Thanh Hóa: Giải pháp nào xử lý chất thải rắn công nghiệp?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/05/2016

(TN&MT)- Cùng với 5 Khu công nghiệp (KCN) như hiện nay: Lễ Môn, Bỉm Sơn, Lam Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga và Hoàng Long, sắp tới Khu kinh tế Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại khu lọc hóa dầu và các nhà máy khác thì giải pháp xử lý chất thải rắn công nghiệp đang là bài toán nan giải cho Thanh Hóa.

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa: Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 Khu kinh tế Nghi Sơn và 5 KCN (Lễ Môn, Bỉm Sơn, Lam Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga và Hoàng Long) với diện tích các KCN tính đến năm 2015 khoảng 1.600 ha, các KCN chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón, điện tử, may mặc, giầy da, thực phẩm, gia công cơ khí, chiết nạp gas... Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn (CTR) tại các KCN  ước tính 425,39 tấn/ngày, tương đương 155.267 tấn/năm. Trong đó, khoảng 15 - 20% là chất thải rắn nguy hại.

Bãi rác tự phát ở xã Thọ Dân
Bãi rác tự phát ở xã Thọ Dân

CTR phát sinh từ Cụm Công nghiệp (CCN), làng nghề với trên 55 CCN, gần 200 làng nghề được phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố. Tổng lượng CTR phát sinh tại các khu vực này vào khoảng 150 tấn/ngày. Hầu hết trong quá trình hoạt động, chất thải rắn phát sinh chưa được thu gom, xử lý triệt để. Hiện mới có khoảng 15% số cơ sở trong làng nghề có biện pháp thu gom, tái chế chất thải rắn, số còn lại chất đống, đốt hoặc chôn lấp trong khuôn viên.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có khoảng 120 cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 24 cơ sở khai thác đất san lấp, 25 cơ sở khai thác cát và 6 cơ sở khai thác các khoáng sản khác được cấp giấy phép. Việc khai thác mỏ, đặc biệt là các hoạt động khai thác lộ thiên, đã làm tăng khối lượng CTR ở dạng đất đá thải.

Trong khi công tác thu gom, xử lý chỉ mới chỉ dừng lại ở mức độ tận dụng san lấp mặt bằng sản xuất, phần còn lại chất đống không có biện pháp xử lý. CTR còn phát sinh từ việc đốt than, lượng tro xỉ thải khoảng 1.700 tấn/ngày từ Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1. Toàn bộ lượng tro xỉ này được vận chuyển ra lưu trữ tại bãi thải xỉ. Ngành công nghiệp rượu, bia, nước giải khát cũng sản sinh ra một lượng CTR tương đối lớn. Thành phần CTR phát sinh từ ngành công nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát gồm 2 loại CTR vô cơ và CTR hữu cơ, trong đó, CTR vô cơ (bao bì, chất trợ lọc, thuỷ tinh vỡ, vỏ lon…) chiếm tỷ lệ nhỏ (16,5%), CTR hữu cơ (bã bia, bã rượu, bã hu-blong...) chiếm tỷ lệ cao phần này tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Phế thải trong quá trình nấu nhựa được đổ ngay sau xưởng ở Thái Hòa (Triệu Sơn)
Phế thải trong quá trình nấu nhựa được đổ ngay sau xưởng ở Thái Hòa (Triệu Sơn)

 Ngoài ra, CTR từ hoạt động công nghiệp đường mía với khoảng 4.200 tấn bã/ngày được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò hơi để phát điện và các hoạt động công nghiệp chế biến lâm sản với trên 100 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 60/100 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, chủ yếu là thu mua gỗ, tre, nứa, luồng về sơ chế, sản xuất... Nguồn chất thải (đầu mẩu gỗ, mắt luồng, mùn cưa, tro xỉ) được thu gom làm nguyên liệu ngâm, ủ bột giấy hoặc làm chất đốt…

Đối với rác sinh hoạt, phần lớn các doanh nghiệp trong KCN ký hợp đồng thuê Công ty Môi trường địa phương thu gom. Riêng CTR công nghiệp có chứa thành phần nguy hại, đang được các doanh nghiệp có giấy phép hành nghề thu gom, vận chuyển. Tỷ lệ thu gom CTR tại các KCN ước đạt khoảng 90%, nhưng vấn đề quản lý và xử lý chất thải sau thu gom chủ yếu là theo hợp đồng với các Công ty vệ sinh môi trường địa phương và chưa được kiểm soát tốt vì chất thải nguy hại là thành phần đáng quan tâm trong CTR công nghiệp (chiếm khoảng 15%-20% và tăng lên đáng kể trong những năm gần đây). CTNH là nguồn ô nhiễm tiềm tàng rất đáng lo ngại cho môi trường và sức khỏe của cộng đồng.

Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đã khuyến khích các doanh nghiệp xử lý bằng công nghệ đốt tại các cơ sở xử lý chất thải (Công ty TNHH môi trường xanh Hoàng Hải Hà đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải BD Anpha tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, dự án xử lý khoảng 8,9 tấn rác/ngày; Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải BD Anpha tại xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, dự án đi vào hoạt động với công suất 1000kg/h, Công ty môi trường Nghi Sơn).

Bãi Rác nằm ngay đồng ruộng
Bãi Rác nằm ngay đồng ruộng

Ông Lê Văn Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Việc xử lý CTR nguy hại, còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chất thải rắn nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đã được thu gom, phân loại, tuy nhiên, do lượng CTNH thu gom còn chưa triệt để nên khối lượng tại mỗi cơ sở còn ít. Phần lớn các cơ sở lưu giữ CTNH trong khuôn viên Nhà máy, khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị có đầy đủ chức năng tiêu hủy xử lý CTNH (các cơ sở xử lý CTNH chỉ hợp đồng xử lý khi đủ khối lượng vận chuyển). Một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về quản lý CTNH, còn thu gom chung CTNH với CTR thông thường hoặc CTR sinh hoạt hoặc bán cho các cơ sở tái chế phế liệu thông thường (dầu thải, vật tư nhiễm dầu).. Đối với Nhà máy Xi măng Nghi Sơn và Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn được cấp phép đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung tuynel. Ngoài ra, tại KKT Nghi Sơn có Công ty CP Môi trường Nghi Sơn đầu tư công trình xử CTR công nghiệp và CTNH, công suất 500 tấn/ngày (giai đoạn I: 250 tấn/ngày); tại KCN Bỉm Sơn, Công ty cổ phần môi trường Việt Thảo đầu tư Nhà máy xử lý CTNH.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã hướng dẫn và cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho các cơ sở sản xuất xuất có phát sinh CTR công nghiệp nguy hại trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công tác quản lý CTR công nghiệp nguy hại đối với các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh; Thực hiện việc tranh, kiểm tra và xử lý, kiến nghị xử lý về công tác quản lý CTR công nghiệp nguy hại đối với các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;

Ngoài ra, Sở cũng lập báo cáo quản lý CTNH định kỳ (trong đó có quản lý CTR công nghiệp nguy hại) cho Bộ TN&MT, UBND tỉnh theo quy định; báo cáo đột xuất công tác quản lý CTNH theo yêu cầu của Bộ TN&MT và cơ quan có thẩm quyền; Tổ chức thẩm định và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy xác nhận đảm bảo yêu cầu về BVMT đối với các dự án xử lý CTRCN thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của UBND tỉnh trước khi dự án đi vào vận hành chính thức.../.

Bài & ảnh: Tuyết Trang