Nghệ An: Khó khăn trong xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/08/2016
Nhiều đơn vị tích cực xử lý
Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020; phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động thanh kiểm tra, xử lý và tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan (Sở Y tế, Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện, thành, thị…) để đẩy nhanh việc xử lý triệt để đối với các cơ sở này.
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An thì hiện nay có 08 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để (bao gồm Công ty dầu thực vật Vinh, nay là Chi nhánh Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An; Khu khai thác thiếc Quỳ Hợp; Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh; Nhà máy da Vinh; Điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại Kho Dùng, huyện Thanh Chương; Trang trại bò sữa Nghệ An – Chi nhánh Công ty TNHH MTV bò sữa Việt Nam (Vinamilk); Kho thuốc bảo vệ thực vật xã Kim Liên - thôn Mậu II, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; Nhà máy CB thủy sản Nghệ An II - Xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu).
Hơn 100 nghìn tấn rác thải nằm “án binh bất động” tại bãi rác Đông Vinh |
Riêng đối với các cơ sở còn lại, có 19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, 16 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có báo cáo việc hoàn thành khắc phục, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Tại bãi rác Thị xã Thái Hòa trước đây UBND tỉnh Nghệ An có QĐ 3750/QĐ-UBND-ĐC ngày 15/9/2011 và sau đó là Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 01/10/2013 về việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như không có hệ thống thu gom, thoát nước mặt; xử lý nước rỉ rác; không có tường rào cách ly vì thế nước thải vượt QCVN. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2483/QĐ-UBND.ĐN ngày 29/6/2011 phê duyệt dự án xử lý triệt để ONMT với tổng kinh phí 28.120.607.000 đồng, giao UBND thị xã Thái Hòa làm chủ đầu tư. Hiện nay dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách TW và ngân sách tỉnh.
Hay bãi rác thị xã Cửa Lò - thị xã Cửa Lò, không có hệ thống thu gom, thoát nước mặt; xử lý nước rỉ rác; không có tường rào cách ly; nước thải vượt QCVN. Vì thế, UBND tỉnh Nghệ An cũng đưa vào Quyết định số 2483/QĐ-UBND.ĐN ngày 29/6/2011 phê duyệt dự án xử lý triệt để ONMT với tổng kinh phí 28 tỷ đồng, giao UBND thị xã Cửa Lò làm chủ đầu tư dự án. Hiện nay dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách TW và ngân sách tỉnh tương tự như Bãi rác thị xã Thái Hòa.
Nhà máy chế biến sắn xuất khẩu Nghệ An - Xã Thanh Ngọc, Thanh Chương (thuộc Chi nhánh cty XNK Intermex tại Nghệ An) gây ô nhiễm môi trường do nước thải đầu ra vượt QCVN như SS vượt 10,9 lần, BOD5 vượt 9,7 lần, COD vượt 20 lần, CN‑ vượt 3,3 lần. Vì thế UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 3125/QĐ.UBND.ĐC ngày 21/7/2010 về ô nhiễm môi trường và yêu cầu khắc phục hệ thống xử lý nước thải. Do vậy, đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 1400 m3/ngày đêm với công nghệ biogas. Đồng thời tiến hành xây dựng thêm 01 hồ arotank 5.000 m2 vào hệ thống xử lý nước thải; vì thế đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường của đơn vị đã không còn tồn tại.
Không ít cơ sở “chây ì”?
Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An thì trong số các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiện nay còn 12 đơn vị chưa triển khai các biện pháp khắc phục.
Trong đó, có 4 bệnh viện gồm Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Nghệ An; Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh; Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An và Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An. 5 bãi rác gồm Bãi rác huyện Diễn Châu; Bãi rác thị trấn Nam Đàn; Bãi rác Tân Kỳ; Bãi rác Hưng Nguyên và Bãi rác Đông Vinh. Ngoài ra, 3 cơ sở còn lại gồm Trung tâm giáo dục lao động xã hội II Nghệ An - xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc; Xưởng nghiền tinh bột cá - Xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu và Xưởng chế biến bột sắn và dong riềng xã Nghĩa Đức, Huyện Nghĩa Đàn.
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Nghệ An chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn cũng như nước thải vượt QCVN. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đưa đơn vị này vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTG ngày 22/4/2003. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm trôi qua nhưng do nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về vốn đầu tư cũng như công nghệ xử lý nên yêu cầu về xây dựng hệ thống xử lý nước thải và rác thải y tế đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Nước rỉ rác từ bãi rác Đông Vinh đen ngòm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Bãi rác Đông Vinh (xã Hưng Đông – TP Vinh) đã được hình thành từ hàng chục năm trước. Do đã quá tải từ lâu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân tại hai xã Nghi Kim và Hưng Đông nên tỉnh Nghệ An đã chủ trương đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên để thay thế. Vì vậy, năm 2011, bãi rác này chính thức được đóng cửa và hiện nay đang tồn đọng hơn 100 nghìn tấn rác thải.
Theo kết quả quan trắc của cơ quan chức năng thì tỷ lệ ô nhiễm kim loại nặng (đặc biệt là hàm lượng Cu) hết sức nghiêm trọng. Chính vì thế, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa Bãi rác Đông Vinh vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm theo Quyết định 2053/QĐ-UBND ngày 14/5/2014, yêu cầu di chuyển lượng rác còn tồn đọng cũng như xử lý ô nhiễm môi trường triệt để tại bãi rác. Tuy nhiên, cho đến nay hơn 100 nghìn tấn rác nói trên vẫn đang nằm “án binh bất động”.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng – Trưởng phòng quản lý đô thị TP Vinh, cho biết: “Hiện, bãi rác Đông Vinh đang tồn đọng khoảng trên 100 nghìn tấn rác là có thật, điều này khiến cho môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Kế hoạch là sẽ di chuyển bãi rác và xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay do có sự thay đổi về chính sách đầu tư công nên vừa qua Phòng kế hoạch của UBND TP Vinh mới trình phương án mới lên tỉnh để cấp trên duyệt”.
Ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết: “Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở gây ô nhiễm thực hiện các biện pháp xử lý triệt để theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, số cơ sở gây ô nhiễm được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để còn khá khiêm tốn. Lý do là các cơ sở thuộc khu vực công ích (bệnh viện, bãi rác…) nên việc đầu tư cho các công trình xử lý triệt để đối với các cơ sơ này đòi hỏi công nghệ, chi phí rất cao, bên cạnh đó các cơ sở không chỉ đông được nguồn kinh phí, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách bố trí. Nên tiến độ xử lý tại các cơ sở này thường chậm so với thời gian quy định”.
Đình Tiệp