Đà Nẵng ra "tối hậu thư" buộc cơ sở SX nhỏ lập hồ sơ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 22/08/2016
Trước tình trạng môi trường khu dân cư bị ô nhiễm đang nóng lên từng ngày, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tất cả các cơ sở nêu trên phải lập hồ sơ môi trường trình |
Như Báo Điện tử TN&MT đã thông tin trước đó, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra đột xuất về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm “nóng” trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Theo đó, đoàn công tác đột xuất này đã kiểm tra tại khu vực cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) và lấy mẫu cá, nước biển tại khu vực. Đoàn kiểm tra đột xuất này cũng tiến hành kiểm tra tại chợ đầu mối Hòa Cường. Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp rau, củ, quả và thực phẩm phần lớn cho TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đến kiểm tra đột xuất và lấy mẫu tại khu vực giết mổ ở Đà Sơn (quận Liên Chiểu).
Trong đó, đáng nói nhất, việc lấy mẫu và thực hiện các các bước đo mức độ ô nhiễm môi trường đối với Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng đã được tiến hành. Cơ quan chức năng Đà Nẵng đã phát hiện cơ sở này xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường. Cụ thể, kết quả kiểm tra lấy mẫu nước tại Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng đêm 20/5, phát hiện vi khuẩn coliform trong nước cao gấp 3.600 lần tiêu chuẩn cho phép trong nước dùng cho các cơ sở chế biến thực phẩm của Bộ Y tế. Trong khu giết mổ bò, đơn vị này không dùng nước máy. Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, lò mổ này chỉ hợp đồng dùng… 5 khối nước/ngày, trong khi mỗi đêm giết mổ gần 1.200 con gia súc, gia cầm.
Kết quả kiểm tra lấy mẫu nước tại Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng đêm 20/5, phát hiện vi khuẩn coliform trong nước cao gấp 3.600 lần tiêu chuẩn cho phép trong nước dùng cho các cơ sở chế biến thực phẩm của Bộ Y tế |
Ngay lập tức, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng phải xây dựng, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải và xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường với thời hạn thực hiện là 5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm này xuống cấp trầm trọng, nước thải xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm từ lâu, đặc biệt là nước thải đổ ra sông Phú Lộc rồi ra biển rất nguy hiểm. Ngoài ra, cơ sở này đã bị kiểm tra và xử phạt nhiều lần, đơn vị cũng nhiều lần hứa khắc phục nhưng chỉ hứa rồi để đó.
Qua tìm hiểu, được biết, Đà Nẵng còn có nhiều địa điểm sản xuất nhỏ lẻ khác gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Trạm trộn bê-tông Đăng Hải ở góc đường Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Đức Thuận (thuộc tổ 95 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) là một minh chứng. Theo người dân nơi đây cho biết, cảnh ô nhiễm môi trường do trạm trộn bê-tông Đăng Hải gây ra đã khá lâu. Ban đêm, máy trộn bê-tông chạy ầm ầm làm nhiều người ngủ không yên giấc. Còn những hôm trời gió, bụi xi-măng, bụi đá bay mù mịt vào nhà. Xe tải, xe ben chạy ầm ầm suốt cả ngày trên đường khiến trẻ con không dám bước chân ra khỏi nhà... “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng di dời trạm trộn bê-tông này đi nơi khác, nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết”, một người dân tổ 95 nói.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra đột xuất về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm “nóng” trên địa bàn |
Trên đây chỉ là hai đơn vị gây ô nhiễm, qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ khác trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư đang nóng lên từng ngày, cách đây vài ngày, UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất phát sinh mùi hôi, tiếng ồn, khí thải... làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực.
Đồng thời, rà soát tổng thể tình hình hoạt động sản xuất và yêu cầu tất cả các cơ sở nêu trên phải lập hồ sơ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phê duyệt theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, yêu cầu báo cáo UBND thành phố thông qua cơ quan đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở này tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố biện pháp xử lý trong tháng 8/2016.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tất cả các cơ sở nêu trên phải lập hồ sơ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phê duyệt theo quy định trong tháng 8 này |
UBND TP. Đà Nẵng cũng giao nhiệm vụ cho Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Cẩm Lệ sớm triển khai các thủ tục liên quan đến quy hoạch khu công nghiệp phía Tây KCN Hòa Cầm, trong đó có khoảng 40 ha để quy hoạch bố trí các cơ sở di dời, cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn.
Bài & ảnh: Xuân Lam