nuôi thủy sản, trồng cây ngập mặn. Phải biết tận dụng ưu điểm của thiên nhiên để sống".
 
PGS. TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), người từng thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo ở Việt Nam” cho rằng, làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí và không có hiệu quả.
 
Theo ông Vũ Thanh Ca, làm mưa nhân tạo chỉ được coi là thành công nếu thỏa mãn 3 điều kiện: Giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo; Các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; Công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại các vùng khác.
 
“Để tác động lên thời tiết, ý tưởng chung là sử dụng các tác động nhỏ để biến các cơ chế tạo mây và gây mưa không hiệu quả thành các cơ chế hiệu quả. Khi có đủ độ ẩm hoặc có mây nhưng không mưa, tác động có thể tạo mưa. Tuy vậy, khi đã có mưa to hoặc bão, tác động của con người không còn có tác dụng vì quá trình tự nhiên gây mưa đã rất hiệu quả và tác động của con người là quá nhỏ bé so với tự nhiên. Vì vậy, ý tưởng dùng tác động của con người để điều khiển các quá trình mưa lớn và bão là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không thể thực hiện được”, ông Ca khẳng định.
 
Ông Ca cho biết thêm, nếu nguồn ẩm không đủ mà gây mưa ở trên, bên dưới khô sẽ khiến mưa không chạm đất. Như vậy vừa tốn chi phí mà lại không mang lại hiệu quả.
 
 Phạm Thu Hà