Bến Tre: Hàng chục ngàn hộ đang phải sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/03/2016
(TN&MT) - Với 65km giáp biển Đông, nước mặn đã lấn vào 3 cửa sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên xâm nhập khắp địa bàn Bến Tre, gây hại nặng nề về lúa, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt và hàng chục ngàn hộ dân đã phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe…
Trong số 164 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre đã có 161 xã, phường bị nhiễm mặn. Trên 60.000 hộ dân đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn. Tỉnh phải điều cả xe bồn, xe của cảnh sát PCCC… vận chuyển nước ngọt cung ứng cho các trường học, bệnh viện... nhưng tình hình rất căng thẳng. Có 40 xã người dân đang phải mua nước ngọt với giá cao gấp rất nhiều lần so với khung giá nước ở các đô thị.
Tại huyện Ba Tri, một trong những địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng nhất, cửa sông Ba Lai đã xây dựng đập ngăn mặn từ nhiều năm qua và đã trở thành nơi cung cấp nước chính cho phần lớn các xã trong huyện cũng đã bị mặn, có lúc độ mặn lên đến 2,4%o. Thế nhưng, theo xác định của Phòng NN&PTNT huyện này thì mạch nước ngầm ở độ sâu khoảng 60m dưới lòng đất cũng đã bị nhiễm mặn như nước biển từ nhiều năm qua nên không lấy được.
- Giếng nước ngầm lộ thiên đã cạn tới đáy |
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri - Nguyễn Thành Lâm cho biết: “Mạch nước ngầm độ sâu từ 5-6m tuy ngọt nhưng rất hiếm và sẽ bị cạn kiệt trong thời gian tới. Hơn nữa, nguồn nước này chứa nhiều chất kim loại nặng, sử dụng nhiều sẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Việc này chúng tôi chỉ khuyến cáo không nên khai thác chứ không cấm vì hạn, mặn quá khắc nghiệt, người dân phải “bấm bụng” mua, sử dụng loại nước này”.
Đã biết rõ nguồn nước ngọt tầng nông không đảm bảo chất lượng và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng vẫn phải chấp nhận để người dân sử dụng và trên thực tế việc tìm kiếm nguồn nước ngầm tầng nông cũng đã trở nên rất khó khăn, khan hiếm. Thậm chí, có nhiều người ví mạch nước ngầm tầng nông quí như vàng. Ở các địa phương trong huyện Ba Tri rất nhiều người đang ráo riết tìm mạch nước ngầm tầng nông, khoan giếng, khai thác giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và bán lại.
Giếng nước ngầm bơm tay ở Bến Tre đã trở nên rất hiếm hoi |
Tại giồng cát ấp An Phú 2 (xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri), bà con phát hiện có mạch nước ngầm tầng nông tuôn ra từ giồng cát ở độ sâu 5-6m. Không chỉ những hộ sở tại mà còn thu hút nhiều người từ các địa phương khác đổ xô tìm đến thuê đất, khoan giếng, hút nước, phục vụ sinh hoạt, tưới hoa màu và vận chuyển đi bán. Ở xã An Hòa Tây, trước đây bà con cũng đã tìm được mạch nước ngầm, đào giếng lộ thiên để tranh thủ hút nước nhưng giờ thì nhiều giếng cũng đã cạn tới đáy.
Ông Mạc Văn Hoàng, cán bộ nông nghiệp xã An Hòa Tây cho biết: “Nguồn nước ngầm giờ cũng hiếm nên người dân sử dụng rất tiết kiệm”. Tại ấp 1, thị trấn Ba Tri, ông Mai Thanh Phong, có giếng nước ngầm, tranh thủ khai thác suốt ngày đêm cũng chỉ được hơn 10m3 so với nhu cầu tiêu thụ không thấm vào đâu.
Ở huyện Bình Đại, từ hơn 20 năm nay bà con đã khai thác nước ngầm tầng nông để sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hưng (ấp 2, xã Bình Thới), hơn chục năm qua sắm cả xe bồn, mua nước từ một hộ có mạch nước ngầm ở khu vực nhà thờ (ấp 3, xã Bình Thới) rồi chở đi bán cho các hộ dân có nhu cầu. Ông Hưng cho biết bình thường chủ giếng sẽ bơm nước từng giếng tầng nông chỉ khoảng 6 m rồi cho vào bể lắng lại để xe đến bơm, chở đi tiêu thụ. Năm nay mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt nên giếng này đã lấy nước sớm, số lượng nhiều, nên giờ chẳng còn bao nhiêu. “Bình thường có thể chở nước suốt ngày từ giếng này nhưng hiện nay chỉ chở được buổi sáng thì hết nước nên buổi chiều phải nghỉ để chờ mạch nước ngầm tiếp tục tiết ra nước. Tình hình này không biết mai mốt còn nước để chở hay không” – ông Hưng, lo lắng.
Nước ngầm tầng nông ở Bến Tre được khai thác bằng mô tơ điện |
Đến thời điểm này, nguồn nước ngọt tầng nông đã khan hiếm, giá bán cũng gia tăng đắt đỏ. Bình quân mỗi m3 nước ngọt người mua phải trả từ 70 – 80.000đ, cá biệt có nơi xa giá lên đến 150.000đ. Anh Võ Văn Tiến, từ xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, sắm xe bồn chạy đến khắp các địa phương tìm mạch nước ngầm tầng nông để khai thác bán. Khi phát hiện nơi có mạch nước ngọt, anh thuê luôn khu đất, khoan xuống từ 5 – 6m, ở 4 vị trí gần nhau, lắp máy hút nước bơm lên xe bồn, mỗi bồn chứa 2m3 nhưng tranh thủ cả ngày anh Tiến cũng chỉ có thể cung ứng được khoảng 30m3 nước sinh hoạt. Anh nói: “Hạn, mặn gay gắt quá nhu cầu nước ngọt sinh hoạt tăng gấp đôi năm trước”.
Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - Võ Thành Hạo, cho biết: “Bây giờ có hàn sông lại thì cũng không thể giải quyết được gì nữa vì mặn đã xâm nhập, thiệt hại rồi…Trước mắt, phải khai thác nước ngầm tầng nông để tiếp ứng nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân thôi!”.
- Nước ngầm tầng nông được chuyển bằng xe bồn bán cho các hộ dân sinh hoạt với giá trên 70.000 đồng/m3 |
Phát biểu tại hội nghị về công tác phòng chống hạn mặn ở ĐBSCL, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì mới đây, ông Hạo đề nghị Trung ương có chủ trương chỉ đạo cơ chế liên vùng, xem xét hệ thống cấp nước của Tiền Giang để có thể xây dựng đường ống chuyền nước ngọt băng qua sông Ba Lai chia sẻ cho Bến Tre.
Về lâu dài, ông Hạo kiến nghị Trung ương cho phép tỉnh cải tạo một số tuyến “kênh chết” chuyển công năng sang thành hồ chứa nước ngọt. Cụ thể, ở huyện Ba Tri có tuyến “kênh chết” có thể cải tạo thành hồ chứa khoảng 2 triệu m3 để giải quyết nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô và cho tỉnh xây dựng cống Thủ Cửu để hình thành hồ chứa nước ngọt, phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô hạn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền để người dân có ý thức chủ động thực hiện biện pháp chứa nước mưa dự trữ tại nhà, sử dụng vải nhựa trải dưới ao hồ để trữ nước ngọt trong mùa mưa, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất mùa khô.
Theo nghiên cứu về đặc điểm nước ngầm ở ĐBSCL của Liên đoàn địa chất số 8, thì địa bàn tỉnh Bến Tre chỉ có thể tìm được nguồn nước ngầm chất lượng tốt ở độ sâu trên 300m.
Bài & ảnh: Hùng Long