Phù Cừ (Hưng Yên): Trại lợn "đầu độc" người dân
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/08/2016
Dân hàng ngày “hít” mùi phân lợn
Theo phản ánh của người dân thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) về trại lợn của ông Nguyễn Văn Chương “tọa lạc” trong thôn đang từng ngày “đầu độc” môi trường sống của hàng trăm hộ dân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Trước đây, ông Chương nuôi lợn thương phẩm với quy mô nhỏ, vài năm trở lại đây gia đình ông Chương mở rộng trại lợn trên diện tích gần 720m2, với hệ thống chuồng trại kiên cố và nuôi có thời điểm nuôi gần nghìn con.
Dù trại nuôi lợn của ông Chương đã đầu tư xây dựng hệ thống bioga để xử lí và tận dụng nguồn phân thải, nhưng do chưa đạt yêu cầu và nuôi với số lượng lợn lớn nên nước thải tràn ra ngoài, qua hệ thống cống, vào mương nước gần đó. Mương nước này, là nguồn nước phục vụ cho sản xuất của người dân trong thôn, nay đặc quánh do phân lợn “ứ đọng”. Mùi hôi thối “phả” vào trong thôn, làm cho hàng trăm hộ gia đình luôn sống trong bầu không khí “ngạt thở”.
Nước thải trại lợn có màu đen kịt, thối nồng nặc chảy ra mương |
Về thôn An Cầu, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân và phản ánh của họ quả chẳng sai, dù thôn rất rộng nhưng đứng ở đâu cũng hít phải mùi không khí thối “khẳm”. Mùi đặc trưng trong thôn, mà bao năm qua, người dân ở đây phải chịu như tra tấn là phát sinh ra từ trang trại lợn của nhà ông Chương. Mùi hôi thối, nước bị ô nhiễm đã khiến cho trẻ con, người già trong làng bị mắc nhiều chứng bệnh về hô hấp.
Các hộ gia đình trong thôn đều rất bức xúc vì sống cảnh ô nhiễm nặng từ trại lợn của ông Chương, nhưng vì “tình làng nghĩa xóm” nên họ chỉ đến góp ý, chứ không viết đơn gửi đến cơ quan chức năng. Như gia đình anh Nguyễn Văn Biên là một ví dụ. Anh Biên đã nhiều lần góp ý với ông Chương về việc xử lý nước thải từ trang trại để không tràn ra mương, hạn chế mùi hôi thối. Nhưng ô nhiễm từ trại lợn này vẫn không hề được cải thiện, nước thải vẫn ngày đêm “vô tư” tràn ra mương và nhà anh Biên phải đành phải dùng giải pháp, bất kể ngày hay đêm đều phải đóng kín cửa để chặn mùi thối bay vào trong nhà.
“Mỗi lần có việc phải qua trại lợn của ông Chương, tôi đều phải bịt mũi đi cho thật nhanh, không ói ra vì mùi phân lợn nồng nặc. Vào những ngày trời nắng nóng thì mùi thối bốc lên khủng khiếp, nên khi đi qua không những buồn nôn mà còn đầu óc còn quay cuồng như người bị cảm nặng” - chị Nguyễn Thị Bình nói về trại lợn nhà ông Chương.
Chính quyền cơ sở ở đâu?
Với một trại nuôi có thời điểm nuôi đến 1.000 con lợn (cả lợn nái, lợn con, lợn thịt) gây ô nhiễm môi trường cả thôn, nhưng khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, ông Chương thản nhiên nói: “Gia đình tôi mở rộng trại nuôi lợn đã được vài năm nay, không cần báo cáo với chính cơ sở và các cơ quan chức năng. Bởi từ trước đến nay, tôi từ nuôi lợn thương phẩm nhỏ lẻ đến phát triển thành trang trại chăn nuôi; chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng chưa hề bước chân đến kiểm tra”. Chính vì vậy, gia đình ông Chương cứ “vô tư” nuôi đến hàng nghìn con lợn, mà không cần thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, cũng là điều đương nhiên.
Trại lợn của ông Nguyễn Văn Chương, có thời điểm nuôi gần 1.000 con nhưng không có cam kết bảo vệ môi trường |
Ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Tống Trân, thừa nhận trên địa bàn xã không riêng gì gia đình ông Chương, mà có nhiều hộ gia đình chăn nuôi tương tự. Các hộ chăn nuôi đều tự phát, bởi xã không có khu quy hoạch chăn nuôi riêng, dù các gia đình chăn nuôi đều làm mô hình biogas nhưng chỉ đáp ứng với chăn nuôi nhỏ lẻ vài chục con. Do vài năm trở lại đây, nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đa số các hộ này đều mở rộng thêm chuồng trại, chăn nuôi lên đến hàng trăm con.
Các hộ chăn nuôi này đều giống như nhà ông Chương không báo cáo chính quyền, cơ quan chức năng và không có cam kết bảo vệ môi trường… Xã chỉ nhắc nhở những hộ gia đình chăn nuôi đảm bảo về môi trường, chứ không kiểm tra để biết hộ nào đã có đầy đủ thủ tục cần thiết, được chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại.
Qua buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, xã mới được biết những hộ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại phải có cam kết bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước… Qua đây, xã rút kinh nghiệm, kiểm tra các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn và báo cáo bằng văn bản về huyện để kịp thời có giải pháp.
Ông Lê Xuân Mai, Trưởng phòng, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phù Cừ không hề biết ở thôn An Cầu, xã Tống Trân lại đang “tồn tại” trang trại lợn lớn với gần 1.000 con nhưng chưa hề có Bản cam kết bảo vệ môi trường, làm ô nhiễm môi trường như việc phóng viên cho biết. Để xác nhận “thực hư” sự việc, ông Mai gọi điện hỏi Chủ tịch UBND xã Tống Trân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Mai: Do xã Tống Trân không báo cáo các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn với phòng Tài nguyên & Môi trường, nên phòng không biết tại thôn An Cầu có một trại nuôi lợn lớn không đăng ký bảo vệ môi trường. Phòng sẽ nhanh chóng tổ chức đoàn xuống thôn An Cầu kiểm tra hộ chăn nuôi của ông Chương và có biện pháp xử lý nghiêm về hộ chăn nuôi không đủ thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến môi trường như phản ánh của người dân.
Từ việc, phản ánh của người dân thôn An Cầu về ô nhiễm môi trường trại lợn của ông Nguyễn Văn Chương thì chính quyền xã Tống Trân mới biết trại nuôi lợn cần phải làm thủ tục về môi trường, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phù Cừ mới hay có trại nuôi lợn. Còn người dân bao năm qua chịu cảnh bị “đầu độc” môi trường sống, vậy ai là người chịu trách nhiệm?
Mong các cấp, ban, ngành tỉnh Hưng Yên sớm vào cuộc để người dân thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ có được môi trường sống trong lành!
Bài & ảnh: Khánh Phương