Rừng ven biển - "cứu tinh" khi nước biển dâng cao
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 08/09/2016
Giải pháp chống BĐKH
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, do phát triển ở nơi giao nhau giữa sông và biển, nơi thường xuyên có sự biến đổi mực nước, độ mặn cũng như môi trường theo thay đổi của thủy triều, nên động thực vật ở đây đa dạng, phong phú, lại thích nghi với môi trường nước lợ. Nhiều loài chim đến rừng ngập mặn ven biển theo mùa để kiếm ăn hoặc trú ẩn và có thể hình thành các đàn lớn.
Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ven biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường. Rừng ven biển có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng, nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường.
Rừng ven biển là “cứu tinh” của con người trong ứng phó với BĐKH. Ảnh: Hoàng Minh |
Khi mực nước biển dâng cao, con người phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm nhiễm mặn. Trong khi đó, rừng ven biển lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó, sẽ tạo nên một vùng đất mới. Nhờ có hệ rễ dày đặc trên mặt đất, cây rừng ngập mặn còn góp phần vào việc giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, giảm xói lở do sóng biển gây ra. Hạt nảy mầm khi còn ở trên cây, mầm rơi xuống nước và trôi đến chỗ cạn, nếu gặp điều kiện thuận lợi cho hệ rễ phát triển, nơi đó, bắt đầu cho sự hình thành một hòn đảo mới. Nhờ cây con, quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước, nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền. Nước biển dâng đến đâu, cây mọc đến đó.
Có thể thấy, những lợi ích, hiệu quả mà rừng ven biển mang lại. Song, những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nhiệt độ Trái đất đang ấm dần lên, mực nước biển dâng lên ngày càng cao... bên cạnh đó, vì lợi ích kinh tế, vì kế sinh nhai, rừng vẫn có thể bị chặt phá. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn ven biển đã bị tàn phá, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng.
Chính sách phát triển bền vững rừng ven biển
Nhận thấy việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển là vấn đề cấp thiết nhưng vô cùng khó khăn, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để khôi phục và phát triển rừng ven biển. Với quyết tâm cao, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Nghị định, các địa phương cần rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang xói lở hoặc ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức rà soát, chuyển các công trình xây dựng có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, hành lang bảo vệ bờ biển. Đối với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm, Nhà nước thu hồi đất.
Các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng ven biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đất đai.
Nghị định cũng nêu rõ, ngân sách các địa phương bảo đảm kinh phí cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo kế hoạch, dự toán được duyệt và quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển. Cụ thể, mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/hécta trong thời gian 5 năm (bình quân 800.000 đồng/hécta/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/hécta, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán….
Phạm Thu Hà