Gắn trách nhiệm quản lý vùng đới bờ
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/07/2016
Thực hiện các giải pháp cân đối, hài hòa lợi ích khai thác kinh tế với bảo vệ môi trường vùng ven biển. Ảnh: MH |
Kết quả chưa như mong muốn
Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như PEMSEA, GIZ, từ năm 2000, Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) đã được giới thiệu tại Việt Nam. So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã tiếp cận phương thức quản lý này khá sớm. Việt Nam phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với 14 tỉnh vào năm 2007. Với phương thức quản lý dựa vào hệ sinh thái, cân đối lợi ích của các ngành kinh tế cùng khai thác biển, vùng ven biển gắn với bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái biển, hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực của tất cả các địa phương ven biển.
Thế nhưng, trên thực tế, rất ít địa phương có được hiệu quả cao nhất từ việc thực hiện phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ bởi nhưng mối liên kết Bộ, ngành quản lý còn khá lỏng lẻo, chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương với những hoạt động phát triển kinh tế với các ngành có nguy cơ làm tổn thương môi trường. Có vấn đề này, một mặt là do thể chế về quản lý tổng họp vùng bờ còn yếu và thiếu, mặt khác, do đây là chương trình khuyến khích, thử nghiệm, nên tổng kết chương trình diễn ra trong vòng hơn 10 năm, chỉ có thành phố biển Đà Nẵng là đạt được kết quả mong đợi, trở thành mô hình điểm. Còn lại các địa phương, chưa thực sự thấy những kết quả rõ ràng, thậm chí, một số tỉnh ven biển như Hà Tĩnh là một trong những tỉnh nằm trong Chiến lược thực hiện giai đoạn đầu, song vẫn cấp phép cho những hoạt động dễ tổn thương môi trường ở vùng ven biển là nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong việc thiếu cân nhắc giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển.
Đánh giá về thực trạng vùng bờ trong ngày công bố Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, việc chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất ở vùng ven biển và ven bờ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng xói lở dọc bờ biển, đặc biệt là vùng biển Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra phức tạp, thường xuyên với phạm vi và quy mô lớn khiến môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu. Trong khi đó, chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành ở cấp Trung ương, Trung ương với địa phương trong quản lý các hoạt động khai thác sử dụng biển.
Quy trách nhiệm cụ thể
Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và ký Quyết định số 975/QĐ-TTg thành lập Ban điều phối thực hiện Chiến lược, Bộ TNMT đã xây dựng Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban điều phối thực hiện Chiến lược, trong đó, nêu rõ: Ban điều phối thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện Chiến lược trên phạm vi cả nước. Trong đó, Trưởng ban phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban điều phối; Phó Trưởng ban thường trực chịu trách nhiệm trước Trưởng ban điều phối về các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công; thay mặt Trưởng ban chủ trì, điều hành hoạt động chung của Ban điều phối khi Trưởng ban vắng hoặc được Trưởng ban ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban điều phối theo sự ủy nhiệm của Trưởng ban. Các Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban điều phối về các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công; giúp Trưởng ban xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban điều phối và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Trong đó, có một Phó Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ Tài chính có nhiệm vụ Chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống tài chính cho các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án về quản lý tổng hợp vùng bờ, đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ với các chính sách tài chính trong nước và quốc tế. Giúp Trưởng ban điều phối chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các Bộ, ngành và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển huy động, bố trí, phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án về quản lý tổng hợp vùng bờ; đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng kinh phí cho các hoạt động trên.
Các thành viên thuộc Ban là lãnh đạo địa phương, các Bộ, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm trước Trưởng ban điều phối về việc tham mưu các nhiệm vụ có liên quan đến quản lý tổng hợp vùng bờ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương mình phụ trách; Theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ do Bộ, ngành và địa phương mình chủ trì; Điều phối hoạt động phối hợp liên ngành, liên tỉnh liên quan đến quản lý tổng hợp vùng bờ; nghiên cứu, phát hiện những vấn đề, nhiệm vụ mới phát sinh liên quan đến công tác quản lý tổng hợp vùng bờ thuộc lĩnh vực Bộ, ngành, địa phương được phân công quản lý và đề xuất biện pháp giải quyết với Trưởng ban điều phối. Đồng thời, phải có trách nhiệm tham vấn các vấn đề quan trọng, có liên quan đến khai thác, sử dụng không gian và tài nguyên biển nhằm phát triển kinh tế xã hội bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Hy vọng rằng, với một quy chế thực hiện sát thực, gắn trách nhiệm rõ ràng với từng thành viên trong một Chương trình lớn của đất nước phục vụ phát triển và bảo vệ TN&MT cũng như kinh tế biển, đảo, hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ sẽ dần đi vào thực tiễn, là phương thức quản lý hữu hiệu cho các địa phương ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.
K.Liên