Quản lý môi trường trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền"
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/09/2016
Thông tin tại Hội thảo Quản lý Tài nguyên và Môi trường hướng tới phát triển bền vững, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, thời gian qua môi trường nước ta có những diễn biến phức tạp, đáng lo ngại nhất vẫn là vấn đề ô nhiễm bụi tại các nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, các làng nghề (tái chế, chế tác đá, vật liệu xây dựng…).
Điển hình tại các đô thị lớn với tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai,... ô nhiễm bụi vẫn diễn ra phổ biến. Tại các nút giao thông như: đường Phùng Hưng – Hà Đông, Nguyễn Văn Cừ - Long Biên (Hà Nội), Ngã tư An Sương, Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai), nồng độ bụi đã vượt quá quy chuẩn cho phép 1,2 – 2 lần.
Hơn 300 tỷ đồng xử phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật môi trường trong 5 năm qua. (ảnh minh họa) |
Tại các công trường xây dựng, đặc biệt là khu vực đang thi công các tuyến đường trên cao như đường Nguyễn Trãi, bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội), ô nhiễm bụi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người dân khu vực lân cận. Ô nhiễm bụi xung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp (KCN) ở miền Bắc (KCN Thăng Long (Hà Nội), KCN Nomura (Hải Phòng), KCN Cái Lân (Quảng Ninh),...) khá nghiêm trọng, nồng độ bụi trong không khí vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5 – 2,5 lần.
Về môi trường nước, ở khu vực đô thị, một số sông, kênh rạch, hồ nội thành đã giảm mức độ ô nhiễm, điển hình như hồ Linh Đàm, Yên Sở, sông Tô Lịch (Hà Nội), kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh), suối Bưng Cù (Bình Dương)...
Một số khu vực mặc dù mức độ suy thoái nhanh đã giảm bớt nhưng ô nhiễm môi trường vẫn đang hiện hữu như: tình trạng ô nhiễm vi sinh và chất hữu cơ tại trung lưu, hạ lưu của các lưu vực sông lớn (đoạn chảy qua các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề…), điển hình là: sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...
Một số khu vực ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt tại Sông Bưởi- Thanh Hóa; sông Ngũ Huyện Khê- Bắc Ninh.. đã tìm ra nguyên nhân và từng bước được khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường nước. Tháng 4/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt ở Miền Trung là sự cố môi trường nước đặc biệt nghiêm trọng.
Ông An cũng cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về bảo vệ môi trường tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó năm 2015 tại 6 tỉnh, thành phố; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 2.945 cơ sở, KCN, CCN trên phạm vi cả nước, phát hiện và xử phạt đối với 1.780 tổ chức vi phạm với số tiền phạt trên 200 tỷ đồng. Xử lý, đình chỉ đối với 38 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tước Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại đối với 6 đơn vị. Một số dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn đã không được cấp phép đầu tư.
Về phía các địa phương, đã chủ động tổ chức 2.148 cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 9.140 cơ sở, KCN, CCN, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 4.100 đối tượng với tổng số tiền lên tới gần 100 tỷ đồng.
Từ năm 2011 đến nay, lực lượng cảnh sát môi trường đã tổ chức phát hiện, điều tra, xử lý 32.948 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó đã xác lập, đấu tranh 144 chuyên án, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 919 vụ, khởi tố bị can 1.490 đối tượng, xử phạt hành chính trên 330 tỷ đồng.
Một trong những chính sách trọng tâm xây dựng chính sách quản lý môi trường được đại diện của Tổng cục Môi trường nêu ra đó là tập trung xây dựng cơ chế đột phá, hiệu quả huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường như cơ chế cho phép khối tư nhân đầu tư xử lý nước thải, rác thải trong các đô thị và được thu từ các hộ gia đình để bù đắp chi phí đầu tư trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”.
“Quán triệt quan điểm nguồn thu từ môi trường phải ưu tiên đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường, không thể tiếp tục “lạm dụng” môi trường để chi tiêu, sử dụng nguồn thu từ môi trường cho các mục đích không vì môi trường”, ông An nói.
Theo infonet