CEPF tôn vinh 15 nhân vật nổi bật cho những nỗ lực bảo tồn toàn cầu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 29/07/2016

(TN&MT) – Qũy Đối tác về các hệ sinh thái quan trọng (CEPF)  vừa công nhận danh hiệu "Hotspot Heroes" cho 15 nhân vật tiêu biểu với những nỗ lực của họ trong công tác bảo tồn hệ sinh thái quan trọng trên thế giới.

CEPF lựa chọn các anh hùng từ trong số hơn 2.000 tổ chức của quỹ trên toàn cầu. Hotspot Heroes tôn vinh các nhà bảo tồn đã có những đóng góp xuất sắc cho việc bảo tồn các điểm nóng về đa dạng sinh học; khu vực đất liền trên thế giới bị đe dọa cao nhất về đa dạng sinh học. Những người anh hùng này là những người làm việc với CEPF để làm cho các hệ sinh thái quan trọng nhất định có thể tiếp tục cung cấp không khí sạch, nước ngọt, đất khỏe mạnh, sinh kế bền vững cũng như khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và nhiều hơn nữa.

CEPF là sáng kiến ​​chung của Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Bảo tồn quốc tế, Liên minh Châu Âu, Qũy Môi trường toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ MacArthur và Ngân hàng Thế giới. CEPF tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự đang làm việc để bảo tồn các điểm nóng đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi.

Danh sách 15 Hotspot Heroes được CEPF tôn vinh cho những nỗ lực bảo tồn toàn cầu
Danh sách 15 Hotspot Heroes được CEPF tôn vinh cho những nỗ lực bảo tồn toàn cầu

CEPF sẽ tôn vinh các anh hùng Hotspot vào ngày 4/9 tại Bảo tàng Bishop ở Honolulu – Hawaii, kết hợp với Hội nghị Bảo tồn Thế giới của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) diễn ra từ ngày 1/9 – 10/9 tại Honolulu.

Một trong những Hotspot Heroes ở châu Á nổi bật là Tiến sĩ Đào Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD). Bà Đào Thị Nga là người đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD), một tổ chức phi chính phủ Việt Nam tập trung vào nguồn nước trong nước, chủ yếu là các con sông. Mục đích của tổ chức này nhằm bảo vệ không chỉ đa dạng sinh học của nguồn nước mà cả hạnh phúc của cộng đồng phụ thuộc vào những hệ sinh thái.

Trên cương vị giám đốc của WARECOD, Tiến sĩ Nga đã có công trong việc thử nghiệm cộng đồng quản lý nghề cá ở Việt Nam, làm việc với người dân bản địa và cộng đồng địa phương khác ở phía bắc của nước ta để phát triển các mô hình làm việc có thể hỗ trợ cho chính sách phát triển và tiến tới nhân rộng . Từ năm 2009, những nỗ lực này đã được hỗ trợ bởi CEPF thông qua việc thành lập các mô hình trình diễn và áp dụng các quy định về đồng quản lý nguồn lợi thủy sản của chính quyền tỉnh Tuyên Quang.

Tuyết Chinh