Bình Thuận: Hỗ trợ người dân giảm thiệt hại do hạn hán
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/03/2016
(TN&MT) - Tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân Bình Thuận đã xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chính sách hỗ trợ để chia sẻ bớt khó khăn với người dân.
Hạn, mặn diễn biến khốc liệt
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, nắng hạn kéo dài các hồ chứa nước trong tỉnh chỉ tích nước từ 30% - 50% dung tích thiết kế; mực nước ngầm thiếu hụt nghiêm trọng, không đủ lượng nước cung cấp phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân nhiều địa phương. Trong đó, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh. Do thiếu nước kéo dài nên nhiều loại cây trồng bị ảnh hưởng. Hiện toàn tỉnh có trên 1.314,92ha bị thiệt hại, trong đó cây lúa 69,92ha, bắp 45ha, mì 400ha… Tại địa bàn huyện Hàm Tân có khoảng 300ha thanh long, 300ha xoài, cam, quýt, 200ha cây điều bị thiếu nước nên giảm năng suất 100% so với trước. Ước tổng giá trị thiệt hại hơn 7.000 triệu đồng.
Nhiều diện tích cao su tại huyện Đức Linh bị ảnh hưởng do hạn hán |
Ngoài ra, nắng hạn còn làm thiệt hại nghiêm trọng đến lĩnh vực chăn nuôi, có khoảng 90.000 con bò và 18.000 con dê không có đồng cỏ và nguồn nước uống. Bên cạnh đó, hiện có 38 xã với 90.000 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là huyện Hàm Tân có khoảng 40.000 người thiếu nước sinh hoạt ở các xã: Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Đức, Tân Minh, Tân Phúc, Tân Nghĩa, Tân Hà, Tân Xuân, Sông Phan… Nhiều nông dân phải mua nước của các xe bồn lấy từ sông La Ngà với giá 80.000 - 100.000 đồng/m3 để cứu vườn cây và sinh hoạt trong gia đình.
Mặt khác, từ đầu tháng đầu năm đến nay mặn liên tục xâm nhập sâu vào sông Phan, sông Dinh... với nồng độ cao khiến hàng loạt trạm bơm phải ngưng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng. Các giếng khoan của người dân (một số được tỉnh hỗ trợ khoan năm 2015) đa phần bị nhiễm mặn, lượng nước còn lại rất ít. Do đó, gây ảnh hưởng hết sức nặng nề đến việc phục vụ tưới cho hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu …
Nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời
Trước tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gia tăng, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương nắm bắt tình hình, rà soát cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho các gia đình đang gặp khó khăn, nhất là các hộ có nguy cơ thiếu đói do hạn hán nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Không để dân đói, dân khát”. Theo đó, mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã có chính sách hỗ trợ bồn chứa nước đặt ở những nơi công cộng để người dân chia sẻ nguồn nước. Tại huyện Hàm Tân, nơi có khoảng 40.000 người thiếu nước sinh hoạt sẽ có 19 bồn chứa nước với dung tích 2m3/bồn được lắp đặt tại những nơi công cộng hoặc gần giếng có nước trong nhà người dân để nhân dân trong vùng đến lấy nước sinh hoạt. Đối với những hộ thuộc diện khó khăn, việc lấy nước sinh hoạt này hoàn toàn miễn phí, người có điều kiện hơn sẽ đóng góp trả tiền điện cho việc bơm nước từ giếng lên bồn chứa…
Nhiều kênh mương ở huyện Hàm Thuận Bắc không còn nước để phục vụ sản xuất |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí chống hạn (đợt 2) khoảng 199,33 tỷ đồng. Yêu cầu các địa phương đang xảy ra tình trạng hạn hán trên diện rộng, khẩn trương cấp tạm ứng ngân sách cho các xã, phường nguồn kinh phí hỗ tr40.000 người ợ người dân cũng như phục vụ khoan, đào giếng mới, mua bồn chứa nước… Cấp tạm ứng ngân sách (đợt 1) hơn 688 triệu đồng, hỗ trợ tiền cho người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ưu tiên cho đối tượng nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số (đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất).
Là địa phương đang xảy ra tình trạng hạn hán trên diện rộng, UBND huyện Hàm Tân cũng đã cấp tạm ứng ngân sách cho các xã, thị trấn hơn 1,3 tỷ đồng để khoan giếng, mua bồn 2.000 lít chứa nước sinh hoạt công cộng cho bà con; đầu tư bồn chứa nước lớn, trợ cấp kinh phí vận chuyển nước ngọt để cung cấp cho bà con giá 20.000đ/m³; phối hợp các ngành chức năng triển khai quyết liệt các dự án “nối mạng” nước sạch từ hồ Sông Dinh 3 nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, để tăng thêm nguồn nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận tiếp tục tìm nguồn nước ngầm để hỗ trợ khoan giếng cho người dân. Đây chính là giải pháp căn cơ giúp địa phương ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán trên địa bàn, thực hiện mục tiêu “không để người dân nào bị thiếu đói, bệnh tật do thiếu nước sinh hoạt”.
Bài & ảnh: Linh Nga