Chi trả DVMTR tại Đắk Nông: Đảm bảo công khai, minh bạch

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/06/2016

(TN&MT) - Những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Đắk Nông đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ khi huy động được...

 

(TN&MT) - Những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Đắk Nông đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ khi huy động được các nguồn lực của xã hội cho việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Suốt 5 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh luôn cố gắng kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người giữ rừng.

Người dân ở thôn Quảng An (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) tích cực tham gia phát dọn rừng
Người dân ở thôn Quảng An (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) tích cực tham gia phát dọn rừng

Huy động được sức dân giữ rừng

Chiều muộn, những ngọn núi càng tím sẫm lại như làm nền cho màu ráng đỏ của những rặng rừng già thời khắc hoàng hôn. Khi mặt trời bắt đầu đi ngủ, nhóm nông hộ ở thôn Quảng An (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) lại mang theo cơm nắm, dụng cụ sinh hoạt để cùng cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Cát Tiên vào rừng tuần tra.

Theo sự hướng dẫn của cán bộ QLBVR, nhóm người này chia làm từng tốp nhỏ đi tuần sau đó tụ họp lại giữa rừng để luân phiên canh gác. Mặt trời đã say giấc, giữa khu rừng đang ngủ vẫn những người giữ rừng vẫn đang thức. Ngồi bên đống lửa ấm cúng, anh Lê Đình Ngọc (thôn Quảng An) chia sẻ: “Nhà tôi nhận bảo vệ 21ha rừng của BQL RPH Nam Cát Tiên từ năm 2012 và được hưởng chính sách chi trả tiền DVMTR. Lúc đầu, các hộ dân như chúng tôi tham gia giữ rừng đơn giản vì muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng trong quá trình giữ rừng và qua các đợt tập huấn, chúng tôi hiểu hơn những giá trị của rừng, nhất là rừng đầu nguồn mang lại nên xem việc giữ rừng là nghĩa vụ của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”.

Đồng bào ở xã Đắk Som cùng kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng tham gia dọn cỏ, trồng rừng
Đồng bào ở xã Đắk Som cùng kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng tham gia dọn cỏ, trồng rừng

Anh Đỗ Thành Tâm - Trạm trưởng Trạm QLBVR số 3 (BQL RPH Nam Cát Tiên), phấn khởi nói: “Mấy năm liên tục cùng bà con nhận khoán QLBVR tuần tra, canh gác ngày đêm, chúng tôi thấy ai cũng quý rừng, cũng tích cực giữ rừng. Rất nhiều vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được người dân báo cáo và cùng chúng tôi ngăn chặn. Tinh thần đoàn kết giữa chúng tôi ngày càng tăng cao, công tác QLBVR tại địa bàn cũng thuận lợi hơn”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân - Giám đốc BQL RPH Nam Cát Tiên, tổng diện tích rừng tham gia cung ứng DVMTR theo kế hoạch của đơn vị là gần 12.500ha. Ngoài 4.600ha diện tích rừng quản lý bảo vệ tập trung, đơn vị đã giao khoán 7.893ha cho 357 hộ dân (trong đó có 124 hộ đồng bào DTTS) ở 4 xã Đạo Nghĩa, Nhân Đạo, Đắk Sin và Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp) quản lý bảo vệ. “Người dân địa phương đồng lòng giữ rừng đã giúp cho công tác QLBVR tại đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2015, trên lâm phần chúng tôi quản lý chỉ xảy ra 14 vụ phá rừng trên diện tích 575m2 và đơn vị đã tịch thu 13,5 m3 lâm sản các loại” - ông Xuân cho hay.

Kiểm lâm cùng người dân tuần tra giữ rừng
Kiểm lâm cùng người dân tuần tra giữ rừng

Đảm bảo sinh kế, quyền lợi người giữ rừng

Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 253.000ha rừng, trong đó tổng diện tích rừng tham gia cung ứng DVMTR trong các lưu vực sông được nghiệm thu là gần 154.000ha. Theo điều chỉnh của UBND tỉnh Đắk Nông, mức chi trả DVMTR năm 2015 cho 1ha rừng quy đổi trong 1 năm tại lưu vực sông Đồng Nai là trên 600.000 đồng và tại sông Srêpôk là khoảng 170.000 đồng. Riêng năm 2015, toàn tỉnh Đắk Nông đã chi trả trên 56 tỷ đồng cho các đối tượng chủ rừng trong lưu vực.

Thấy mức chi trả DVMTR thuộc lưu vực sông Srêpôk trong năm 2015 còn khá thấp, chưa cải thiện được sinh kế người giữ rừng nên Quỹ Bảo vệ phát triển rừng đã đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí QLBVR trích từ quỹ dự phòng tiền DVMTR của đơn vị. Phương án này được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2016. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao khoán bảo vệ hơn 10.200ha rừng tại lưu vực sông Srêpôk sẽ được hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng (bình quân 168.000 đồng/ha). Như vậy, số tiền các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại lưu vực sông Đồng Nai được nhận khoảng 540.000 đồng/ha/năm và tại lưu vực sông Srêpôk là 400.000 đồng/ha/năm.

Kiểm lâm tuần tra giữ rừng
Kiểm lâm tuần tra giữ rừng

Theo ông Lê Văn Quang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Đắk Nông, sau 5 năm triển khai (năm 2011), chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đời sống được cải thiện, nhận thức về rừng của họ cũng dần thay đổi, ngày càng tích cực hơn trong công tác QLBVR. Tại những khu vực có người dân được hưởng lợi từ chính sách này như BQL RPH Nam Cát Tiên, Khu BTTN Tà Đùng... tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Riêng Khu BTTN Tà Đùng, đơn vị này còn tích cực trồng thêm hơn 90ha rừng theo chương trình trồng rừng thay thế của tỉnh.

Cũng theo ông Quang, tỉnh Đắk Nông luôn đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia giữ rừng. “Sinh kế của người tham gia giữ rừng phải được đảm bảo, đời sống của họ được cải thiện thì chính sách chi trả DVMTR mới trở thành “chìa khóa” để bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Trong tất cả những lần chủ rừng nhận tiền DVMTR và tiến hành chi trả cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, chúng tôi đều cử cán bộ đến giám sát nhằm đảm bảo việc chi trả công khai, minh bạch” - ông Quang cho hay.

Bài & ảnh: Lê Phước