7 nguyên tắc ứng phó sự cố hóa chất độc
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/07/2016
Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc nêu rõ: Căn cứ vào mức độ sự cố hóa chất độc, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp.
Ba cấp ứng phó gồm: Cấp cơ sở; cấp tỉnh; Cấp Quốc gia. Trong đó, ứng phó cấp cơ sở thực hiện khi sự cố hóa chất độc xảy ra trong phạm vi quản lý của cơ sở hóa chất độc hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hoá chất độc của cơ sở hóa chất độc, trong khả năng ứng phó của cơ sở.
Ảnh mình họa |
Ứng phó cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), khi xảy ra một trong các trường hợp: 1- Sự cố hóa chất độc vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở; 2- Sự cố hoá chất độc nhưng chưa xác định được nguồn gốc trong phạm vi quản lý của tỉnh.
Ứng phó cấp Quốc gia, khi xảy ra một trong các trường hợp: 1- Sự cố hoá chất độc có nguy cơ phát tán lượng hóa chất vượt ngưỡng khối lượng quy định hoặc vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh; 2- Sự cố hóa chất độc xảy ra trên biển ngoài phạm vi quản lý hành chính của tỉnh hoặc sự cố hoá chất độc nhưng chưa xác định được nguồn gốc có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều tỉnh; 3- Sự cố hóa chất độc xảy ra tại các công trình trọng điểm quốc gia trong phạm vi quản lý của tỉnh.
Hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc phải thực hiện theo nguyên tắc: 1- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất độc; 2- Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố hóa chất độc kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó; 3- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố hóa chất độc, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường; 4- Chủ động ứng phó gần nguồn hóa chất độc để ngăn chặn, hạn chế hóa chất độc rò rỉ, phát tán ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa hóa chất độc vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ; 5- Đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong ứng phó sự cố; 6- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó; 7- Bên gây ra sự cố hóa chất độc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố hóa chất độc gây ra theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định rõ công tác chuẩn bị ứng phó, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố hóa chất độc và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với sự cố hóa chất độc trên trên lãnh thổ và trên các vùng biển Việt Nam.
PV