Phú Yên: Tập trung giải quyết nước sinh hoạt cho người dân

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/06/2016

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra trên diện rộng. Lượng nước mặt trên các sông, suối cùng với lượng nước ngầm suy giảm mạnh. Tỉnh Phú Yên đang ra sức tìm giải pháp để cung ứng đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Lượng nước mặt trên các sông, suối cùng với lượng nước ngầm suy giảm mạnh.
Lượng nước mặt trên các sông, suối cùng với lượng nước ngầm suy giảm mạnh.

Thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng

Nếu như cách đây khoảng 3 tháng, tỉnh Phú Yên có 2.666 hộ vùng ven biển thuộc huyện Tuy An và thị xã (TX) Sông Cầu thiếu nước sinh hoạt cục bộ thì đến nay, theo thống kê của Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, tất cả các huyện, thị xã có đến 13.309 hộ thiếu nước sinh hoạt, tăng 7.703 hộ so với cuối tháng 4. Thành phố Tuy Hòa đã xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn tại 324 hộ ở thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc) nên người dân phải mua nước bình về dùng.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên, các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu là những địa phương đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhất, với hơn 11.200 hộ. Các giếng nước đều khô cạn hoặc nhiễm mặn, nước máy không đủ cung cấp. Các hộ dân phải lấy nước từ các con suối để làm nước sinh hoạt nhưng rồi suối cũng cạn nước, muốn lấy nước mỗi hộ phải có một người đứng canh chờ tới lượt. Mỗi ngày bình quân mỗi nhà chỉ lấy được 20 lít nước từ suối không đủ dùng chứ chưa nói đến nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Ở nhiều nơi, người dân phải mua nước về sử dụng. Lúc đầu, 1m3 nước chở đến nhà khoảng 60.000 đồng, nhưng hiện nay đã tăng lên 100.000 đồng/m3 nước. Thu nhập không đủ để mua nước mà nhiều lúc cũng không có nước để mua vì nguồn nước sinh hoạt đang thiếu hụt trên diện rộng, đâu đâu cũng thiếu nước.

Qua khảo sát cho thấy, địa phương thiếu nước sinh hoạt nhiều nhất là huyện miền núi Sơn Hòa với 3.264 hộ tại 9 xã; trong đó có xã Sơn Định có hơn 500 hộ dân nhưng đã có gần 40% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Còn tại huyện Tuy An dự báo, nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, đến cuối tháng 5/2016 trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 4.430 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nghiêm trọng hơn là thiếu nước uống.

Với tình trạng nắng nóng kéo dài và mưa tiểu mãn nhỏ sẽ làm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên  bị cạn kiệt trên diện rộng. Mặt khác, nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư tiền tỷ hoạt động kém hiệu quả cũng là một thực trạng dẫn đến người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng. Được biết, tính đến năm 2014, toàn tỉnh Phú Yên đã xây dựng được hơn 90 công trình cấp nước tập trung, trước năm 2012 xây dựng 78 công trình. Qua kiểm tra, có hơn 30 công trình hoạt động bền vững, 24 công trình hoạt động bình thường, năm công trình hoạt động kém hiệu quả và 18 công trình ngưng hoạt động.

Các công trình nước sinh hoạt đã xuống cấp, nguồn nước không đảm bảo, số người sử dụng tăng lên dẫn đến người dân thiếu nước sinh hoạt, các đàn gia súc gia cầm khát nước, cây trồng chết khô. Tất cả chỉ biết chờ mưa.

Mỗi địa phương một giải pháp

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, tỉnh Phú Yên đã ưu tiên giải quyết các hạng mục chống hạn, đưa giải pháp tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân lên hàng đầu. Các địa phương nằm trong danh sách thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân đã chủ động triển khai các giải pháp kịp thời cung ứng nguồn nước cho người dân.

Giải pháp để giải quyết nước sinh hoạt trước mắt cho người dân miền núi hiện nay chỉ còn cách khoan giếng, nhưng khoan giếng trong thời điểm này chỉ sợ  sẽ không có nước hoặc nguồn nước không đảm bảo. Tại huyện Sơn Hòa, đối với các công trình cấp nước nông thôn tập trung tại các xã đang còn hoạt động, UBND huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo cấp nước luân phiên cho từng cụm dân cư, vận động nhân dân xây bể chứa để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Đối với các địa phương, các khu dân cư thiếu nước trầm trọng, UBND huyện đã chỉ đạo cấp bách khoan giếng để phục vụ nước uống cho dân còn kinh phí sẽ xin hỗ trợ sau.

Ở huyện miền núi Sông Hinh, trong đầu tư, quản lý, vận hành các công trình nước, UBND huyện giao cho Phòng Dân tộc lồng ghép các nguồn vốn dành cho nước sạch tập trung, kể cả Chương trình 135 để thực hiện. Đồng thời ra chủ trương, đơn vị nào đầu tư xây dựng, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và trả lương nhân viên, chứ không giao cho doanh nghiệp và địa phương vì phần lớn đều mang lại hiệu quả không cao hoặc thất bại. Thực tế cho thấy, các công trình nước sinh hoạt tập trung của huyện Sông Hinh không những hoạt động tốt mà còn có lãi từ thu phí tiền nước theo giá quy định của UBND tỉnh Phú Yên.

UBND huyện Tuy An đã chỉ đạo các địa phương miền núi, trung du tiến hành nạo vét những giếng còn nước, đào hoặc khoan thêm giếng mới ở những nơi có điều kiện để cấp nước cho dân. Các xã đồng bằng và ven biển có nguy cơ nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn cần tăng cường vận động người dân sử dụng hệ thống lọc theo phương pháp truyền thống, đồng thời sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước nông thôn tập trung tại các xã để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Trường hợp cấp bách, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực để vận chuyển nước sạch phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân.

Người dân các huyện miền núi tỉnh Phú Yên phải chắt chiu từng giọt nước trong mùa nắng hạn
Người dân các huyện miền núi tỉnh Phú Yên phải chắt chiu từng giọt nước trong mùa nắng hạn

Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên sẽ tiến hành tổng kiểm tra toàn diện các công trình nước sạch. Nhất là những công trình hoạt động không hiệu quả để có biện pháp đầu tư sửa chữa kịp thời hoặc xây dựng mới; đồng thời trên cơ sở đó đưa ra con số chính thức về tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch đúng với thực tế để điều chỉnh chính sách đầu tư phù hợp. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp với các sở, ngành đang kiểm tra, tổng hợp tình hình thực tế thiếu nước sinh hoạt hiện nay của các địa phương trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo với Bộ NN&PTNT và Chính phủ có giải pháp hỗ trợ địa phương khắc phục.

Tỉnh cũng tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng như các ngành: Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc - Miền núi… tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc nâng cao ý thức bảo vệ công trình, sử dụng nước tiết kiệm và có trách nhiệm thanh toán tiền nước đã sử dụng qua chỉ số các đồng hồ được lắp đặt tại từng gia đình.

Vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản cấp tốc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 169 tỉ đồng. Trong đó, 45 tỉ đồng chống hạn, giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho người dân và 124 tỉ đồng sửa chữa, nạo vét, nâng cấp 21 công trình hồ đập để tích nước trong mùa khô, bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ tới.

Ông Hồ Hữu Như- Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nguồn vốn đầu tư vào cấp nước sạch nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia đã kết thúc nên tỉnh đang tập trung lồng ghép vào Chương trình xây dựng nông thôn mới để cấp nước sạch cho người dân. Trước mắt Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên 1 tỷ đồng và số kinh phí này đang được nhanh chóng phân bổ cho các địa phương bị thiếu nước sinh hoạt nặng.

Bài và ảnh: Yến Nhi