Các dự án xử lý khí thải lò hầm than củi ở Sóc Trăng, Hậu Giang: Khó triển khai vì chưa có vốn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 08/04/2016
(TN&MT) - Nhằm giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở hầm than củi, trong thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được vì không có vốn.
Nếu không có giải pháp xử lý khí thải từ các lò hầm than củi thì hàng trăm hecta cam sành của người dân xã Phú Tân, Phú Hữu bị ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng… |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1.000 lò hầm than củi phân bố chủ yếu ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách. Hoạt động hầm than củi đã tồn tại ở xã Xuân Hòa gần trăm năm, trở thành làng nghề truyền thống, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn người lao động ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại thì khí thải từ lò hầm than củi đã tạo ra nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe, năng xuất cây trồng… Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải lò hầm than củi gây ra, một mặt chính quyền tỉnh Sóc Trăng tiến hành quy hoạch lại thành làng nghề hầm than củi, mặt khác giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư xử lý khí thải các cơ sở hầm than củi. Năm 2012, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư dự án xử lý khí thải các cơ sở hầm than củi tại xã Xuân Hòa với tổng kinh phí gần 28 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 735 hệ thống xử lý khí thải lò hầm than củi với công xuất 150m3/ngày/hệ thống...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Thanh cho biết, để triển khai dự án tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn có mục tiêu theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, tuy nhiên đến nay tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa được bố trí vốn nên việc triển khai dự án này chưa thể thực hiện được. “Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các Bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ nguồn vốn để tỉnh triển khai thực hiện dự án, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nghiêm trọng từ các lò hầm than” - ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng kiến nghị.
Hoạt động hầm than củi tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách là 1 trong 3 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. |
Với tỉnh Hậu Giang, hiện tại cũng có khoảng 800 lò than tập trung ở xã Đại Thành, xã Tân Thành (TX. Ngã Bảy); xã Phú Tân ( huyện Châu Thành. Năm 2013, nhằm giúp cho xã Đại Thành hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Hậu Giang giao cho TX. Ngã Bảy khảo sát lập dự án hỗ trợ xử lý khí thải 49 lò hầm than của 27 hộ dân tại xã Đại Thành, trong đó ưu tiên phương án hỗ trợ cho các chủ lò chuyển đổi nghề. Bà Trịnh Thị Ngọc Diễm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Ngã Bảy cho hay, vào năm 2014 thị xã đã lập xong dự án hỗ trợ 27 hộ dân có lò hầm than củi ở xã Đại Thành, trong 27 chủ lò này đa số mong muốn được tỉnh hỗ trợ vốn để chuyển đổi sang làm nghề khác. “Theo kế hoạch của thị xã thì khi dự án hỗ trợ xử lý khí thải lò hầm than được phê duyệt và triển khai thực hiện xong, thì tiếp tục xin UBND tỉnh cho mở rộng phạm vi của dự án này ra hơn 200 lò hầm than củi đang hoạt động tại xã Tân Thành. Nhưng đến nay dự án chưa được tỉnh Hậu Giang phê duyệt, khiến cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường tại các lò hầm than xã Đại Thành, Tân Thành chưa thể thực hiện được”-Bà Trịnh Thị Ngọc Diễm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Ngã Bảy nói.
Việc UBND tỉnh Hậu Giang chậm phê duyệt dự án hỗ trợ cho các hộ dân ở xã Đại Thành không chỉ làm cho kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường tại các lò hầm than trên địa bàn TX. Ngã Bảy phải “dậm chân tại chỗ”, mà còn khiến cho huyện Châu Thành lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi vì, vùng đất thuộc các xã Phú Hữu, Phú Tân được quy hoạch thành vùng chuyên canh cây ăn trái, với những loại trái cây đã có thương hiệu trên thị trường như: bưởi năm roi, bưởi hồ lô…nhưng len lỏi trong đó là hơn 600 lò hầm than củi đang ngày ngày hoạt động, khiến cho người dân, chính quyền không khỏi lo âu về năng xuất, chất lượng cây trồng.
Theo bà Lê Thị Thùy Như, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, trong thời gian qua Phòng tài nguyên và Môi trường phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các chủ lò hầm than, hạn chế phát sinh lò hầm than mới… Về giải pháp lâu dài huyện cũng đang chờ TX. Ngã Bảy triển khai thực hiện dự án hỗ trợ các chủ hộ có lò hầm than củi, trên cơ sở đó huyện Châu Thành sẽ đề nghị tỉnh Hậu Giang triển khai dự án này trên địa bàn huyện Châu Thành.
Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ các lò hầm than thủ công, các Sở, ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng mong muốn trong thời gian tới các Bộ, ngành, chính quyền địa phương cần hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện các dự án. Việc triển khai được các dự án này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương loại bỏ được điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bảo vệ năng xuất, chất lượng vùng chuyên canh cây ăn trái và giúp cho xã Đại Thành, Tân Thành giữ vững được danh hiệu xã Nông thôn mới.
Bài & ảnh: Lê Hùng