Sinh vật ngoại lai xâm hại vượt tầm kiểm soát
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2016
Quang cảnh hội thảo. |
Diễn biến thực tế vượt trước khả năng nhận diện…
Nhiều loại sinh vật lạ như ruồi vàng đục trái, rắn lục đuôi đỏ, rùa cá sấu, cá trê phi đen và nhiều loài thực vật lạ được những người nông dân thông thạo nắm bắt từ thực tiễn sản xuất tại địa phương nêu ra tại hội thảo nhưng các cán bộ chuyên môn của ngành NN&PTNT, TN&MT cùng chuyên gia nghiên cứu của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) chưa xác định được có phải là sinh vật ngoại lai xâm hại cần loại trừ vì không có liệt kê trong danh sách sinh vật ngoại lai xâm hại của thế giới.
Danh sách PGS.TS Trương Thị Nga đề cập tại hội thảo có tới 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới, trong đó giới thiệu danh mục chi tiết 49 loài sinh vật ngoại lai. Mặt khác, gần đây ngành TN&MT Cần Thơ đã tiến hành điều tra và ghi nhận trên địa bàn có 11 loài sinh vật ngoại lai xâm hại điển hình. Trong đó, có 6 loài thực vật ngoại lai xâm hại điển hình, phân bố diện rộng, thuộc 5 họ (Asteraceae, Bignoniaaceae, Fabaceae, Pontederiaceae và Verbenaceae) là cây mai dương, trinh nữ móc, lục bình, trăm ổi, cúc bò, sò đo cam. Có 5 loài động vật ngoại lai gây hại lớn đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương, thuộc 3 họ (Chrysomelidae, Pilidae, Loricariidae) là ốc bươu vàng, ốc sên châu Phi, bọ cánh cứng hại dừa, cá lau kính lớn, cá lau kính bé.
Cây mai dương |
Trên thực tế, tình hình xâm lấn của sinh vật ngoại lai xâm hạ đã diễn ra ở mức đáng lo. “Sự du nhập của nhiều loại sinh vật phi bản địa (nhiều nhất là thực vật) đã dần thích nghi. Trên địa bàn không còn hệ sinh thái nào đạt tiêu chí còn tự nhiên, tất cả đều đã có xáo trộn từ mức thấp cho đến cao” - Thạc sỹ Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ nhận định.
Bất cập trong tiếp cận tình hình…
Theo PGS.TS Trương Thị Nga, tới đầu thế kỷ XX, do thiếu thông tin, ở Việt Nam chưa chú ý đến các loài sinh vật ngoại lai xâm hại cũng như chưa biết đến tác hại của chúng. Loài sinh vật ngoại lai xâm hại được biết nhiều ở Việt Nam là bèo Nhật Bản (Eichhornia crassipes), có nguồn gốc từ Brazil, được du nhập vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1902, qua con đường Nhật Bản, để làm cảnh, rồi sau đó đã lan tràn khắp cả nước như một loài hoang dại.
Bà Nga nhấn mạnh rằng mới khoảng 20 năm gần đây, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, chuột hải ly, mọt cứng đốt, mai dương và bèo Nhật Bản đã gây nên sự chú ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý khi nó đã được du nhập vào nội địa và xuất hiện tần suất cao khắp vùng ĐBSCL do nhu cầu chơi cảnh và làm kinh tế thiếu ý thức bảo tồn giá trị đa dạng sinh học.
Bà Nga đơn cử, ốc bươu vàng có nguồn gốc từ Nam Mỹ nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với số lượng nhỏ để làm cảnh nhưng loài nhuyễn thể này bắt đầu trở thành vấn đề nghiêm trọng từ sau năm 1989 khi nó được nhập với số lượng lớn phục vụ mục đích nuôi xuất khẩu tại 2 trại ở Kiên Giang. Đến năm 1990, nó được di giống ra miền Bắc để nuôi thử nghiệm và cũng từ đó nó phát triển ở các phía Bắc với tốc độ rất nhanh. Chỉ 6 năm sau đó, nạn ốc bươu vàng đã bùng phát trên phạm vi cả nước, với tổng diện tích nhiễm hơn 15.305ha, trong đó có 8.602ha lúa, 590ha rau muống, 6.356ha ao hồ và hàng trăm kilomet sông ngòi, kênh mương.
Ốc bươu vàng |
Ốc bươu vàng đã làm thay đổi “lưới thức ăn” trong hệ sinh thái và có nguy cơ lai giống với nhiều loài ốc bản địa, dẫn đến suy giảm nguồn gen và đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Tổ chức nông lương thế giới (FAO) đã phải viện trợ khẩn cấp 250.000USD nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam diệt ốc bươu vàng. Cả nước phải huy động lực lượng và chi phí để diệt ốc bươu vàng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Quản lý lỏng, phản ứng chậm…
Cũng theo ghi nhận của PGS.TS Trương Thị Nga, những năm gần đây, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại du nhập vào nội địa xuất hiện tại vùng ĐBSCL qua con đường du lịch, kinh doanh xuất nhập khẩu phổ biến hơn và nhanh chóng xâm lấn trong hệ sinh thái bản địa rất đáng lo ngại.
Trên thực tế, tại các địa phương vùng ĐBSCL hiện đã và đang ngày càng bị xâm lấn rất mạnh và phổ biến của loài cá dọn bể (còn gọi là cá lau kiếng, cá tỳ bà). Loài cá này nguồn gốc từ Nam Mỹ, đã du nhập về Việt Nam chủ yếu từ Hồng Kông, Singapore theo dạng cá cảnh nhưng không biết du nhập từ thời điểm nào. Nó có khả năng sinh sản quanh năm, có thể sống không cần thức ăn suốt 1 tháng và ăn rong tảo, hút nhớt các loài cá, có nguy cơ lấn áp, lai giống các loài cá bản địa, rất khó diệt trừ.
Tình hình đó cũng giống như khi phong trào nuôi chuột Hamster đã xuất hiện khắp nơi, thì 2 năm gần đây cơ quan chuyên trách là Cục Thú y mới lên tiếng khẳng định đây là loài động vật gặm nhấm, sinh sản rất nhanh, có khả năng lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như dịch hạch, xoắn khuẩn. Và khi đó, họ mới yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển chuột Hamster nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người, không để chuột thoát ra ngoài gây hại mùa màng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Gần đây, một công ty thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã nhập 10kg tôm hùm nước ngọt (tên khoa học là Red Swamp Crawfish) gồm 504 con thả nuôi ở xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề. Giám đốc Cty này đã đề nghị Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho phép công ty nuôi tôm hùm khảo nghiệm trên diện tích 10ha với 1.000kg. Cơ quan chức năng đã phát hiện đây là loài tôm ít thịt, vỏ dày, hung dữ và sinh sôi rất nhanh, đe dọa tôm bản địa. Loài tôm này có đôi càng rất to khỏe, ưa đào hang trú ẩn, là mối nguy cho các công trình kênh mương, hệ thống thủy lợi…
Tôm hùm nước ngọt Mỹ |
Cách đây hơn 5 năm, Cty CP xuất nhập khẩu thủy sản cần Thơ (Casimex) đã nhập 40 tấn rùa tai đỏ - loài nằm trong danh sách cấm nhập khẩu và được IUCN xếp hàng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới về nuôi nhốt tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Mãi đến khi bị trộm phát tán ra ngoài, báo chí phát hiện vào cuộc, cơ quan chức năng mới phát hiện, doanh nghiệp này mới phải tiến hành tiêu hủy bằng cách giết thịt, cấp đông 18.330 con, tương đương 26.860kg, trước đó hơn 13.000kg đã bị phát tán ra thị trường. Loài rùa này có thể sống từ 50 – 70 năm. Khi thoát ra tự nhiên, nó sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái.
Phản ánh về sự phản ứng chậm chạp của cơ quan chức năng trong xử lý các tình huống phát sinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Cần Thơ) Nguyễn Tấn Nhơn, nói: “Khi cá lau kính và ốc bươu vàng đã lan tràn khắp vùng ĐBSCL chúng tôi có văn bản gửi Cục Bảo vệ Thực vật nhưng không thấy họ phản hồi”.
Cần củng cố hệ thống và giải pháp đồng bộ…
“Tác động của loài ngoại lai xâm hại đang ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh như suy giảm đa dạng sinh học, kinh tế, sức khỏe” - Ông Nguyễn Minh Thế nói. Tuy nhiên, thực tế rất khó kiểm soát sinh vật ngoại lai du nhập, xâm lấn cũng như các biện pháp khống chế tác hại khi nó đã thích nghi môi trường sống bản địa. Do đó, ông Thế cho rằng trong khi dân chúng và cán bộ quản lý còn ít chú ý thì nên tăng cường việc tuyên truyền và củng cố quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chức năng với chính quyền và cộng đồng cho nhịp nhàng, chặt chẽ.
Để ứng phó tình hình, PGS.TS Trương Thị Nga, cho rằng nên xử lý theo hướng loại trừ bằng cách nghiên cứu hướng dẫn sử dụng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại vào việc chế biến, phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Chẳng hạn, sử dụng cây lục bình chế biến phân bón vi sinh, đan hàng thủ công mỹ nghệ; khuyến khích bắt ốc bươu vàng chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản; bắt cá lau kính chế biến thực phẩm. “Nếu có thể nghiên cứu sử dụng cây mai dương làm nguyên liệu làm giấy công nghiệp thì chúng ta sẽ biến loài sinh vật ngoại lai xâm hại này trở thành có ích và có thể ngăn chặn được sự xâm hại của nó” – PGS.TS Nga, nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ đồng tình với việc nghiên cứu khoa học để tận dụng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. “Hiện nay cá lau kính đã được nhiều người bắt ăn thịt. Thịt của nó trắng và ăn cũng ngon. Tuy nhiên, cần phải có nghiên cứu, kiểm nghiệm khoa học về vi lượng tồn lưu trong thịt của nó vì loài này sống và ăn ở tầng đáy nên có nhiều khả năng nhiễm vi lượng chì. Nghiên cứu để hướng dẫn cho người sử dụng là cần thiết”- Ông Nhơn lưu ý cần phải đầu tư nghiên cứu khoa học.
Và để tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả, ông Thế kiến nghị Trung ương nên chú trọng hỗ trợ đầu tư cho nguồn nhân lực và công nghệ trong lĩnh vực này cùng với việc tăng cường cơ chế liên kết vùng, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học.
Hùng Long