Hiệu quả từ mô hình tự quản công trình nước sạch ở Quảng Ngãi

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/05/2016

(TN&MT) - Nhờ thực hiện mô hình tự quản, nhiều công trình nước sạch công cộng ở Quảng Ngãi đã phát huy tốt hiệu quả trong việc phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Trong lúc nhiều công trình cấp nước các địa phương, đặc biệt là miền núi không phát huy hiệu quả sau khi bàn giao nên đây là một giải pháp cần được nhân rộng.
Mô hình tự quản công trình nước sinh hoạt đã đem đến nhiều niềm vui cho người dân ở thôn Gò Da
Mô hình tự quản công trình nước sinh hoạt đã đem đến nhiều niềm vui cho người dân ở thôn Gò Da

Hơn 60 năm gắn bó với xã miền núi Sơn Linh, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, ông Đinh Ơn thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu nước sạch của người dân vùng cao. Tuy không thuộc địa bàn thiếu nước gay gắt, nhưng thôn Gò Da có năm vẫn lâm vào cảnh cạn kiệt nguồn nước khi mùa khô về. Ông vẫn còn nhớ, nhiều lần phải mang can nhựa lên mãi tận đầu nguồn con suối mới hứng được nước để mấy thành viên trong gia đình dùng tiết kiệm qua ngày. Nhưng mấy năm nay, “cơn khát” cục bộ không xảy ra nữa, công trình cấp nước được xây dựng ngay đầu nguồn, thu gom nước suối vào bể chứa và dẫn theo đường ống về các gia đình. Công trình này được Tổ quản lý nước do người dân bầu ông làm tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng nên phát huy hiệu quả tích cực.

Ông Đinh Ơn, Tổ trưởng Tổ tự quản công trình cấp nước sinh hoạt Bồ Gục, thôn Gò Da, xã Sơn Linh chia sẻ: “Từ khi công trình đưa vào sử dụng, tôi được người dân trong thôn tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý. Ngoài việc trực đóng, mở nước, tôi còn thường xuyên kiểm tra, tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và sự huy động của địa phương.”

Xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 6 công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân trong đó có công trình được đầu tư cách đây 10 năm, nhưng hầu hết đều phát huy hiệu quả. Ngay cả trong mùa khô hạn, các công trình cấp nước này luôn cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân ở đây.

Ông Nguyễn Phan Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh chia sẻ: Địa phương đã thấy trước được nhiều công trình cấp nước sinh hoạt công cộng ở nhiều địa phương bị xuống cấp, hư hỏng do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Do vậy để đảm bảm nguồn nước sạch liên tục và quản lý tốt hơn những công trình này, từ năm 2012 UBND xã đã cùng với người dân địa phương họp bàn và đi đến thống nhất thành lập Ban quản lý công trình nước sinh hoạt cấp xã. Tại các thôn có công trình nước sinh hoạt đều thành lập các tổ tự quản từ 1 đến 4 thành viên tùy theo quy mô công trình. Kinh phí hoạt động của các tổ tự quản do các hộ dân đóng góp với mức thu từ 5.000-7.000 đồng/tháng. Nhờ đó, công tác duy tu, sửa chữa và khắc phục sự cố về đường ống, nguồn điện và sự cố về máy bơm được thường xuyên theo dõi và khắc phục kịp thời.

Từ khi được sử dụng nguồn nước sạch, cuộc sống của người dân tốt hẳn lên
Từ khi được sử dụng nguồn nước sạch, cuộc sống của người dân tốt hẳn lên

Công việc tuy vất vả nhưng mỗi tháng ông Đinh Ơn cũng chỉ nhận được khoảng 200.000 đồng từ đóng góp của bà con. “Số tiền đó bây giờ không đủ để làm một mâm cơm đãi khách nhưng tôi không làm việc vì tiền, tôi đã làm việc bằng tất cả trách nhiệm của mình để bà con và gia đình tôi đều có nước sạch để sử dụng”- ông Ơn chia sẻ.

Anh Lê Văn Phong ở thôn Làng Xinh, xã Sơn Hà chia sẻ: “Trước đây người dân phải vào suối lấy nước, vất vả lắm. Giờ nước sạch về đến tận nhà, không lo thiếu nước cuộc sống tốt lên hẳn. Đặc biệt, các bệnh về đường tiêu hóa cũng mất luôn”.

Mô hình này cũng được thực hiện ở xã Thanh An (Minh Long). Công trình cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.000 người dân thuộc 4 thôn Dưỡng Chơn – Phiên Chá – Gò Rộc – Thanh Mâu luôn đảm bảo nhu cầu 100 lít nước/người/ngày.

Ông Đinh Ê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: “Từ khi xây dựng công trình, xã họp dân thống nhất phương án thành lập Tổ tự quản, thu tiền nước định kỳ hằng tháng 700 đồng/khối, lắp đồng hồ nước... với mục đích phát huy tối đa lợi ích của công trình. Khoản phí người dân đóng góp vào việc duy tu, bảo dưỡng công trình được công khai minh bạch và được người dân giám sát. Việc lắp đồng hồ nước cũng nhằm giúp người dân biết cách tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước đúng mục đích và phù hợp với nhu cầu, tránh lãng phí. Cách làm này được người dân đồng tình ủng hộ.”

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 500 công trình nước sinh hoạt, với tổng kinh phí đầu tư hơn 338 tỷ đồng. Trong đó, khu vực 6 huyện miền núi 404 công trình nhưng có đến 130 công trình bị xuống cấp, hư hỏng và ngừng hoạt động. Bên cạnh các sai phạm do quá trình đầu tư không đúng thiết kế, kỹ thuật… gây hư hỏng đường ống, đập đầu mối, bể lắng, không cung cấp đủ nước cho người dân sinh hoạt, sản xuất thì nguyên nhân chủ yếu là do các công trình này sau khi được đầu tư xây dựng, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng không có mô hình quản lý khai thác cụ thể, không có đơn vị đầu mối nào đứng ra bảo quản, sửa chữa, nhiều công trình rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Việc để các công trình nước sinh hoạt nhanh chóng xuống cấp hư hỏng không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu nước sạch của người dân. Do vậy, việc hình thành các tổ tự quản công trình nước sinh hoạt như ở xã Sơn Linh, huyện miền núi Sơn Hà là cần thiết và hiệu quả, cần được nhân rộng, tránh tình trạng công trình nhanh xuống cấp hư hỏng, lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước.

Bài & ảnh: Võ Hà