Học sinh chung tay bảo vệ loài gấu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/03/2016

(TN&MT) - Việt Nam là “ngôi nhà” của hai loài gấu: Gấu đen châu Á (Gấu ngựa) và gấu chó. Cả hai loài gấu đều được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế CITES (Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Theo đó, tất cả các hành vi săn bắt, bẫy, mua bán, giết hại hay quảng cáo việc kinh doanh gấu và các sản phẩm làm từ gấu đều là bất hợp pháp.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cả nước hiện còn 1,245 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các trang trại, chủ yếu để hút mật kinh doanh. Chỉ tính riêng Huyện Phúc Thọ, Hà Nội, hiện vẫn còn tồn tại 37 trại gấu nuôi nhốt 200 cá thể. Phần lớn các trang trại đều tập trung ở làng Phụng Thượng.

Để kêu gọi công đồng chung tay bảo vệ loài gấu bằng cách nói không với mật gấu, chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, nhất là trên địa bàn vẫn còn tồn tại nạn nuôi nhốt gấu lấy mật với số lượng lớn, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Phòng giáo dục đào tạo Huyện Phúc Thọ, cùng nhà tài trợ là Đại sứ quán Hà Lan đã phát động Cuộc thi vẽ tranh “Học sinh chung tay bảo vệ loài gấu” tại Trường Tiểu học Phụng Thượng, Huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Đại diện ĐSQ Hà Lan trao giải cho các em nhỏ vẽ tranh xuất sắc

Cuộc thi được phát động từ tháng 1/2016 đến hết tháng 2/2016 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình ngoài mong đợi từ các em nhỏ. Sau 2 tháng phát động, Ban Tổ chức nhận được 1082 bức tranh của học sinh từ khối 1 đến khối 5 trong toàn trường.

Các bức tranh hồn nhiên, đầy sắc màu với nhiều cách thể hiện sáng tạo khác nhau, nhưng đều gửi gắm những thông điệp bảo vệ loài gấu hoang dã như: gấu nên được sống trong tự do với trong rừng với dưới tán rừng, những giọt nước mặt của gấu phải chịu đựng sự tàn bạo trong các cũi sắt chật hẹp tại các trại gấu, hay sự tuyệt vọng của gấu khi bị những kẻ hám lợi săn bắt. Tranh vẽ của các em học sinh cũng chứa đựng những tình cảm trong sáng như ca ngợi hình ảnh chú kiểm lâm bảo vệ gấu, bảo vệ rừng; các bác sỹ thú y chăm sóc và thả gấu về với tự do...

Cuộc thi kỳ vọng những thông điệp này giúp nâng cao nhận thức của thế hệ tương lai trong việc bảo vệ gấu và các loài động vật hoang dã, chấm dứt việc gây đau đớn khi lạm dụng động vật, góp phần bảo tồn hệ sinh học đa dạng của Việt Nam. Và đặc biệt là giúp giải thoát hơn 200 cá thể gấu đang phải sống mòn trong đau đớn tại 37 trại gấu ngay gần cổng trường học của các em tại xã Phụng Thượng, Hà Nội.

Tổ chức động vật châu Á trao giải cho các em học sinh khối 1

Ngày 18/3/2016 vừa qua, Ban tổ chức đã trao giải cho 100 tác giả có tranh vẽ đẹp và sáng tạo nhất trong cuộc thi. Giải thưởng gồm có 10 giải nhất, 20 giải nhì, 20 giải ba và 50 giải khuyến khích cho các học sinh 5 khối trong toàn trường.

Tiến sỹ Jill Robinson MBE, Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ tại Lễ trao giải: " Chúng tôi rất ấn tượng với kết quả của cuộc thi, có những em học sinh mới chỉ 6 tuổi, nhưng đã vẽ những bức tranh ý nghĩa, truyền tải những ước mơ của gấu, chính là được tự do vui sống trong rừng xanh. Không một ai cần mật gấu để sống sót, ngoài trừ loài gấu. Hy vọng thông điệp ngưng lạm dụng gấu để lấy mật sẽ được truyền tải đến nhiều người thân và cộng đồng nhờ những bức tranh sinh động của các em nhỏ."

Đại sứ Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan cũng nhắn nhủ tới các em học sinh: " Chúng ta đều biết rằng sử dụng mật gấu làm thuốc là một điều vô nghĩa. Không nên để những chú gấu phải chịu đựng vì tư tưởng sai trái này. Rất nhiều cá thể gấu phải chết hoặc sống trong những điều kiện tồi tệ. Và đồng thời việc khai thác gấu lấy mật cũng là phạm pháp ở Việt Nam. Chứng kiến các em nhỏ chia sẻ và cùng muốn chấm dứt ngược đãi động vật khiến tôi rất vui. Tôi kỳ vọng rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, để việc thực hiện những quy định pháp luật sẽ có hiệu quả và tôi tin tưởng rằng thế hệ các em học sinh sẽ hiểu và hành động khi chứng kiến sự chịu đựng của những con vật này."

Tổ chức Động vật Châu Á là một Tổ chức từ thiện Quốc tế hợp tác với Bộ NN&PTNT xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Sứ mệnh của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên. Ngoài hoạt động chính là tiếp nhận và chăm sóc các cá thể gấu được cứu hộ, Trung tâm còn tiến hành lồng ghép chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển động vật hoang dã cũng như bảo tồn loài gấu ở Việt Nam.

 

Phạm Thu Hà