U Minh Thượng vượt qua ám ảnh thảm họa bão lửa…

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/03/2016

  (TN&MT) - Vào thời điểm cả miền Tây đang hầm hập trong đợt El Nino kéo dài, tôi về VQG U Minh Thượng mới được công nhận Khu Ramsar thứ 2.228 của...

 

(TN&MT) - Vào thời điểm nhiệt độ trái đất tăng kỷ lục, cả miền Tây đang hầm hập trong đợt El Nino kéo dài, dòng chảy sông Mê Kông suy giảm, nước mặn từ Thái Bình Dương xâm nhập trên diện rộng... tôi về Vườn quốc gia U Minh Thượng mới được công nhận Khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới, vì ở đó cũng dịp này 14 năm trước đã bùng lên cơn bão lửa lịch sử thiêu rụi 3.212ha rừng nguyên sinh trên đất than bùn…

Trước khi lên đường, tôi đã nghe Bộ trưởng Cao Đức Phát, cảnh báo: “Ở U Minh mỗi cây tràm đang như một cây đuốc”. Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đang chỉ đạo đắp đập ngăn mặn, khoan nước ngầm tầng sâu, tổ chức vận chuyển tiếp ứng nước sinh hoạt cho các địa phương Hòn Đất, Hà Tiên và các đảo, cũng cho hay: “U Minh Thượng đã bị mặn xâm nhập hoàn toàn, tình hình nước ngọt đang căng thẳng”.

-	Trạm bơm công suất 1.700m3/h đang vận hành suốt ngày đêm đưa nước vào khu bảo tồn nghiêm ngặt
Trạm bơm công suất 1.700m3/h đang vận hành suốt ngày đêm đưa nước vào khu bảo tồn nghiêm ngặt

Xuyên qua vùng ruột miền Tây trong màn sương mờ buổi sáng, vẫn cảm nhận được cơn khát bất thường của vùng đất trứ danh trù phú hắt lên từ những cái hố cạn khô ven đường, những cánh đồng xám xịt tàn rơm, chi chít gốc rạ nhọn hoắt, chằng chịt vết nứt chân chim… và ấn tượng cơn bão lửa lịch sử ở U Minh Thượng lại bùng lên trong tâm trí tôi với nhiều ẩn số bao năm chưa tìm ra lời giải.

Nỗi ám ảnh thảm họa từ cơn bão lửa…

Bất cứ ai trong mấy ngàn người từ TP.HCM, các tỉnh miền Tây, từng hành quân về U Minh Thượng quần nhau với lửa suốt 20 ngày đêm cứu Vườn quốc gia U Minh Thượng  (VQG)  năm 2002, trở lại sẽ không khỏi ngậm ngùi giá như ngày ấy không bị đò giang cách trở như bây giờ. Từ quốc lộ 63, có thể phóng ô tô trên con đường nhựa dài hơn 8km qua vùng đệm, thẳng vào lõi VQG, nơi đang bảo tồn 72 loài động thực vật quí hiếm ghi trong sách đỏ.

Tại trụ sở Ban quản lý VQG, ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng và cán bộ VQG, Huyện đội, Công an, Kiểm lâm, Dân phòng… đã sẵn sàng cùng chúng tôi đi khảo sát công tác PCCC trong khu bảo tồn nghiêm ngặt ai cũng nhớ rõ thảm họa đã trải qua.

Hôm ấy, ngày 24/3/2002, sau 3 tháng Chính phủ quyết định thành lập VQG, sau 2 ngày Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức lễ công bố thành lập VQG và ông Bành Văn Đởm (Mười Đởm) người được mệnh danh “Vua rừng U Minh” mới được điều động về giữ chức vụ Giám đốc VQG U Minhh Thượng, bỗng xuất hiện một đám cháy tại Tiểu khu 138, rồi len lỏi lan rộng ra các tiểu khu.

Đọc nhật ký của một cán bộ kiểm lâm về diễn biến vụ cháy lịch sử này, tôi ghi lại những tình tiết nhức nhối: Chữa cháy kiểu tự phát; thiếu chỉ huy; lực lượng kiệt sức; cơ giới không tiếp cận được khu vực cháy; thiếu máy bơm nước, máy bơm hư, máy bơm mua bổ sung không sử dụng được. Rồi, gom máy bơm của cảnh sát PCCC các tỉnh trên đường hành quân về ứng cứu. Cạn nước. Bơm nước biển vào. Khoan giếng nước ngầm. Đào kênh... Khi rừng nguyên sinh tại 4 tiểu khu (137, 138, 143, 144) cơ bản đã và đang cháy hết khoảng 3.000ha, phát hiện nhiều động vật quí hiếm chết cháy, thì các lực lượng mới khống chế, chấm dứt nguy cơ cháy lan tại các tiểu khu 131, 133, 142 và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thay mặt Chính phủ đồng ý cho mua máy bay chữa cháy... Ngày 10/4/2002, có trận mưa rào và bơm nước vào nên đã tắt lửa, giảm nhiệt độ của than bùn…

Thao tác vòi rồng sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống cháy xảy ra
Thao tác vòi rồng sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống cháy xảy ra

Cơn bão lửa được dập tắt khi đã thiêu rụi gần 40% tổng diện tích rừng nguyên sinh của VQG, làm cho 7 loài thú bị xóa sổ, cấu trúc thành phần loài chim thay đổi do mất nơi cư trú, các loài bò sát như kỳ đà, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn hổ mang... gần như mất dạng. Chưa tìm ra nguyên nhân ban đầu của vụ cháy thì ông Mười Đởm - vị Giám đốc đầu tiên của VQG U Minh Thượng xin từ chức do bị thảm họa ám ảnh.

Cũng vì ám ảnh, sau vụ cháy lịch sử ấy, Ban quản lý VQG quyết định phong bế toàn bộ các tuyến kênh trong vùng lõi để giữ nước chống cháy suốt 8 năm đã làm biến đổi sự phát triển tự nhiên của rừng tràm kéo theo giảm tính đa dạng sinh học của các loài. Mãi đến năm 2009, qua Hội thảo khoa học cấp quốc gia, mới thống nhất phương án quản lý nước, cho phép giảm mực nước trong vùng lõi để đảm bảo sự phát triển bình thường của rừng tràm, đồng thời vẫn đáp ứng mục tiêu PCCC rừng.

Đến phương án quản lý nước chủ động…

Lật sơ đồ phương án PCCC rừng của VQG được phê duyệt từ mùa mưa năm trước, tôi thấy vùng đệm 13.069ha đã có 21 tuyến kênh (dân đào để sản xuất nông nghiệp), có hệ thống đê bao quanh chu vi 60km; vùng lõi 8.038ha, cũng có đê bao chu vi 38km, với 8 cống tròn, cống hộp. Có 2 trạm bơm công suất 8.000m3/giờ, bố trí 1 trạm tại vị trí giáp ranh giữa vùng đệm với vùng lõi, 1 trạm trong vùng lõi, đặt tại vị trí giáp ranh giữa khu vực thấp, với khu vực cao. Trong vùng lõi, được chia thành 7 tiểu khu, bố trí 8 trạm quản lý bảo vệ rừng, quán xuyến tình hình, vận hành hệ thống, đảm bảo có thể tháo ngập cho cây tràm thở, đồng thời có thể bơm bổ sung nước từ vùng đệm giữ ẩm chân rừng.

Vào tới giữa vùng lõi, tôi gặp một hố bom do Mỹ đánh phá từ gần nữa thế kỷ qua, rộng khoảng 2ha, hình bông mai nên gọi là hồ Hoa Mai, được trữ nước ngọt và bài trí cảnh quan, đang có mặt vài chục du khách tham quan dã ngoại. Gần đó, 1 trạm bơm ào ào phun nước vào trục kênh trung tâm với công suất 1.700m3/h. Anh Châu Phát, cán bộ VQG, cùng 4 công nhân đang trực vận hành trạm bơm trực 24/24 giờ xuyên suốt mấy tháng qua và đã bơm chuyền 1,2 triệu khối nước từ khu vực thấp lên khu vực cao để duy trì độ ẩm trong rừng.

Mùa này vẫn có thể khảo sát vũng lõi VQG bằng phương tiện đường thủy
Mùa này vẫn có thể khảo sát vùng lõi VQG bằng phương tiện đường thủy

“Nguồn nước ngọt này đã được trạm bơm số 2 có công suất lớn hơn bơm chuyền hơn 3 triệu khối từ vùng đệm vào vùng lõi từ tháng 12 năm trước khi đó vùng đệm chưa bị xâm nhập mặn. Từ cuối mùa mưa năm trước, ban lãnh đạo VQG cũng đã chỉ đạo gia cố đê đập chủ động giữ nước trong vườn cao hơn 40% so với lượng nước tích trữ các năm trước” – anh Phát, nói.

Nước trạm bơm đổ vào trục kênh trung tâm có thể đưa chúng tôi di chuyển bằng vỏ lãi giữa một bên là vùng rừng nguyên sinh, một bên là vùng rừng bị thiêu rụi năm nào giờ gọi là “lung tràm cháy”. Tôi chen vào rừng theo một tuyến đường băng cản lửa nhưng chỉ một đoạn thì phải quay ra vì trong rừng ngập nước, sâu cỡ 0,3m.

“Chúng tôi đã dọn sẵn 19 tuyến đường băng cản lửa từ bờ kênh chạy sâu vô rừng 1,2km, có ký hiệu, để tiện việc điều động lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý khi có tình huống cháy xảy ra. Phía trong đường băng cản lửa còn có 4 hố trữ nước chữa cháy đã được đào sẵn, bán kính mỗi hố 500m” - Anh Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc VQG, cho biết. Cặp bờ kênh phía “lung tràm cháy”, còn có tuyến đường bộ di chuyển bằng xe 2 bánh, công nhân đang hối hả thi công mấy cây cầu kiên cố sau đó sẽ mở rộng thêm đường để có thể di chuyển xe bốn bánh.

Rừng đã hồi sinh…

Trung tá Nguyễn Minh Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC (Công an huyện U Minh Thượng) và anh Phạm Trường An, cán bộ Hạt Kiểm lâm U Minh Thượng – Vĩnh Thuận, cùng tôi leo lên tháp canh, quan sát bao quát cả vùng lõi của VQG có thể sử dụng ống nhòm, phát hiện khói, các dấu hiệu bất thường để kịp thời liên lạc về trung tâm chỉ huy bằng điện thoại di động.

Anh Nguyễn Trường An là một trong những kiểm lâm 14 năm trước trực tiếp đánh vật với lửa đến kiệt sức, phải bất lực nhìn những cây tràm tươi ngã xuống ào ào cháy, nhiều động vật quí hiếm biến thành than trong vòng vây lửa bùng lên dữ dội từ vỉa than bùn cháy ngầm âm ỉ sâu bên dưới. “Đó, những vùng lõm ấy là do vỉa than bùn bên dưới bị cháy sâu, giờ đã hình thành những trảng năng, bồn bồn… rừng đã hồi sinh. Heo rừng, tê tê, kỳ đà, rùa… giờ cũng đã thấy nhiều trở lại” – Anh An, vừa nói vừa chỉ tôi xem những mảng xanh trong “lung tràm cháy”, giọng bồi hồi.

-	Anh Nguyễn Trường An, cán bộ Kiểm lâm trên đài quan sát giới thiệu rừng đã hồi sinh tại “Lung tràm cháy”
 Anh Nguyễn Trường An, cán bộ Kiểm lâm trên đài quan sát giới thiệu rừng đã hồi sinh tại “Lung tràm cháy”

Theo ghi nhận của Thạc sỹ Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của VQG: trong số 3.212ha rừng tràm bị cháy đã có 2.409ha phục hồi, tràm có mật độ tương đối dày, trung bình 22.000 cây/ha, đường kính ngang ngực trung bình 6,5cm, chiều cao trung bình 7m. Tại những khu vực than bùn còn mỏng, tràm có chiều cao thấp hơn (3,5 - 4m), tán phát triển. Dưới tán rừng tràm tái sinh, các loài thảm tươi đang phát triển. Các loài chim nước tập chung trở lại. Số lượng các loài chim nước trú đêm, sinh sản tại sân chim tăng 33,12% so với năm 2009.

Kết thúc chuyến khảo sát vùng lõi VQG, ông Út, Phó Chủ tịch UBND huyện, phỏng tính: Mỗi ngày nước trong vùng lõi bốc hơi cạn mất 1cm, trạm bơm bổ sung được 0,5cm, mỗi tháng mực nước trong VQG sẽ rút xuống 15cm, dự báo nắng hạn kéo dài tới cuối tháng 6 thì nước trong vườn cũng sẽ cạn. Anh Cường, Phó Giám đốc VQG, cũng dự tính hiện giờ cấp cháy rừng VQG đang ở cấp I, đến cuối mùa khô có thể sẽ lên tới cấp IV, cấp V. Thượng tá Bình, Huyện đội trưởng U Minh Thượng, nói chắc nịch: “Phương án đã có sẵn cứ thế vận hành theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong tình huống cần thiết, tôi có thể nhanh chóng điều 1.000 quân xử lý kịp thời!”.

Các lực lượng đang phối hợp tăng cường tuần tra bảo vệ rừng trong VQG
Các lực lượng đang phối hợp tăng cường tuần tra bảo vệ rừng trong VQG

Cứ theo câu chuyện của họ, thì VQG chỉ cần nâng công suất trạm bơm, tăng khối lượng nước ngọt đã trữ sẵn chuyền vào vùng lõi giữ độ ẩm cho chân rừng thì đã có thể yên tâm bảo tồn kho báu đa dạng sinh học của thế giới tại đây vượt qua cơn đại hạn. Nếu vậy, có thể xem mô hình quản lý nước chủ động của VQG U Minh Thượng như một giải pháp để các khu bảo tồn thiên nhiên và cả các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp tại châu thổ Cửu Long “gồng mình” phát triển trong điều kiện áp lực “gọng kìm” ngày càng xiết chặt từ phía Thái Bình Dương và thượng nguồn Mê Kông?.

Bài & ảnh: Hùng Long