Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí về hiện tượng mùi hôi ở khu Nam TP.HCM

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 31/08/2016

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Sở TN&MT TP.HCM đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp...

 

(TN&MT) - Chiều 31/8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Tại cuộc họp báo này, Phóng viên Kim Loan (Báo điện tử Zing.vn) đã đặt câu hỏi: "Vừa qua, cư dân TPHCM liên tục phản ánh bị tra tấn bởi mùi hôi và người dân nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Theo tôi biết, TPHCM đã báo cáo về hiện trạng này, xin hỏi Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo về xử lý ô nhiễm của khu vực này hay chưa? Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3, và bây giờ vẫn cao hơn 20%. Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của TP.HCM, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam. Các bộ, ngành hữu quan nhận định thế nào về những đánh giá trên?."

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 31/8/2016 - Ảnh: Việt Hùng
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 31/8/2016 - Ảnh: Việt Hùng

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết:

Hiện nay ở TPHCM, có hiện tượng mùi hôi gây khó khăn cho dân cư ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Quận 7. Về vấn đề này, UBND TPHCM và đặc biệt là Sở TN&MT đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. Qua ý kiến ban đầu, Sở TN&MT TP.HCM nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước cũng có thể là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, còn có Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình là những đơn vị xử lý bùn thải, bùn hầm cầu cũng bố trí gần khu vực này và cũng gây ra những ô nhiễm không khí. Sở TN&MT TP.HCM đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Bộ TN&MT cũng biết ở đây, việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp, với quy trình công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng như thế này ở Mỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số hạng mục liên quan tới xử lý nước thải (nước rác), bể chứa nước rác chưa hoàn thành. Đồng thời, quá trình xử lý rác thì liên quan đến quy trình nhận rác, liên quan đến sử dụng chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi thông qua công nghệ sinh học, vật lý. Ở đây, phải thu được khí phân hủy từ rác, thu gom được toàn bộ nước rác. Những vấn đề này, hiện nay Bộ TN&MT đang giao cho Sở TN&MT TP.HCM trực tiếp kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể.

Về giá xử lý, quy hoạch và công nghệ, hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều. Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt. Chôn lấp được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay với quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học, được tính toán khá hoàn thiện. Tuy nhiên, cần có đánh giá, kiểm tra thật kỹ là Công ty này đã áp dụng đầy đủ quy trình, công nghệ đó chưa cũng như phải sử dụng chế phẩm sinh học trong khử mùi và kích thích phân hủy rác.

Còn về bài toán quy hoạch, TPHCM cũng đã nói, cách đây 5 năm, đây là vùng hoang sơ, thuộc huyện Nhà Bè, nên việc bố trí ở đây có vẻ hợp lý. Nhưng với tốc độ phát triển, tăng trưởng như hiện nay, bài toán về xử lý chất thải phải tính toán quy hoạch theo vùng, phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, có cơ chế phối hợp của Thành phố với các địa phương khác để quy hoạch dài hạn. Khi đã quy hoạch các bãi xử lý chất thải, chôn lấp, đương nhiên việc bố trí các khu dân cư, đô thị sẽ luôn có xung đột trên thực tế. Ở tất cả các nước, người ta cố gắng sao cho quy hoạch này tốt nhất, xa nhất. Nhưng có lẽ, về lâu dài, cần phải áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại là thiêu đốt và phát điện, chỉ khi đó mới phù hợp với điều kiện của đất nước ta, cũng như giải quyết triệt để vấn đề môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, và khi đốt phải quan tâm tới vấn đề khí thải.

Tôi cho rằng việc đánh giá về giá thành, UBND TP.HCM đã cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn doanh nghiệp, tính toán giá thành. Tôi sẽ không bình luận giá hợp lý hay không. Phần này để TP.HCM sẽ có thông tin đầy đủ.

Việt Hùng (lược ghi)