"Bắt mạch trời" nơi đầu sóng ngọn gió

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2016

(TN&MT) - Vài ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua, chúng tôi đến thăm Trạm Khí tượng hải văn Hòn Dấu, nơi có những người làm công tác đo nắng, đo mưa, đo sóng biển vừa căng thẳng trực chiến suốt thời gian mưa bão.
t
 

Những người lao vào “tâm bão”!

Do vị trí địa lý nằm cách bán đảo Đồ Sơn (Hải Phòng) chỉ 1 km, đảo Hòn Dấu đón bão ngay trước khi bão đổ bộ. Bởi vậy, Trạm Khí tượng hải văn Hòn Dấu là nơi nắm sát nhất về diễn biến bão số 1, bão số 3 khi bão chuẩn bị gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Ít ai biết rằng, “đội quân tiên phong” đương đầu với bão ấy chỉ có 6 “chiến sĩ”, trong đó, có đến 4 người là nữ.

Công việc hàng ngày của nhân viên Trạm là đọc số liệu quan trắc nhiệt độ, độ ẩm không khí, áp suất, độ cao sóng biển, tốc độ gió… cứ 6 tiếng 1 lần, ghi lại và chuyển về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc. Bình thường chỉ có 4 người ở trạm theo dõi số liệu. Riêng những ngày mưa bão, cả 6 người phải luân phiên túc trực, canh chừng và báo cáo 1 tiếng 1 lần, có khi là 30 phút 1 lần, nếu gặp bão mạnh nguy hiểm. Chị Đào Thị Dung, Trưởng Trạm Hòn Dấu kể lại: Như đợt bão số 3 vừa qua, khi bão tiến gần vào đất liền, cả Trạm trực liên tục 24 tiếng, báo cáo lại số liệu khí tượng, hải văn mỗi giờ. Còn bão số 1 là 30 tiếng liền.

Bão về là người người ở trong nhà, tàu thuyền về bến tránh bão. Còn với nhân viên của các Trạm khí tượng hải văn, là lúc họ bận rộn, căng thẳng nhất. Gió giật ầm ầm, mưa xối xả, cũng phải lao ra ngoài ghi chép các số liệu, những hiện tượng nguy hiểm. Công việc lúc nào cũng đòi hỏi độ tỉ mỉ cẩn thận, chính xác cao dưới áp lực thời gian, đặc biệt là khi bão có diễn biến bất thường. Trường hợp bão số 1 đột ngột đổi hướng cũng vậy. Trạm đã ghi lại số liệu cấp gió, độ cao sóng biển tăng lên nhanh chóng và báo cáo để trung tâm trong đất liền kịp thời phát bản tin cảnh báo khẩn cấp.

Nếu để ý, mỗi bản tin cảnh báo, dự báo phát trên sóng tuyền hình, truyền thanh là kết quả tổng hợp phân tích số liệu của hàng chục trạm quan trắc nằm trong vùng ảnh hưởng. Trong guồng quay ấy, việc đo đếm số liệu và làm báo cáo từ mỗi trạm phải hết sức khẩn trương, để Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương kịp thời truyền phát thông tin rộng rãi.

Khi được hỏi cơn bão nào khiến chị khó quên nhất, chị Dung cười lắc đầu. “Làm nghề “bắt bệnh” thời tiết, gặp nhiều bão quá nên thành quen, không ấn tượng riêng cơn bão nào nữa rồi. Bão mạnh quá, đổ cây đổ nhà, hỏng trang thiết bị là chuyện thường, thậm chí, từng có nhân viên Trạm trượt chân rơi xuống biển lúc đang làm nhiệm vụ, may mà cứu kịp”, chị Dung tâm sự.

Ở đảo nhiều hơn ở nhà

Quan trắc viên cứ vài năm lại thuyên chuyển về đất liền, riêng Trưởng Trạm Đào Thị Dung đã làm việc ở Trạm Hòn Dấu hơn 30 năm nay. Chị gắn bó với Trạm phần vì công việc, phần vì Trạm đã se duyên cho chị với một người con của đất Đồ Sơn. Anh Thu, chồng chị cũng làm quan trắc tại Trạm. Anh nói với giọng tự hào: 30 năm làm nghề, vợ chồng mình đã nắm các biểu hiện thời tiết quanh khu vực đảo Hòn Dấu trong lòng bàn tay. Thậm chí, khi chưa nhìn thông số hiện trên máy cũng có thể cảm nhận khá chính xác cấp gió là bao nhiêu.

Anh còn đùa rằng, nhà có “nghề gia truyền”. Con trai hiện,  đang công tác tại Trạm Khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ, con gái theo học Khoa Khí tượng thủy văn của trường Đại học TN&MT. Có thăm Trạm mới hiểu, thế hệ sau, đã vun đắp tình yêu khí tượng, thời tiết từ chính khoảng thời gian theo bố mẹ ở tại Trạm quan trắc. Chính vì thế, câu chuyện về những “gia đình khí tượng” đã trở nên quen thuộc với người trong ngành.

Hiện, Trạm Hòn Dấu đang có một thành viên nhỏ tuổi là bé Phương Uyên, con gái chị Nguyễn Thị Khuyên, nhân viên của Trạm. Chị Khuyên kể: Vừa hết kì nghỉ sinh, là chị đã mang bé ra đảo để tiện chăm sóc. Sau này, bé đến tuổi đi học, chị lại cho bé vào đất liền ở với ông bà. Con cái mọi người ở đây đều như vậy. Dù đảo Hòn Dấu cách đất liền chỉ 20 phút đi tàu, nhưng yêu cầu công việc bắt buộc các nhân viên thường xuyên phải bám Trạm, ăn ngủ trên đảo. Lắm lúc mưa bão cấm tàu thuyền, đảo còn bị cô lập nhiều ngày liền. Có khi vài tháng không về nhà là chuyện bình thường.

“Đây là Trạm gần bờ, đi lại tiện lợi nên còn có nhân viên nữ ra công tác. Với những Trạm trên đảo xa như Bạch Long Vỹ, Cô Tô hay Trường Sa, điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt nên toàn đàn ông”, chị Dung cho biết. Những năm gần đây, trạm đã được đầu tư cơ sở vật chất nên điều kiện sinh hoạt đã cải thiện hơn trước. Đảo nhỏ ít người, mọi người đều coi trạm như gia đình thứ hai của mình bởi thời gian ở đảo còn nhiều hơn ở nhà.

Bất kể nắng mưa, bão tố, những người làm công tác quan trắc vẫn lặng lẽ cung cấp thông tin khí hậu, thời tiết phục vụ mọi hoạt động của đời sống hằng ngày. Hòn Dấu nổi danh đảo ngọc từ xưa, nay, càng quý giá hơn vì có những con người như thế.

Khánh Ly