Gác rừng miền biên ải

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 28/09/2016

(TN&MT) - Âm thầm, nhẫn nại với mong muốn đem lại sự bình yên trọn vẹn cho rừng, song cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học vẫn là thách thức đối với những chiến sỹ giữ rừng của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn (thôn Phú Son, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trong những ngày đông chớm.

Năm nào cũng vậy, những ngày mùa mưa tiết trời ảm đạm, cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn (thôn Phú Son, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) lại bận rộn, vất vả khi phải túc trực 24/24 giờ trong rừng sâu để quản lý, bảo vệ rừng. Rừng già vẫn lạnh buốt, những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn vẫn miệt mài canh giữ từng tấc rừng, để rừng được bình yên thực sự là một câu chuyện dài không có hồi kết.

Những
Những

Một ngày cuối tháng 9, nắng ửng chưa che hết cái lạnh miền biên ải nơi rừng núi Đông Giang heo hút. Có mặt tại Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn khi mặt trời được vài sào nứa, cái lạnh và khí ẩm của miền biên ải vẫn u ám bám vào thân. “Ở đây tiết trời mùa mưa lạnh lắm, không như dưới xuôi đâu, ban ngày còn có chút nắng sưởi, về đêm cái lạnh càng thấm vào da” - anh Hồ Văn Minh - Giám đốc Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn nói với tôi.

Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn được giao quản lý và bảo vệ  25580.04 ha rừng trên địa bàn 9 xã: Tà Lu, Sông Kôn, Jơ Ngây, A Tin, xã Ba, xã Tư, Za Hung, Cà Dăng (Đông Giang) và xã Đại Hưng (Đại Lộc). “Tình trạng dân di cư tự do lấn chiếm rừng làm nương rẫy trong hàng chục năm qua đã gây áp lực lớn cho công tác giữ rừng của chúng tôi. Rừng ở đây lại giáp ranh với các địa bàn sâu với nhiều đường đi xuyên rừng, nhất là về mùa mưa, vì thế lâm tặc dễ dàng xâm nhập vào rừng để lấn chiếm đất, khai thác lâm sản” - anh Hồ Văn Minh kể.

Hiện nay, để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn đã bố trí bốn trạm bảo vệ rừng, thành lập thêm các đội tuần tra bảo vệ cơ động với số lượng hàng chục người để bảo vệ rừng. “Với địa thế trạm đóng biệt lập, xa trung tâm, nên ngoài nhiệm vụ giữ rừng, cánh đàn ông chúng tôi còn kiêm luôn nội trợ, đi chợ, giặt giũ. Để chủ động thực phẩm, ngoài mua dự trữ, các anh em trong trạm còn trồng thêm rau xanh, nuôi gà, câu cá dưới hồ để cải thiện bữa ăn” - một cán bộ phụ trách đi cùng đoàn kể chuyện.

Trong bữa cơm trưa đạm bạc, các anh em trong trạm vui vẻ ôn lại chuyện nghề. Anh Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 (Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn), có thâm niên mấy chục năm giữ rừng chia sẻ về công tác tuần rừng những ngày mùa mưa. “Do người dân thường xuyên lợi dụng dịp mưa gió để phá rừng, nên năm nào cứ đến mùa mưa tôi và anh em rất vất vả trong việc canh rừng về đêm giữa mùa mưa. Vẫn biết là khó khăn và vất vả lắm khi cái lạnh thấu xương, vợ con cũng buồn nhưng đã chọn nghề này rồi thì phải tận tâm làm việc”.

Dù âm thầm, nhẫn nại với mong muốn đem lại sự bình yên trọn vẹn, song cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học vẫn còn là thách thức đối với những chiến sỹ giữ rừng của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn
Dù âm thầm, nhẫn nại với mong muốn đem lại sự bình yên trọn vẹn, song cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học vẫn còn là thách thức đối với những chiến sỹ giữ rừng của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn

“Mọi người vẫn thường gọi đùa chúng tôi là “anh quần đùi”, giống như loài vạc “ăn đêm”, vì thường phải lội sông, lội suối làm nhiệm vụ. Những ngày giá rét, anh em phải nằm mình trong rừng sâu, suốt đêm để canh gác, bởi đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển gỗ về xuôi. Có những chuyến đi tuần tra dài ngày lên tận miền biên ải, giáp ranh giữa Đông Giang và Nam Giang, cách Trạm đóng chân hàng chục cây số. Đoạn nào có sông, có suối thì chèo ghe; gặp những đoạn khô, dốc thì vác ghe cuốc bộ” - anh Minh hồn hậu nói. Anh Minh còn cho biết thêm nghề này cũng rất nguy hiểm, bởi các đối tượng phá rừng rất manh động. Giữa năm 2012, trong một lần đi tuần trong hoẻn sâu phát hiện nhóm lâm tặc đang phá rừng lấy gỗ, anh Minh cùng các anh em trong đội đã tổ chức bắt giữ. Song, do lực lượng mỏng nên các anh bị lâm tặc tẩu tán.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Minh - Giám đốc Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn cho hay: Hiện Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn có nhiệm vụ chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng; triển khai nhiều đợt truy quét, phá dỡ và đốt cháy hàng chục láng trại, thu, phá hủy nhiều dụng cụ khai thác gỗ, khoáng sản trái phép, đẩy đuổi lâm tặc ra khỏi rừng.

“Mới đây Ban quản lý Rừng Phòng hộ cũng đã tịch thu 25m3 các loại gỗ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý; thực hiện tốt công tác dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, với tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 18.070,24 ha, trong đó có 166 hộ nhận khoán15.144,39 ha, tự quản lý bảo vệ 1.928,28 ha, dự án CarBi 997,62 ha/09 nhóm hộ; vận động nhân dân trồng và chăm sóc rừng đúng thời vụ, kịp tiến độ, đảm bảo số lượng và chất lượng kế hoạch hàng năm; thực hiện tốt công tác dân quân tự vệ, an ninh chính trị, vệ sinh môi trường tại địa phương”, anh Minh cho hay.

Những ngày mùa mưa, Ban quản lý Phòng hộ Sông Kôn thường tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, chốt chặn ở những điểm nóng thường xảy ra hiện tượng phá rừng
Những ngày mùa mưa, Ban quản lý Phòng hộ Sông Kôn thường tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, chốt chặn ở những điểm nóng thường xảy ra hiện tượng phá rừng

Những ngày mùa mưa, Ban quản lý Phòng hộ Sông Kôn thường tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, chốt chặn ở những điểm nóng thường xảy ra hiện tượng phá rừng, có kế hoạch bồi dưỡng, động viên và hỗ trợ xăng xe tuần rừng cho anh em. Mùa mưa thì chống chặt phá, vận chuyển gỗ rừng, mùa hè phải đặc biệt kiêm thêm phòng chống cháy rừng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, không ít người gặp nạn dưới đôi ba lần, không vì người hại thì cũng do rủi ro khách quan như bị rắn độc cắn, vắt đeo, côn trùng có nọc độc chích hút... Hay không ít trường hợp bị thương trong lúc tham gia chữa cháy rừng.

Dù âm thầm, nhẫn nại với mong muốn đem lại sự bình yên trọn vẹn, song cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học vẫn còn là thách thức đối với những chiến sỹ giữ rừng của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Kôn này…

Bài & ảnh: Xuân Lam